Mời quý độc giả theo dõi video:

Xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung là một trong những xã đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng đạt chuẩn xã nông thôn mới vào năm 2014 và đạt nông thôn mới nâng cao vào năm 2020. Hiện nay, xã đang đẩy mạnh thực hiện các giải pháp, phấn đấu sớm đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, hướng đến nông thôn mới thông minh vào cuối năm 2023.

Để đạt mục tiêu này, địa phương chú trọng các tiêu chí chuyển đổi số và ứng dụng hiệu quả các mô hình kinh tế nông nghiệp, áp dụng kỹ thuật sản xuất hiện đại trong xây dựng nông thôn mới. Qua đó nâng cao mức sống của người dân cả vật chất và tinh thần.

Trên địa bàn xã An Thạnh 1 có nhiều mô hình sản xuất ứng dụng khoa học và công nghệ được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh “tiếp sức”. Điển hình như Hợp tác xã nông nghiệp An Phát triển khai ứng dụng mô hình hệ thống tưới nước thông minh trên 1 ha diện tích trồng xoài.

Việc sử dụng hệ thống tưới thông minh vào sản xuất tuy số vốn ban đầu bỏ ra lớn hơn nhưng giúp hợp tác xã tiết kiệm chi phí thuê mướn nhân công, chi phí sản xuất giảm do giảm điện năng tiêu thụ, tăng tuổi thọ và hiệu quả sử dụng máy bơm; tạo môi trường thuận lợi cho cây trồng phát triển, ức chế các sinh vật gây hại; tiết kiệm 30% nước so với phương pháp tưới cũ.

Đồng thời trực tiếp giám sát về môi trường đất, nắm bắt được các thông số bất lợi của đất như độ mặn, độ pH thông qua các cảm biến đo lường cho kết quả nhanh và chính xác, giúp hợp tác xã có giải pháp xử lý, không ảnh hưởng đến cây trồng và chất lượng của nông sản.

Ngoài ra, hệ thống có trạm quan trắc môi trường khí hậu, đưa ra những thông số chính xác, điều chỉnh nhu cầu nước tưới theo mùa vụ và theo đặc tính cây trồng. Thời gian tưới có thể lập trình tự động, nếu ban ngày nắng quá thì lập trình tưới vào ban đêm.

Tất cả những ưu điểm của việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đều mang tính bền vững, lâu dài.

Tới đây, Hợp tác xã An Phát sẽ ứng dụng kỹ thuật thu thập dữ liệu phục vụ chăm sóc, truy xuất nguồn gốc, quản lý điều hành hoạt động. Qua nền tảng công nghệ số, hợp tác xã cũng chủ động được các khâu tìm kiếm thị trường từ các kênh thương mại điện tử.

Theo ghi nhận thực tiễn, những mô hình như Hợp tác xã An Phát có sức truyền cảm hứng, khích lệ nông dân trong vùng tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế trang trại, gia trại, liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.

Những thành công của hợp tác xã là bài học kinh nghiệm để người nông dân học hỏi, làm theo, chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường và thời tiết, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bên cạnh ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, nhiều nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp trên địa bàn xã An Thạnh 1 còn sử dụng Internet tìm hiểu kiến thức, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời quan tâm tới thương mại điện tử để tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. 

Với cách làm này, nông nghiệp vùng cù lao sẽ tiếp tục đổi thay từng ngày, góp phần đưa nông thôn mới An Thạnh 1 ngày càng hiện đại.

Lan Anh, Kim Chi, Văn Toàn, và nhóm PV, BTV