Như VietNamNet đã đưa, VKSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố ông Nguyễn Ngọc Hai (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận), Lương Văn Hải (nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận) và các bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ ở tỉnh Bình Thuận vì liên quan đến sai phạm xảy ra tại Dự án Khu dân cư Tân Việt Phát 2 (phường Phú Hài, TP Phan Thiết).

Theo cáo buộc, ngày 16/1/2017, Công ty Cổ phần Tân Việt Phát do ông Nguyễn Ngọc Phương, Tổng Giám đốc, đại diện theo pháp luật đã ký công văn gửi UBND tỉnh Bình Thuận và Sở TN&MT, đề nghị giao cho Công ty Tân Việt Phát 92.600,9 m2 (lô đất số 18, 19, 20) không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Sau khi có quyết định “về việc thu hồi và giao đất, cho thuê đất đối với 3 lô đất số 18, 19, 20 thuộc quỹ đất hai bên đường ĐT.706B cho Công ty Cổ phần Tân Việt Phát tại phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết”, ngày 16/5/2017, Công ty Tân Việt Phát đã nộp hơn 111 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Thuận.

Vào thời điểm đó, đã có phản ánh của người dân về việc giao cho Công ty Tân Việt Phát 3 lô đất nói trên là có sai phạm và với giá rẻ. 

Lúc này, ông Nguyễn Ngọc Hai đã chỉ đạo ông Nguyễn Văn Phong (Giám đốc Sở Tài chính) kiểm tra lại việc giao đất không qua đấu giá cho Công ty Tân Việt Phát theo giá đất được phê duyệt theo Quyết định số 2423/QĐ-UBND ngày 04/10/2013 của UBND tỉnh. 

Ông Nguyễn Văn Phong với vai trò Giám đốc Sở Tài chính đã không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Nguyễn Ngọc Hai, không chỉ đạo các bộ phận chuyên môn kiểm tra, rà soát đối chiếu với quy định của Luật Đất đai, Luật Giá về việc xác định giá đất cụ thể để giao đất cho Công ty Tân Việt Phát.

Thậm chí ông Phong còn chỉ đạo bà Hồ Thị Út (Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý giá và công sản) soạn thảo văn bản để ông Nguyễn Văn Phong (Giám đốc Sở Tài Chính) ký ban hành công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, khẳng định: “Việc UBND tỉnh thống nhất giao đất không qua hình thức đấu giá đối với 3 lô đất cho Công ty CP Tân Việt Phát là phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2013 và quyết định số 10/2016/QĐ-UBND ngày 22/4/2016 của UBND tỉnh”. 

Cáo buộc cho rằng, chính vì vậy UBND tỉnh đã không có biện pháp thu hồi kịp thời, để cho các sở, ngành liên quan và Công ty Tân Việt Phát thực hiện thủ tục giao, cho thuê, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước. 

Về phần mình, sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Công ty Tân Việt Phát đã làm các thủ tục xin thực hiện Dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 trên khu đất nêu trên và triển khai đầu tư hạ tầng, phân thành 500 lô đất, diện tích từ 100m2 đến 2.009 m2. 

UBND tỉnh Bình Thuận đã thu hồi 3 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp mới 500 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Tân Việt Phát. 

Công ty đã phối hợp với Công ty Danh Khôi (tại TP.HCM) ký kết các hợp đồng hợp tác đầu tư với khách hàng để huy động vốn, mục đích chuyển nhượng đối với 475 lô đất trên, đã thu 50% số tiền trong hợp đồng của khách hàng với giá từ 6- 7,3 triệu đồng/m2, với tổng số tiền huy động được là hơn 499 tỷ đồng. Công ty đã triển khai các thủ tục xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy định. 

Còn lại 2 lô đất có tổng diện tích 4.015,5 m2 (2006,5 m2 và 2.009 m2), Công ty Tân Việt Phát để lại phát triển thương mại.

Ngày 13/7/2021, CQĐT đã có công văn gửi UBND tỉnh Bình Thuận về việc phối hợp rà soát, cung cấp thông tin, hồ sơ pháp lý và tạm dừng giao dịch đối với các tài sản tại Dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2. Khi cần giao dịch, mua bán, chuyển nhượng nhà, đất tại Dự án thì phải có văn bản lấy ý kiến của Cơ quan CSĐT Bộ Công an.