Sau scandal bán khăn lụa Trung Quốc nhưng gắn mác "Made in Vietnam", ông Hoàng Khải, Chủ tịch Công ty TNHH Khải Đức (thương hiệu Khaisilk) cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng và đóng cửa toàn bộ hệ thống cửa hàng Khaisilk để phục vụ công tác điều tra.
Hai năm vắng bóng trên thị trường, những ngày gần đây, cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai (Hoàn Kiếm, Hà Nội)– nơi khởi phát hàng loạt khủng hoảng uy tín thương hiệu bất ngờ tháo gỡ biển hiệu, được tu sửa mặt tiền,khiến nhiều người tò mò, liệu chăng Khaisilk sẽ trở lại? Hay cửa hàng đã đổi chủ như nhiều địa điểm khác.
Theo quan sát, cửa hàng vẫn giữ nguyên décor trang trí mặt tiền, chỉ phần treo biển hiệu Khaisilk trước đây được sơn sửa lại.
Cửa hàng Khaisilk 113 hàng Gai (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tháo biển hiệu, sơn sửa lại mặt tiền tầng 1. |
Chị Anh (một người dân sống gần cửa hàng Khaisilk hàng Gai) cho biết, cửa hàng đã được sửa chữa cách đây vài tuần. Tuy nhiên, do luôn đóng kín cửa nên hạng mục sửa chữa bên trong không rõ là gì.
Khẳng định cửa hàng Khaisilk tại 113 hàng Gai đã ngừng kinh doanh nhiều năm nay, anh Hồng Phú (một người bán hàng tạp hóa tại khu vực này) cho biết, đã có nhiều người đến hỏi thuê mặt bằng nhưng cũng không biết chủ nhà là ai.
"Thực ra việc sửa chữa bên trong căn nhà đã diễn ra từ năm ngoái, nhưng cũng không liên tục. Thi thoảng sửa chữa gì đó rồi lại thôi. Họ cứ sửa chữa vậy chứ chẳng biết đã bán, cho thuê hay định làm gì. Hình như cửa hàng này sửa chữa để trả lại mặt bằng chứ không phải kinh doanh tiếp.
Nếu cho thuê mặt bằng thì giá cũng không rẻ đâu, ước chừng 4.000 – 5.000 USD/tháng", anh Phú nhận định.
Trang trí mặt tiền cửa hàng từ tầng 2 trở lên vẫn giữ nguyên thiết kế ban đầu của cửa hàng Khaisilk khi còn hoạt động. |
Ghi nhận tại một cơ sở khác của Khaisilk ở số 26 phố Nguyễn Thái Học (Hoàn Kiếm, Hà Nội), toàn bộ ngoại thất của cửa hàng này đã được sửa chữa, thay mới biển hiệu. Cửa hàng cũng kinh doanh một mặt hàng mới hoàn toàn.
Sát đó, nhà hàng Khai's Brothers nơi từng bày khá nhiều sản phẩm lụa của thương hiệu này hiện chỉ tập trung mảng kinh doanh. Toàn bộ sản phẩm lụa trước đây đã không còn xuất hiện.
Theo quản lý của nhà hàng, nhà hàng tập trung kinh doanh ẩm thực Việt, đồ uống. Đối tượng khách hàng chủ yếu là người nước ngoài.
Khai’s Brothers là một ngôi đền cổ có tuổi thọ hơn 150 năm thuộc sở hữu của gia đình Khaisilk, và được ông Hoàng Khải gìn giữ, tu sửa lại sau 15 năm kinh doanh thành công.
Mặc dù vào giờ ăn trưa xong nhà hàng khá thưa khách. |
Tại đây các bữa ăn buffet được phục vụ với giá từ 250.000 - 388.000 đồng/người. |
Công ty Khải Đức được thành lập từ tháng 8/2002, là doanh nghiệp hạt nhân chi phối lĩnh vực lụa và chuỗi nhà hàng cao cấp của hệ thống Tập đoàn Khải Silk.
Cuối tháng 10/2017, Khaisilk đối mặt với khủng hoảng nặng nề, khi một khách hàng phản ánh mua khăn lụa của cửa hàng tại 113 hàng Gai không đúng xuất xứ trên nhãn mác.
Kết quả kiểm tra, giám định chất lượng sản phẩm dệt may đối với một số mẫu sản phẩm của Công ty TNHH Khải Đức, đơn vị sở hữu thương hiệu Khaisilk cho thấy, không có thành phần silk như công bố trên nhãn hàng hoá về thành phần nguyên liệu trong sản phẩm là 100% silk.
Tháng 12/2018, ông Hoàng Khải không còn là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Khải Đức - hạt nhân chính trong hệ sinh thái Khaisilk, phụ trách mảng kinh doanh lụa và sau này là hệ thống nhà hàng cao cấp. Từ ngày 14/12, người đại diện theo pháp luật của Khải Đức là bà Nguyễn Thu Nga.
(Theo Báo dân sinh)