Ngành Thuế TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm siết chặt quản lý thuế trong lĩnh vực trên. Kết quả quý I năm nay đã điều chỉnh giá giao dịch trên 10.800 hồ sơ, thu thêm cho ngân sách 380 tỷ đồng. Tuy nhiên, để xử lý triệt để vẫn cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Để tránh tình trạng kê khai giá chuyển nhượng thấp hơn so với thực tế, theo các chuyên gia giải pháp căn cơ đầu tiên chính là phải xây dựng khung giá đất từ cơ quan thuế. Bởi hiện bảng giá đất có nơi chỉ bằng 10 - 15% giá thị trường, thậm chí còn thấp hơn.

Siết chặt thuế chuyển nhượng bất động sản - Ảnh 1.

Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN.

Ngoài ra, để đồng bộ các giải pháp trong việc siết chặt thuế chuyển nhượng còn cần xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp với ngành thuế, các giao dịch mua bán bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng.

Đồng thời, cơ quan công chứng cũng phải thực hiện công chứng hợp đồng mua bán bất động sản chuẩn xác với giá thị trường, không chỉ đơn thuần xác nhận chữ ký thảo thuận của hai bên như hiện nay.

Theo cơ quan thuế TP Hồ Chí Minh, trong quý I năm nay đã có nhiều sự chuyển biến tích cực việc người dân kê khai giá tương đối sát với thực tế. Bởi Tổng Cục thuế đã có chỉ thị yêu cầu kiểm tra lịch sử các lần giao dịch, so sánh và chấn chỉnh nếu phát hiện người nộp kê khai thấp hơn giá thực tế.

Về góc độ người mua - bán, nếu kê khai đúng giá thị trường sẽ không phải chịu mức thuế cao cho lần chuyển nhượng tiếp theo.

(Theo VTV)

Ngành thuế dựa vào đâu để trả hồ sơ mua bán nhà đất?Hàng ngàn hồ sơ mua, bán bất động sản đã bị trả về với lý do kê khai giá bán thấp hơn so với giá thực tế nhằm đóng mức thuế thấp.