Đó là thông tin được Sở xây dựng Hà Nội đưa ra. Hiện nay trên địa bàn Thành phố có khoảng 1.516 chung cư cũ có quy mô từ 2 đến 5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1980 và tất cả 100% chung cư cũ đều bị cơi nới, cải tạo.
Ngày 15/12, tại buổi họp báo của Thành ủy Hà Nội, Sở Xây dựng Thành phố Hà Nội đã có báo cáo về kết quả công tác rà soát tổng thể việc kiểm định chất lượng, cải tạo xây dựng các công trình chung cư cũ trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Ông Nguyễn Chí Dũng – Phó Giám đốc Sở xây dựng Hà Nội cho hay: “100% các chung cư cũ khi được kiểm tra kiểm định đều bị cơi nới, cải tạo.
Theo đó, trên địa bàn Thành phố hiện có khoảng 1.516 chung cư cũ, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến năm 1980, ngoài ra còn một số nhà được xây dựng từ trước những năm 1954. Riêng 04 quận nội thành cũ có 935/1516 nhà chung cư cũ. Còn lại phân bố rải rác 08 quận còn lại và huyện Đông Anh, huyện Gia Lâm. Trong tổng số quỹ nhà chung cư nói trên có 273 nhà lắp ghép tấm lớn, 856 nhà xây gạch, 193 nhà khung be tông cốt thép còn lại các kết cấu khác.
|
Ông Nguyễn Chí Dũng – Phó Giám đốc Sở xây dựng Hà Nội trả lời các nhà báo |
Các hộ gia đình được phân phối nhà sau 40 năm đến 50 năm sử dụng đã phát triển thành nhiều thế hệ, do áp lực về diện tích ở, nhu cầu cuộc sống cũng như việc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, sự yếu kém về quản lý. Mà theo lãnh đạo Sở xây dựng thì 100% tất cả các khu chung cư mà đoàn đi kiểm tra đều diễn ra tình trạng cơi nới, xây dựng lấn chiếm, sân chung, “đeo ba lô, chuồng cọp”.
Việc cải tạo, sửa chữa tùy tiện đã dẫn đến việc ảnh hưởng lớn đến sự thấm dột khu vệ sinh, ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của kết cấu. Tình trạng úng ngập khi mưa bão xảy ra ở một số chung cư: khu C; khu H Kim Liên. Tập thể Yên Lãng; Trung Tự…
Hầu hết các nhà chung cư dạng nhà lắp ghép tấm lớn, nhà tường xây chịu lực đều xảy ra tình trạng hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng như nhà A2, B1 Giảng Võ, E6-E7 Quỳnh Mai, khu Kim Giang quận Thanh Xuân, khu Đức Giang, Sài Đồng quận Long Biên…
Hầu hết các chung cư cũ đều cơi nới, cải tạo. (Ảnh minh họa) |
Để khắc phục tình trạng này, Thành phố Hà Nội đã bố trí kinh phí thực hiện kiểm định chất lượng hiện trạng 77 công trình với kinh phí 7,2 tỷ đồng. Năm 2011-2012 bố trí 15 tỷ đồng kiểm định 85 công trình chung cư cũ để lọc ra những công trình nguy hiểm cấp D, tổ chức di chuyển, cải tạo xây dựng lại theo Luật Nhà ở.
Theo báo cáo được Sở xây dựng đưa ra thì năm 2015, mới chỉ kiểm định được 42 trên tổng số 1516 công trình nhà ở chung cư cũ trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Đây là những chung cư đã hư hỏng, xuống cấp, qua kiểm tra đánh giá bằng phương pháp chuyên gia cũng xác định được mức độ hư hỏng nặng cần được kiểm định ngay để xác định những nhà nguy hiểm cần phải di dời, chống đỡ.
Trả lời phóng viên về việc di dời còn rất chậm, ông Nguyễn Chí Dũng – phó Giám đốc Sở xây dựng Hà Nội cho hay nguyên nhân sâu xa chính là việc mặt bằng tầng 1 tại các nhà chung cư cũ có khả năng kinh doanh rất tốt, bên cạnh đó còn có những hộ dân đòi đền bù cả diện tích lấn chiếm.
Để giải quyết triệt để vấn đề này, trong thời gian tới Sở xây dựng được phân công xem xét, kiểm tra từng khu báo cáo Thủ tướng chính phủ, quy hoạch lại tổng thể các khu vực như Giảng võ, Thành Công, Kim Liên… Và đặc biệt trong trường hợp người dân không chịu di dời, “UBND Quận sẽ phải cưỡng chế để đảm bảo an toàn cho người dân” – Ông Dũng cho hay.
Trả lời về việc thời gian sử dụng chung cư cũ thì lãnh đạo Sở cho hay sau từ 20 – 50 năm sẽ lại lập kế hoạch thẩm định, đánh giá theo chất lượng thẩm định phụ thuộc vào cấp độ nào thì cải tạo theo cấp độ đó. Nếu như rơi vào cấp độ D thì bắt buộc di dời và đập bỏ.
Đồng thời, UBND Thành phố cũng đã chỉ đạo Sở xây dựng đẩy nhanh tiến độ kiểm định các khu chung cư cũ đã hoàn thành trong năm 2016 để đưa vào Kế hoạch cải tạo xây dựng lại chung cư cũ trình UBND Thành phố thông qua năm 2016; phối hợp với các sở ngành liên quan tổ chức rà soát, kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án cải tạo chung cư cũ, trình Thành phố kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai…
Minh Cường