Điều cốt yếu nhất của môi trường, văn hóa làm việc là sự hài hòa, phù hợp giữa giá trị doanh nghiệp mang tới với mong muốn mà người lao động đang hướng tới và ngược lại. 

Đây là một nội dung thảo luận chính trong buổi đối thoại “Future Leader - nhà lãnh đạo tương lai” giữa đại diện cấp cao của công ty GSK, một trong những công ty dược phẩm và chăm sóc sức khỏe trên cơ sở nghiên cứu khoa học hàng đầu trên thế giới, và sinh viên năm cuối ĐH Y Dược TP.HCM và ĐH Dược Hà Nội. 

Doanh nghiệp cần định vị giá trị với nhân viên 

Bà Dương Anh, Giám đốc Nhân sự cấp cao công ty GSK Việt Nam chia sẻ: Tôi đã làm việc với nhiều công ty, nhiều lãnh vực khác nhau, cũng đã từng đi rồi lại quay về GSK. 

Một doanh nghiệp muốn định vị giá trị của mình với các nhân viên cần tạo ra môi trường làm việc tốt. Đó là nơi mà mọi thành viên đều đối xử với nhau như bạn bè, người thân trong gia đình. Ai cũng cần có đồng đội xung quanh hỗ trợ mình, làm việc với nhau vì một mục đích chung. 

{keywords}
Chị Trần Thị Dương Anh, GĐ Nhân sự Cấp cao GSK Việt Nam (trái) và BS Nguyễn Thị Tường Vi, GĐ Đối ngoại GSK Việt Nam


Đối với riêng GSK thì những giá trị mà công ty cố gắng đem lại cho người nhân viên là 1) họ luôn được truyền cảm hứng vì một sứ mệnh chăm sóc sức khỏe con người 2) luôn được đồng hành trong mỗi nấc thang phát triển sự nghiệp 3) được làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp toàn cầu và 4) luôn gắn kết với nhau, được sáng tạo, trao quyền và làm những công việc mình yêu thích.

Cũng từ định vị giá trị này mà GSK đã tạo ra Future Leader như cách giúp các bạn trẻ tìm kiếm cơ hội phát triển khả năng. Trong khi các doanh nghiệp chỉ muốn tuyển dụng nhân viên đã có kinh nghiệm thì những chương trình dành riêng cho các bạn trẻ vừa ra trường như Future Leader đã vạch ra một lộ trình rất rõ ràng, giúp các bạn tiếp tục được học và thực hành ở nhiều vai trò khác nhau, hoàn thiện kỹ năng và phát triển sự nghiệp của mình. 

Các sinh viên tham gia phỏng vấn đều rất tự tin và hãnh diện về ngành nghề đặc thù mình đã chọn. Tuy nhiên, các bạn còn lúng túng không biết mình nên lựa chọn con đường nào. Vì vậy, các bạn cần trả lời được những câu hỏi lớn như mục đích cuối cùng các bạn muốn hướng đến là gì, mong muốn một môi trường làm việc ra sao và sẽ phát triển như thế nào? Khi đã quyết định, bạn cần kiên định theo đuổi nó đến cùng.

Bài học về thái độ và sự thay đổi

Trong buổi đối thoại, các sinh viên trúng tuyển “Nhà Lãnh Đạo Tương Lai” cũng chia sẻ những trải nghiệm quý có được nhờ chương trình. 

{keywords}
Các bạn sinh viên có rất nhiều buâng khuâng về định hướng phát triển 


Hoàng Mai, Dược 2008, trường ĐH Y Dược TP HCM cho biết: Một trải nghiệm thú vị khi tham gia dự tuyển đó là vòng xử lý tình huống. Mai được cung cấp rất nhiều thông tin về một công ty giả định và trong đó mình đóng vai giám đốc. Tình huống đưa ra là Mai phải giải quyết một trường hợp là người nhân viên muốn xin nghỉ việc. 

Ở vai trò này, Mai nhận thấy mình cần phải lắng nghe suy nghĩ, thấu hiểu tâm tư và trao đổi những khúc mắc của nhân viên. Hoặc chấp thuận cho họ nghỉ, hoặc thuyết phục họ ở lại với mình, thực ra lựa chọn nào là tốt hơn? 

Lúc đó dù vẫn chưa đi làm ngày nào, nhưng thời gian 15 phút ở trong vai trò đó, Mai cảm nhận được trách nhiệm của người lãnh đạo làm sao để nghĩ cho nhân viên mình, mới hiểu giá trị của nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng đối với một tổ chức như thế nào. 

Còn Nguyễn Văn Lộc, Dược 2007, ĐH Y Dược TP HCM thì tâm sự: Bài học lớn nhất mà em có được đó là ở thái độ và sự thay đổi của bản thân. 

Sau khi rớt đợt 1, em đã nghiêm túc nhìn nhận những điểm được và chưa được của mình, tích cực thay đổi từ suy nghĩ đến những hành động thiết thực và em đã thành công ở lần thi thứ hai. 

Điều mấu chốt là bạn có cố gắng hay không. Nếu bạn đủ tốt thì chính bạn là người lựa chọn con đường của mình chứ không phải ngồi chờ cơ hội tìm đến bạn. Quan trọng là mình được làm những điều mình yêu thích, ngày càng thấm giá trị công việc mình mang lại và đủ tự tin trên con đường sự nghiệp còn nhiều thử thách sắp tới.

Diễm Hương