Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó đồng bào Khmer chiếm hơn 31% dân số của tỉnh. Toàn tỉnh có 63 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, 128 ấp đặc biệt khó khăn. 

Theo ông Lý Rotha - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, do xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, phần đông đồng bào dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng không có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp và đối diện với nguy cơ cao của tác động biến đổi khí hậu như xâm nhập mặn, hạn hán…

Đến cuối năm 2022, Sóc Trăng vẫn còn còn 7.122 hộ Khmer nghèo, chiếm 7,01% tổng số hộ Khmer; hộ nghèo người Hoa còn 345 hộ, chiếm 2,09%.

Bởi vậy, thời gian qua, tỉnh tập trung đầu tư vùng đồng bào dân tộc Khmer, gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững; góp phần thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của tỉnh; giảm dần số xã, ấp đặc biệt khó khăn; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

W-anhminhhoa-4.png

Quyết tâm của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp sức bằng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021 – 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 và  Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Toàn tỉnh có 63 đơn vị cấp xã và 128 ấp được thụ hưởng Chương trình. Tổng nguồn vốn thực hiện năm 2022 - 2023 là gần 654,2 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn này, các địa phương tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số như thị xã Vĩnh Châu, Trần Đề, Châu Thành, Mỹ Tú đã xây dựng tổng cộng 85 công trình lộ giao thông, cầu giao thông nông thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng và mạng lưới chợ; 4 công trình cấp nước tập trung; duy tu bảo dưỡng 31 công trình cơ sở hạ tầng; xây dựng bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cho 3 trường Phổ thông Dân tộc nội trú; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 423 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 387 hộ...

Để đảm bảo triển khai đạt chất lượng, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Tập trung giải ngân vốn Trung ương, tỉnh theo kế hoạch phân bổ vốn của HĐND tỉnh và quyết định giao vốn của UBND tỉnh đảm bảo đúng quy định. Triển khai hiệu quả, đúng tiến độ các nội dung, danh mục chương trình, dự án theo phê duyệt của UBND tỉnh, thực hiện thanh, quyết toán kịp thời, không để chậm trễ hay tồn đọng dẫn đến bị thu hồi về ngân sách Trung ương.

Tiếp tục tập trung chỉ đạo, hướng dẫn kiện toàn hệ thống bộ máy tổ chức thực hiện chương trình ở các cấp đồng bộ, thống nhất; hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Phối hợp các sở, ban ngành tỉnh có liên quan triển khai thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn vốn ngân sách từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025; các chương trình, dự án, chính sách hiện có và các nguồn huy động hợp pháp khác để triển khai đồng bộ, toàn diện các nội dung của chương trình…

Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh ước giảm 13.929 hộ nghèo (tương đương giảm 4,19%), từ 22.409 hộ (bằng 6,73%) đầu nhiệm kỳ xuống còn 8.480 hộ (bằng 2,54% vào cuối năm 2023); trong đó hộ nghèo Khmer giảm bình quân từ 3-4%/năm, đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết.

Bích Thủy và nhóm PV, BTV