Ai cũng lo
Hoàng Thanh, sinh viên Đại học (ĐH) Ngân hàng TP.HCM, quê ở Bình Định, nhớ lại: “Tết năm ngoái, trước khi về quê, mình trùm mền cho dàn máy vi tính và tivi thật kỹ để tránh bụi. Lúc về quê ăn tết, mình đã đóng chốt và khóa cửa rất cẩn thận, thế mà sau tết vào lại thì chẳng thấy chúng đâu, phòng trọ bị lục tung, những gì đáng giá đều mất”.
Đây là tình huống mà nhiều sinh viên từng gặp phải sau mỗi kỳ về quê ăn tết. Chính vì thế, vào thời điểm này, trên diễn đàn của nhiều trường ĐH, giới sinh viên xôn xao với nỗi lo như “Sinh viên về tết thì biết gửi đồ ở đâu?” hay “Về tết, biết gửi xe ở đâu bây giờ?”.
Để lại tài sản có giá trị trong phòng trọ những ngày Tết này dễ bị trộm cắp. |
Còn theo bạn Văn Toàn (ĐH Bách khoa TP.HCM) thì chỉ có những sinh viên ở KTX mới đỡ lo nghĩ về vấn đề này, còn hầu hết sinh viên đều phải đau đầu suy nghĩ, rồi nháo nhác tìm nơi gửi đồ.
"Bình thường, quanh năm các khu trọ đông đúc thế mà vẫn bị trộm bẻ khóa, dùng mọi cách để vào lấy trộm thì huống chi là vào những ngày tết khi các dãy phòng trọ thường trống vắng. Hơn nữa, các dãy phòng trọ thường nằm riêng biệt với gia đình của chủ nhà nên không có ai để ý giúp, việc bị trộm lẻn vào nhà để ăn cắp đồ là hoàn toàn có thể xảy ra”, Toàn nhìn nhận.
Tuy nhiên, với những sinh viên ở trọ chung nhà với chủ, dịp tết này, một số chủ nhà vẫn thông báo "sinh viên cùng ở trọ phải tự bảo quản đồ đạc, tài sản cá nhân. Nếu có mất mát sẽ không chịu trách nhiệm…".
Do đó, có lẽ, nhiều sinh viên trong hoàn cảnh này cũng đang tìm hỏi mọi người những nơi có thể gửi đồ trước khi về quê đón tết.
"Đây cũng là nỗi niềm không của riêng sinh viên nào”, Huỳnh An cho biết.
Không nên gửi... tiệm cầm đồ
Thời điểm này, trên nhiều diễn đàn sinh viên, các dịch vụ cầm đồ đã đăng tin “Giúp sinh viên giải quyết được nỗi băn khoăn không thể tìm được nơi gửi xe dài ngày trong khi về quê ăn tết".
Những thông tin tương tự cũng xuất hiện khá nhiều trên những trang rao vặt… và không ít sinh viên quyết định gửi vật dụng vào tiệm cầm đồ để có thể yên tâm về tài sản của mình.
Tuy nhiên, theo Vũ Toàn, sinh viên ĐH Công nghiệp TP.HCM thì cực chẳng đã mới chọn cách này chứ theo mình thì không nên, bởi ngoài việc phải trả lãi suất thì nguy cơ bị tráo đồ, luộc đồ là rất cao.
Toàn kể lại, tết năm trước từng gửi xe máy vào tiệm cầm đồ, nhưng sau tết, lúc đi bảo hành mới ngỡ ngàng khi biết “xe mình của hãng này nhưng nhiều bộ phận lại của hãng khác”.
Ngoài ra, một bất lợi khác mà sinh viên gặp phải là hầu hết tiệm cầm đồ không nhận "giữ hộ" những vật dụng quan trọng với đời sống sinh viên như xe đạp, tivi, máy giặt, bàn ủi...
Cũng theo Vũ Toàn, với máy tính xách tay hay những tài sản giá trị nhưng có kích thước nhỏ thì các bạn sinh viên nên mang theo về nhà khi nghỉ tết.
Được biết, hiện có không ít các bạn sinh viên quê ở Cà Mau, Sóc Trăng, Ninh Thuận, Bình Thuận… dù đường xa nhưng vẫn quyết định chạy xe máy về quê trong dịp tết này để khỏi âu lo việc mất mát khi để những tài sản này lại phòng trọ.
Không chỉ riêng giới sinh viên, nhiều công nhân cũng không yên tâm về quê đón tết bởi ai cũng sợ mất tài sản, vật dụng cần thiết khi để lại phòng trọ.
“Dù nồi, chảo, bàn ủi hay tivi không đắt giá lắm nhưng lại là những vật dụng cần thiết. Nếu mất thì phải tốn khoản tiền mua lại, trị giá cũng gần bằng một tháng lương chứ không ít”, anh Hoàng, một công nhân may lo lắng nói. Hiện nay có không ít thông tin nhận giữ đồ cho sinh viên, công nhân về quê ăn Tết được đăng tải trên các trang rao vặt, và thậm chí có quảng cáo còn khẳng định nhận giữ bất cứ tài sản nào. Tuy nhiên, các bạn sinh viên và công nhân cần phải thận trọng tìm hiểu kỹ về người nhận giữ thuê, đề phòng trường hợp đây chỉ là hình thức lừa đảo bởi họ là những người thuê phòng bình thường. Khi có trong tay một lượng đồ "giữ hộ" nhất định, họ sẽ chuyển sang chỗ ở mới… thì "khi đó có tìm đằng trời cũng không ra". |