Đó là câu chuyện của Laura Merry, một nữ hành khách 25 tuổi đến từ East Sussex, Anh. Cô đáp chuyến bay của hãng hàng không Qantas tới Australia để thăm em gái.
Merry cho biết, cô có trải nghiệm đáng nhớ trên chuyến bay sang Australia thăm em gái. |
Do nắm rõ tình hình sức khỏe, khi đặt vé, Merry đã chú thích với hãng về tình trạng dị ứng hạt hạnh nhân của bản thân. Cụ thể, chỉ cần tiếp xúc hoặc ngửi mùi hạt hạnh nhân cũng có thể khiến cô gái này dị ứng nặng, thậm chí sốc phản vệ, nặng nhất sẽ dẫn tới tử vong.
“Khi đặt vé máy bay, tôi đã thông báo với hãng về tình trạng dị ứng của mình. Tôi cũng có những tài liệu bằng văn bản xác nhận hãng sẽ không phục vụ hạnh nhân trên chuyến bay”, Merry nói.
Nữ hành khách đưa ra tài liệu chứng minh hãng bay không phục vụ các loạt hạt trên chuyến bay của cô, nhưng mọi chuyện lại đổi ngược. |
Tuy nhiên, khi lên chuyến bay hôm 3/3 vừa qua, mọi thứ khác hẳn với sự mong đợi của Merry. “Thái độ của tiếp viên với tình trạng dị ứng của tôi thật tệ. Cô ta nói không hề nhận được ghi chú nào về chuyện sức khỏe của khách nên quá muộn để đưa ra bất cứ yêu cầu nào. Tiếp viên này từ chối thông báo với hành khách về chuyện dị ứng của tôi, thậm chí còn nói sẽ phục vụ miễn phí những suất hạnh nhân cho 160 khách trên chuyến bay”, nữ hành khách người Anh kể tiếp.
Cuối cùng cô gái phải đeo mặt nạ khẩu trang kín mít, ngồi trong nhà vệ sinh trên máy bay để đảm bảo an toàn. |
Merry ngỏ ý xin các tiếp viên không phục vụ hạnh nhân trên chuyến bay kéo dài hơn 1 tiếng, bởi cô cho rằng, suất ăn miễn phí này không quá ảnh hưởng đến số tiền mỗi khách bỏ ra, nhưng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của cô. “Tuy nhiên, các tiếp viên đã từ chối và nói rằng, suất ăn là một phần trong dịch vụ trên chuyến bay của họ”.
Thương lượng với tiếp viên không thành công, Merry yêu cầu gặp tiếp viên trưởng. Sau khi trao đổi, người này nói rằng tốt nhất cô nên rời khỏi máy bay. Tuy nhiên, Merry không chấp nhận vì cần bay chuyến này để tới thăm em gái.
Cuối cùng, các tiếp viên đã phát cho cô chiếc mặt nạ để thay thế. “Trong suốt thời gian còn lại của chuyến bay, họ đưa tôi mặt nạ làm giải pháp tạm thời, thay vì đơn giản không phục vụ phần ăn kia cho khách, hoặc phục vụ suất ăn không có hạt”.
Cũng theo Merry, cô phải trốn vào nhà vệ sinh trên máy bay với chiếc mặt nạ trùm kín mũi, tránh bị mùi hạnh nhân ảnh hưởng tới cơ thể. Cô cũng bày tỏ sự lo lắng khi 2 tháng tới trở về quê nhà ngồi trên chuyến bay của Qantas và lại bị “đối xử” như cũ.
“Trước chuyến bay khủng khiếp này, tôi đã có chuyến đường dài đi cùng British Airways. Hãng không phục vụ món ăn vặt trên chuyến bay và tiếp viên đều thông báo rõ với hành khách về tình trạng dị ứng nguy hiểm của tôi”, Merry nói.
“Tôi đã chứng kiến nhiều người trẻ chết vì sốc phản vệ dị ứng với các loại hạt. Đây là dấu hiệu cho thấy một số thủ tục phải thay đổi”, nữ du khách người Anh khẳng định.
Vào đầu năm nay, một bé gái 9 tuổi người Anh cũng tử vong trong kỳ nghỉ dưỡng với gia đình ở Tây Ban Nha. Sau khi ăn kem, cô bé bị sốc phản vệ vì chiếc kem có chứa hạnh nhân. Dù được đưa tới bệnh viện kịp thời nhưng cô bé vẫn không qua khỏi.
Hành khách Anh ăn phải cơm gà quá hạn một tuần trên máy bay
Một hành khách rất bực bội sau khi phát hiện bữa ăn anh được phục vụ trên chuyến bay đã quá hạn một tuần.
Theo Dân trí