- Thay vì khăn gói về quê hoặc lên lịch đi chơi cùng bè bạn, nhiều sinh viên dành trọn những ngày nghỉ Tết để bám trụ với những công việc làm thêm.

Mải làm thêm quên Tết


Cuối năm là thời điểm các công việc thời vụ nở rộ, khát nhân lực. Đây cũng là dịp nhiều sinh viên đốt sức kiếm tiền.

Đón chuyến xe bus cuối cùng trong ngày để trở về nhà ở tận Cầu Diễn, Thu Ngọc (SV năm cuối CĐ Sư phạm Trung ương) cho biết, cô đang bán hàng cho salon nội thất tại Big C Long Biên. Chỗ làm xa, phải về muộn, nhưng Ngọc vẫn phải dốc sức cố gắng. Bởi lẽ: “Chỉ còn không đầy một tháng nữa là Tết rồi. Tìm chỗ làm khác cũng mất thời gian, mà có khi lương không tốt bằng ở đây”.
Tranh thủ kì thực tập, Ngọc nhờ người quên giới thiệu cho công việc bán hàng này, thấm thoát cô cũng đã làm việc được gần hai tháng. Vừa đi thực tập, vừa đi làm, nên bất đắc dĩ Ngọc phải nhận ca tối dù nhà ở khá xa so với nơi làm việc. Cô sinh viên năm cuối hi vọng nếu làm việc chăm chỉ thì ít nhiều sẽ được thưởng Tết âm lịch.

“Đi làm suốt, mình cũng không để ý đến Tết dương lịch. Tết năm nay đến nhanh quá…” – Ngọc lặng lẽ nói.
Cuối năm, nhiều sinh viên đốt sức kiếm tiền (Ảnh: MT)

Quên Tết dương để phấn đấu kiếm tiền cho Tết âm là tâm lý của rất nhiều sinh viên như Ngọc. Với họ, nỗi lo lắng cho một mùa xuân ấm áp bên gia đình, hay lo xa cho một kì học mới, cho cuộc sống xa nhà dường như không bao giờ ngơi nghỉ.

Nhẹ nhàng hơn những lo âu của Ngọc, cũng có những bạn trẻ coi việc làm thêm trong dịp Tết này là cơ hội được trải nghiệm để trưởng thành hơn. Tại một cửa hàng bán cây cảnh trên đường Hoàng Hoa Thám, ít ai ngờ chàng trai trẻ đang thoăn thoắt sắp xếp các chậu cảnh rất “nghề” ấy lại đang là sinh viên năm nhất. Nguyễn Văn Ninh – SV ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, tuy bố mẹ không đồng ý cho đi làm thêm nhưng cậu vẫn lén đi.

“Ở quê, nhà em cũng kinh doanh cây cảnh nên em quen việc rồi. Hơn nữa em thấy bạn bè trong kí túc nhiều người tất bật đi làm thêm thì cũng muốn thử xem như thế nào” – Ninh nói. Từ tâm lý “thử”, Ninh trót “ham” làm lúc nào không biết.

“Mới năm đầu nên em không quá bận rộn với việc học. Đi làm ở đây không quá mệt, kiếm được tiền, em cũng thấy tự tin và vui lắm. Hơn nữa em còn muốn gây bất ngờ cho bố mẹ với khoản thu nhập cuối năm” – Ninh chia sẻ.

Tâm sự ngày Tết

Tết là thời điểm nghỉ ngơi để bắt đầu chuẩn bị cho những khởi đầu mới. Nhưng với nhiều sinh viên, vì mưu sinh, việc nghỉ ngơi ấy hoàn toàn có thể “hoãn” lại, thay thế bằng công việc. Năng động, chịu khó, sinh viên có thể có rất nhiều lựa chọn việc làm thêm như: Gia sư, bán hàng, làm tiếp thị, nhân viên kinh doanh… Mức lương phổ biến cho các công việc thời vụ theo ca là từ 90- 150 nghìn đồng/ ca. Còn nếu làm cố định, lương và thưởng Tết có thể lên tới 3 – 3,5 triệu. Đây là mức thu nhập đáng mơ ước đối với sinh viên.
Mê mải làm thêm

“Một năm mình chỉ về quê vài lần, Tết dương hầu như không về mà ở lại Hà Nội làm thêm, nếu may mắn tìm được công việc tốt cũng có thể phụ giúp cái Tết cho bố mẹ. Hơn nữa, năm nào ra Tết xong giá cả cũng đắt đỏ, tăng chóng mặt. Rút kinh nghiệm nên mình cũng phải chuẩn bị tinh thần sẵn từ bây giờ.” – Thu Hằng (quê Thanh Hóa) chia sẻ.

Vì những nỗi lo như thế, ngay khi kết thúc đợt thi học kì, trong khi bạn bè nô nức về quê, rủ nhau đi chơi, Hằng vẫn cần mẫn đi làm. Hằng xin vào làm thu ngân tại một siêu thị trên đường Cầu Giấy. Ngày đi làm, tối đi gia sư, Hằng nhẩm tính, nếu tiết kiệm chi tiêu thì khi về Tết cô cũng có được ít nhất ba triệu đồng – số tiền không nhỏ đối với bố mẹ ở quê.

“Chỉ mong thời gian đến Tết âm dài dài ra thêm một tí thì số tiền kiếm được sẽ nhiều hơn, đỡ đần được cho bố mẹ nhiều hơn” –  Hằng tâm sự.

  • Minh Tâm