Theo Sở Công thương Đà Nẵng, hiện nay có thông tin một số đối tượng lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của người dân thông qua việc mua, bán hàng online trên mạng xã hội bằng các số điện thoại không rõ nguồn gốc.
Để kịp thời ngăn chặn, Sở đề nghị UBND các quận, huyện phối hợp thông tin tuyên truyền đến người dân, khuyến cáo người dân chỉ đặt hàng qua các kênh Hotline/Zalo/Facebook của siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa, qua shipper công nghệ.
Người dân được khuyến cáo không mua bán hàng hóa thông qua các số điện thoại không rõ nguồn gốc trên các trang mạng xã hội.
Sở Thông tin và Truyền thông được đề nghị phối hợp với UBND các quận, huyện và các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý thông tin về những trường hợp lừa đảo, vi phạm pháp luật nêu trên.
Các shipper công nghệ được chính quyền cho phép hoạt động |
Hiện, Ban điều hành tổ dân phố ở các phường đã siết chặt việc không nhận đơn hàng của người dân đặt nơi khác ngoài những nơi đã quy định mang về. Việc đặt hàng không đúng kênh sẽ không đúng với yêu cầu phòng chống dịch, do đó người đi nhận sẽ bị phạt 7,5 triệu đồng.
Hiện chính quyền Đà Nẵng đang rốt ráo xây dựng các phương án cung cấp thực phẩm cho thành phố khoảng 1,2 triệu dân này. Ngoài các siêu thị, chuỗi cửa hàng; 1.000 shipper cũng được chính quyền Đà Nẵng cho phép tham gia cung ứng hàng để giảm tải cho các tổ dân phố. Công an Đà Nẵng cũng đã cho lực lượng của mình tham gia bán hàng lưu động với 14 container hàng hóa phục vụ người dân.
Ít ngày trước đó, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM - đã đưa ra cảnh báo người dân TPHCM cảnh giác trước tình trạng kẻ gian giả danh nhân viên các siêu thị, cửa hàng... nhận đơn đặt hàng qua điện thoại, ứng dụng trực tuyến rồi lừa khách mua hàng chuyển tiền để chiếm đoạt. Đồng thời khuyến cáo người dân nên liên hệ Tổ trưởng Tổ dân phố, Hội Phụ nữ, đoàn thể phường để đăng ký mua hàng. Một số cửa hàng tiện lợi cũng phát đi cảnh báo tương tự sau khi tiếp nhận phản ánh từ khách mua hàng.
Theo Phụ nữ TPHCM