Bài viết ngày 2/2 của tờ Ten Asia nhận định Physical 100 hấp dẫn bởi các trận đánh thể lực dữ dội, đối đầu căng thẳng nhưng tràn ngập ngôn ngữ lăng mạ với những từ lóng không cần thiết.

“Vì cuộc chiến thể chất diễn ra quá căng thẳng nên có vẻ ê-kíp và các thí sinh không có thời gian để lọc những lời phát ra từ miệng họ. Ngôn ngữ thô tục và tiếng lóng tràn lan trong lời nói của những người tham gia Physical 100. Đội ngũ sản xuất đáng lẽ phải điều chỉnh, biên tập kỹ càng hơn. Tuy nhiên, họ đã không làm tốt phần việc của mình”, Ten Asia bình luận.

Những cuộc quyết chiến một mất một còn

Physical 100 là trò chơi giải trí sinh tồn, trong đó 100 thí sinh tự hào là người có thể chất mạnh nhất tìm đến đây để chinh phục giải thưởng trị giá 300 triệu won (khoảng 240.000 USD). Chương trình thậm chí được mệnh danh Squid Game phiên bản đời thực.

Những người tham gia từ nhiều ngành nghề khác nhau, bao gồm vận động viên võ thuật, vận động viên thể hình, cảnh sát, lính cứu hỏa và nhân viên cải huấn hay thậm chí vũ công… Nhiều người trong số đó có quá khứ huy hoàng, được công chúng biết tới như vận động viên võ thuật Choo Seong Hun, vận động viên thể hình quốc gia Yun Seong Bin hay vận động viên thể dục nghệ thuật đại diện Hàn Quốc tại các giải đấu lớn Yang Hak Seon.

Physical 100 có đặc điểm là không phân biệt nam nữ mà chỉ thông qua đối đầu để xác định “thân thể khỏe nhất”. Nhờ đó, khán giả có thể xem màn đối đầu căng thẳng giữa tất cả thí sinh, thậm chí nam và nữ. Tất cả trò chơi thiên về thể chất. Do đó, các thí sinh đòi hòi có thể lực tốt, sức bền, sự dẻo dai.

Thông qua các trò chơi như đấu vật để tranh bóng, băng qua cầu đổ cát vào thùng… những người thắng vào vòng trong còn người thua bị loại. Một trong số đó là trận tử chiến một mất một còn. Chẳng hạn trận chiến giữa nam võ sĩ Park Hyung Geun và nữ vận động viên thể hình Chun Li trong tập 4. Trong trận đấu một đối một này, người chiến thắng là người có bóng khi kết thúc trận đấu kéo dài 3 phút.

Liên tục gây tranh cãi

Điểm hấp dẫn của Physical 100 là ý tưởng mới mẻ, trực quan, đa dạng, nội dung kịch tính. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, chương trình tồn tại nhiều hạn chế, đặc biệt vấn đề ngôn từ thô tục. Theo Ten Asia, đây là chương trình được thực hiện để tìm ra người có thể chất mạnh mẽ nhất chứ không phải người tục tĩu nhất.

Trở lại trận đấu giữa nam võ sĩ Park Hyung Geun và nữ vận động viên thể hình Chun Li trong tập 4, nó đã gây tranh cãi dữ dội trên các diễn đàn Hàn Quốc. Lý do là trong quá trình vật lộn, Park Hyung Geun thậm chí dùng đầu gối đè lên ngực Chun Li để kìm kẹp cô. Park Hyung Geun đã nói xin lỗi trước khi thực hiện hành động trên nhưng vẫn bị công chúng Hàn Quốc chỉ trích.

Đặc biệt, việc Park Hyung Geun thừa nhận chọn Chun Li để quyết đấu vì anh không đủ tự tin đấu với thí sinh nam khác càng đổ thêm dầu vào lửa. Khán giả cho rằng với suy nghĩ hèn nhát như vậy, Park Hyung Geun không nên tham gia chương trình để rồi có hành động thiếu công bằng với một đối thủ nữ như Chun Li.

Tranh cãi chỉ tạm lắng xuống khi Chun Li lên tiếng giải vây cho đối thủ. “Park Hyung Geun đã có một trận đấu công bằng với tư cách vận động viên. Tôi không cảm thấy có vấn đề hay phàn nàn gì về trận đấu. Tôi biết tất cả thí sinh đến chương trình là để chiến đấu bất kể giới tính của họ là gì. Bên cạnh đó, khi biết rằng đối thủ là một võ sĩ chuyên nghiệp, tôi đã phát huy kỹ năng chiến đấu và mong đợi điều đó", Chun Li nói.

Theo Chun Li, các thí sinh đến Physical 100 phải chiến đấu với nhau bất chấp tuổi tác, quốc tịch, giới tính hoặc hạng cân. Các trò chơi ở đây không thể thắng chỉ bằng sức mạnh. Nó đòi hỏi nhiều khả năng khác nhau, từ sức mạnh cơ bắp, sức bền, sự linh hoạt, nhanh nhẹn đến tinh thần hợp tác.

Ten Asia nhận định ngoài tranh cãi giữa Chun Li với Park Hyung Geun, vấn đề thực sự của Physical 100 là lời nói và hành động của những người tham gia. Hầu hết người tham gia không phải phát thanh viên, nghệ sĩ chuyên nghiệp hay xuất hiện trên sóng truyền hình. Chỉ một số ít xuất hiện trước công chúng nhưng cũng thông qua các nền tảng mạng xã hội.

Do đó, trong một trận đấu khẩn trương, căng thẳng, lời nói và hành động của những người tham gia rất tùy hứng, không được kiểm soát bằng lý trí. Những nhận xét có phần phản cảm, thô tục liên tục trên màn hình.

Một người tham gia cũng nói “helchang”. “Helchang” gần đây được dùng để chỉ một người đam mê thể dục, nhưng nếu nhìn vào nguồn gốc của từ này, có thể thấy nó không bao giờ thích hợp để xuất hiện công khai.

Khi cuộc đối đầu càng gay gắt, những lời chửi thề xuất hiện càng liên tục. Tuy nhiên, việc sàng lọc chúng ra sao lại phụ thuộc vào nhà sản xuất. Thế nhưng, có rất nhiều từ tục tĩu ở mức độ đáng xấu hổ xuất hiện trên chương trình này, tờ Ten Asia nhận định.

(Theo Zing)