Chiều 25/1, hội nghị cán bộ toàn
quốc về công tác xây dựng Đảng năm 2013 đã kết thúc sau sau 1 ngày làm việc.
Trưởng ban Tổ chức TƯ Tô Huy Rứa phát biểu kết luận hội nghị.
20-25% chủ tịch tỉnh không là
người địa phương
Theo chương trình làm việc năm 2013 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sẽ có trên 30
đề án thuộc lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng, trong đó chưa bao gồm nhiệm vụ về
xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược; công tác luân chuyển đào tạo cán bộ và
việc luân chuyển bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện
không phải là người địa phương...
Trưởng Ban Nội chính TƯ Nguyễn Bá Thanh (phải). Ảnh: Lê Anh Dũng
Những công việc, những nội dung
có thể làm được, sửa được thì làm ngay, sửa ngay, không nhất thiết phải chờ vào
quy định, hướng dẫn của Trung ương. Ví dụ như việc xây dựng tiêu chuẩn chức danh
và tiêu chí đánh giá cán bộ; việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh
đạo quản lý; việc đổi mới quy trình tuyển dụng, đào tạo, luân chuyển, bổ nhiệm
theo hướng dân chủ cạnh tranh, khách quan, công bằng, minh bạch, công khai như
một số tỉnh ủy, thành ủy vừa qua đã chủ động triển khai.
Ngành tham mưu về tổ chức, bộ máy và nhân sự ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng,
Ban Nội chính và Ban Kinh tế ở TƯ và các địa phương, sớm đưa các ban này vào
hoạt động.
Ngoài ra, ngành tổ chức xây dựng Đảng phải chú trọng tham mưu thực hiện tốt công
tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý, bảo đảm chất lượng quy hoạch Ban Chấp
hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của
Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo; chú trọng bảo đảm
cơ cấu ba độ tuổi trong quy hoạch cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và các chức danh
cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Ông Tô Huy Rứa yêu cầu toàn ngành thực hiện tốt công tác luân chuyển đào tạo cán
bộ; đưa cán bộ trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt ở bộ, ngành Trung
ương, giữ chức vụ bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh, thành phố.
Cán bộ cấp cục, vụ và tương đương giữ chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch cấp huyện,
trưởng ban, phó trưởng ban, giám đốc, phó giám đốc sở, ngành tỉnh, thành phố.
Ngành tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kế hoạch luân chuyển, đào tạo đối với
cán bộ trong quy hoạch cấp chiến lược. Kết hợp luân chuyển để đào tạo cán bộ với
chuẩn bị nhân sự cấp ủy tại Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XII và đại hội đảng
bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 và thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy, chủ
tịch UBND, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh,
cấp huyện không là người địa phương (khoảng 20%-25% đối với cấp tỉnh và khoảng
50% đối với cấp huyện).
Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, ngành khẩn trương nghiên cứu xây dựng mới và bổ
sung, sửa đổi các quy chế, quy định về tổ chức, cán bộ, cơ sở đảng, đảng viên,
bảo vệ chính trị nội bộ, đào tạo, bồi dưỡng, chính sách cán bộ, thực hiện các
nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách, tổ chức, cán bộ theo tinh thần Nghị quyết
Trung ương 4 trong đó, nhiều vấn đề quan trọng như quy định về thẩm quyền, trách
nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong công tác
cán bộ; quy định trách nhiệm, quyền hạn người đứng đầu các cơ quan hành chính
nhà nước trong mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; quy định về phân cấp quản lý
cán bộ, về bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, về luân chuyển, miễn nhiệm cán bộ;
xây dựng chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc,
các nhà khoa học trẻ...
Ngành tiếp tục thí điểm và sơ kết, tổng kết các đề án thí điểm bí thư kiêm chủ
tịch xã, phường, quận, huyện; đề án thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận,
phường; chủ trương về việc đại hội đảng bộ từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh trực tiếp
bầu bí thư cấp ủy có số dư; nghiên cứu thí điểm giao quyền cho bí thư cấp ủy lựa
chọn, giới thiệu để bầu cử bổ sung ủy viên ban thường vụ cấp ủy; cấp trưởng lựa
chọn, giới thiệu để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó; nghiên cứu thí điểm mô hình tổ
chức chính quyền đô thị; chế độ tiến cử, tập sự lãnh đạo và định kỳ thi, sát
hạch đối với cán bộ...
Qua thí điểm, sơ kết, tổng kết, những vấn đề đã rõ, đã chín muồi, ý kiến thống
nhất cao thì chuyển thành luật, điều lệ, quy chế, quy định để thực hiện; những
vấn đề chưa đủ chín muồi, ý kiến còn khác nhau sẽ tiếp tục thí điểm để đánh giá
về tính khả thi.
Theo TTXVN