Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam - Gelex (GEX) cho biết, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Giám đốc kiêm thành viên HĐQT Gelex - vừa đăng ký mua tiếp 30 triệu cổ phiếu GEX theo phương thức thỏa thuận trong khoảng thời gian từ 10/11-9/12.
Với mức giá GEX ở mức 32.200 đồng hiện tại, ông Tuấn sẽ phải chi thêm khoảng 960 tỷ đồng.
Nếu mua thành công, ông Nguyễn Văn Tuấn sẽ nâng số lượng cổ phiếu GEX nắm giữ lên mức gần 176,4 triệu đơn vị, tương đương 22,58% cổ phần doanh nghiệp thiết bị điện số 1 Việt Nam.
Trong tháng 10, ông Tuấn đã mua vào thêm 8 triệu cổ phiếu GEX, nhờ đó ông và nhóm người liên quan sở hữu vượt mức 35% cổ phần tại Gelex. Hồi cuối tháng 5 đầu tháng 6/2021, ông Tuấn cũng chi khoảng 600 - 650 tỷ đồng để mua vào 30 triệu cổ phiếu GEX, nâng sở hữu từ 11,57% lên 17,7% vốn điều lệ.
Ông Nguyễn Văn Tuấn hiện có khối tài sản quy từ hai cổ phiếu GEX và VIX trị giá tổng cộng gần 5.500 tỷ đồng.
Bà Đào Thị Lơ - mẹ ông Tuấn - nắm giữ 24 triệu cổ phiếu GEX (tỷ lệ 3,07% vốn). Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV Đầu tư GEX, nơi bà Lơ đang giữ chức giám đốc, cũng sở hữu gần 104 triệu cổ phiếu GEX (tỷ lệ 13,3%).
Tổng cộng, tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông liên quan tới ông Tuấn hiện đạt hơn 35,1% và con số này sẽ còn gia tăng nếu ông Tuấn mua thành công 30 triệu cổ phiếu GEX như vừa đăng ký.
Ông Nguyễn Văn Tuấn. |
Năm 2021 với việc hợp nhất được Viglacera, Gelex đặt mục tiêu đặt mục tiêu tổng doanh thu 28.540 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 1.285 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với năm ngoái. Cổ tức tối đa 10%.
Gelex dự kiến sẽ tiếp tục tăng tỷ lệ sở hữu lên mức chi phối tại Viglacera và KCN Dầu khí Long Sơn. Với mảng năng lượng tái tạo, các dự án Điện gió Hướng Phùng 2,3 và Quảng Trị 1,2,3 sẽ vận hành thương mại vào tháng 9 tới. Công ty cũng triển khai công việc để bổ sung các dự án Điện gió Gia Lai (100MW), Điện gió Đăk Lăk (200 MW), Điện mặt trời Bình Phước (480MW), cụm Điện gió ngoài khơi Vĩnh Hải (800MW).
Trên TTCK, đa số các doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý III với lợi nhuận cao. Hàng chục tổ chức báo lợi nhuận nghìn tỷ. Nhóm ngân hàng vẫn ghi nhận kết quả tăng trưởng tốt bất chấp đại dịch.
Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp trong nhiều ngành lỗ như Ninh Vân Bay trong mảng bất động sản du lịch. Trùm BOT tiếp tục lỗ. Công viên nước Đầm Sen doanh thu gần như bằng 0 do dịch bệnh… Tuy nhiên, đa số cổ phiếu vẫn tăng giá mạnh.
Biến động chỉ số VN-Index. |
Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 8/11
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), dòng tiền vào thị trường vẫ rất lớn. Chỉ số VN-Index tăng tiếp lên trên ngưỡng 1.463 điểm.
Theo MBS, thị trường đi lên bền vững ở cả chỉ số và thanh khoản, VN-Index tiếp tục duy trì chuỗi tăng sang tuần thứ 2 liên tiếp và trong 5 tuần gần đây thị trường đã có tới 4 tuần tăng. Đáng chú ý là dòng tiền liên tục xoay vòng, từ nhóm cổ phiếu bất động sản sang nhóm ngân hàng, chứng khoán, dầu khí,… và rất có thể là tiếp tục đến nhóm cảng biển, vật liệu xây dựng, bất động sản khu công nghiệp… Điều đó cho thấy dòng tiền chốt lời không dời bỏ thị trường mà liên tục tìm các cơ hội mới, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu đầu cơ.
Theo VDSC, dòng tiền mạnh mẽ là tâm điểm của thị trường trong thời gian qua, làm cho xu hướng của thị trường luôn tích cực. Nhiều cổ phiếu vẫn trên đà tăng trưởng mạnh cũng như nhiều nhóm cổ phiếu sau thời gian ngủ quên cũng bừng tỉnh trở lại. Các nhà đầu tư vẫn tiếp tục duy trì cổ phiếu tôt trong danh mục cũng như tìm kiếm thêm cơ hội đầu tư cho mình.
Chốt phiên chiều 5/11, chỉ số VN-Index tăng 8,17 điểm lên 1.456,51 điểm. HNX-Index tăng 5,22 điểm lên 427,64 điểm. Upcom-Index tăng 0,82 điểm lên 108,2 điểm. Thanh khoản đạt 31,8 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn. Riêng sàn HOSE đạt hơn 26,1 nghìn tỷ đồng.
V. Hà
Từ chủ tịch 0 đồng, CEO 8X liên tục xuống tiền chi phối tập đoàn nghìn tỷ
Sau khi thôi chức chủ tịch “0 đồng”, CEO trẻ 8X của Gelex liên tục tăng tỷ lệ sở hữu của nhóm lên trên ngưỡng 35%, chi phối DN hàng đầu trong lĩnh vực thiết bị điện, xây dựng và nước sạch.