Đầu năm 2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã ký 13 quyết định công nhận 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đánh dấu mốc tỉnh Sóc Trăng hoàn thành vượt mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2022 (so với chỉ tiêu Trung ương giao có thêm 05 xã nông thôn mới và 05 xã nông thôn mới nâng cao).
Tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 64/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là thị xã Ngã Năm, thị xã Vĩnh Châu và huyện Mỹ Xuyên.
Xác định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng, tỉnh đã quyết liệt, chủ động và sáng tạo trong thực hiện. Các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, cụ thể hóa mạnh mẽ nguyên tắc người dân là trung tâm, là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.
Thị xã Vĩnh Châu là một trong 3 đơn vị cấp huyện của tỉnh đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trước năm 2022. Dù là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó riêng đồng bào Khmer chiếm hơn 52% dân số nhưng bằng quyết tâm cao của các cấp chính quyền địa phương, Vĩnh Châu đã nhanh chóng trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của thị xã đạt trên 52 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm còn 1,3%, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 95%...
Tỉnh Sóc Trăng chọn Mỹ Xuyên làm huyện điểm xây dựng nông thôn mới từ năm 2011 đến nay. Vì vậy, huyện đã đề ra chương trình thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương; tổ chức tuyên truyền, vận động, huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực trong dân để thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là sự tham gia tích cực của nhân dân, năm 2019 huyện Mỹ Xuyên đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đến nay, hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế… của huyện cơ bản hoàn chỉnh; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 48 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,9%… Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên, nhất là vùng có đông người Khmer sinh sống.
Từ năm 2021 đến nay, tổng nguồn vốn thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng huy động được trên 9.862 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách nhà nước trên 1.309 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương đối ứng lồng ghép trên 4.526,5 tỷ đồng, vốn tín dụng là 3.844,9 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp trên 334,5 tỷ đồng và vốn dân góp là 638,5 tỷ đồng.
Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh Sóc Trăng tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường xanh, sạch, đẹp và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Năm 2023 là năm bản lề của giai đoạn 2021 - 2025, là năm cần phải tăng tốc trong tiến trình thực hiện nhiệm vụ 05 năm của tỉnh về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn đặt ra nhiều khó khăn, thách thức khi Bộ tiêu chí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 đã có sự điều chỉnh, bổ sung nhiều nội dung so với những giai đoạn trước. Từ yêu cầu thực tế này, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Sóc Trăng đã vạch định rõ những mục tiêu, giải pháp cụ thể, phấn đấu hoàn thành lộ trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với tình hình mới.
Trong năm 2023, tỉnh Sóc Trăng đặt mục tiêu có thêm 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 02 huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm, các địa phương đã tích cực công tác rà soát, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hoàn thiện các tiêu chí còn vướng.
Với vai trò là cơ quan thường trực, cơ quan chủ trì của Chương trình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng chủ động phối hợp cùng các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Triển khai có hiệu quả 6 chương trình chuyên đề phục vụ Chương trình xây dựng nông thôn mới, bao gồm: Chương trình OCOP, Chương trình khoa học công nghệ, Chương trình phát triển du lịch nông thôn, Chương trình chuyển đổi số, Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và Chương trình cấp nước sạch nông thôn.
Thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả gắn với lợi thế của từng địa phương phục vụ tích cực cho các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Quan tâm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn Trung ương, tăng cường lồng ghép kinh phí từ các chương trình, dự án đầu tư hiện có và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác để tiếp tục xây dựng, nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn, triển khai đồng bộ, toàn diện các nội dung của Chương trình, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2023...