“Ngoài hai mươi tuổi, người ta có nhiều cơn say khác, say chè, say rượu, say thuốc có thể đã từng… Nhưng chẳng có gì “nguy hiểm” bằng việc “say một người đàn ông”, tác giả Hà Thu viết như vậy trong cuốn sách đầu tay của mình.
“Say một người đàn ông” là cuốn sách đầu tay của tác giả Hà Thu. Cuốn sách gồm hơn 60 bài tản văn và thơ được tập hợp, gom góp lại sau 5 năm trời từ những bài viết được đăng trên các báo như Văn nghệ, Hà Nội mới, Người Hà Nội…
Trong cuốn tản văn này, người ta bắt gặp những cảm xúc thân thương về tình bạn, tình yêu, về những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống. Tất cả đều được Hà Thu diễn tả một cách đầy thi vị.
“Say một người đàn ông” có nỗi chênh chao của tuổi trẻ trước những lựa chọn khó khăn trên con đường tìm kiếm hạnh phúc. Đó cũng có thể là sự mơ hồ khi chạm đến ranh giới của việc trưởng thành hay sự dại khờ giữa vòng xoay bộn bề của cuộc sống. “Say một người đàn ông” phảng phất buồn nhưng không hề bi lụy. Đó là một nỗi buồn đẹp, đầy chất thơ, nỗi buồn điển hình của một người trẻ trong thế kỉ 21.
Cuốn sách được chia làm ba phần.
Phần đầu là “Những cuộc tình một nửa”, ghi lại những cảm xúc trong veo của mối tình học trò, chút vương vấn của mối tình đơn phương nhiều hoài niệm hay những day dứt không nguôi về tình đầu dang dở.
Trong những trang viết của phần thứ hai - “Say một người đàn ông”, ta thấy đằng sau đó là một cô gái đã có phần trưởng thành và chín chắn hơn. Vẫn viết về tình yêu nhưng giọng văn của Hà Thu lúc này đằm thắm và nhiều lắng đọng.
Phần ba, “Tuổi thanh xuân màu rêu” là bức tranh muôn màu về tuổi trẻ. Ở đó, ta bắt gặp một cái tôi đôi lúc có phần ngạo mạn, ngông cuồng nhưng đôi lúc lại thật nhỏ bé và cô đơn. “Tôi là cô gái hai mươi hai. Không tiền. Không sự nghiệp. Không tình yêu. Thứ duy nhất có trong tay là Tuổi Trẻ. Nhưng lạ lùng thay, Tuổi Trẻ - bản thân hai từ ấy thôi đã khiến bao kẻ phải ngâm ngùi và ghen tị”.
Trích đoạn trong tác phẩm: “Ngoài hai mươi tuổi, người ta có nhiều cơn say khác, say chè, say rượu, say thuốc có thể đã từng… Nhưng chẳng có gì “nguy hiểm” bằng việc “say một người đàn ông”. Cảm giác ấy hồi hộp và phấn khích, giống như lần đầu tô trộm thỏi son của mẹ, tự ngắm mình trong gương đầy vui sướng, hài lòng mỉm cười trong phút chốc, rồi sợ hãi bị phát hiện, chỉ biết lấy tay chùi vội nó đi, nhưng chẳng bao giờ có thể xóa hết đi dấu vết ấy. Và dù biết có thể bị trách mắng, lòng vẫn thầm ước ao có được sự thỏa mãn ngắn ngủi ấy… […] Hai mươi hai tuổi, tôi say mê nhiều thứ. Một đôi giày đắt tiền. Thỏi son đỏ hấp dẫn. Lọ nước hoa thơm ngây ngất… Những thứ ấy, qua thời gian, tôi dần dà có được. Hai mươi hai tuổi, tôi trót say mê một thứ. Nhưng chẳng bao giờ có được. Cứ trượt dài trong khắc khoải mông lung.” |
T.Lê