Theo sơ kết công tác đảm bảo an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm 2023 của Ban Chỉ đạo về an toàn thực phẩm (BCĐ về ATTP) tỉnh Sơn La, trong 6 tháng đầu năm 2023, các sở, ngành, tổ chức thành viên BCĐ đã bám sát Quy chế hoạt động, kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm của địa phương năm 2023 để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện;
Hướng dẫn Ban Chỉ đạo về an toàn thực phẩm các cấp triển khai kế hoạch và thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành trong dịp lễ, Tết và Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 phù hợp với điều kiện của địa phương. Phát huy hiệu quả hệ thống phát loa truyền thanh tại các tổ, bản, tiểu khu, lồng ghép truyền thông về an toàn thực phẩm lồng ghép với việc triển khai các biện phòng, chống dịch do Covid-19 tại địa phương;
BCĐ về ATTP của tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành tập trung tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm bằng nhiều hình thức, trên các phương tiện thông tin đại chúng: Như xây dựng chuyên mục, bản tin phát trên sóng của Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Sơn La, Cổng Thông tin điện tử của tỉnh và Website của các ngành liên quan; xây dựng nội dung tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh tại các xã, phường, thị trấn, tổ, bản, tiểu khu, ban quản lý chợ; tuyên truyền trực tiếp bằng hình thức nói chuyện;
Cấp, phát các sản phẩm truyền thông như băng đĩa hình, đĩa tiếng, tờ rơi, poster, sách nhỏ với các nội dung tuyên truyền đa dạng, kịp thời cảnh báo, giáo dục và nâng cao nhận thức của người dân về vai trò đảm bảo an toàn thực phẩm trong đời sống theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương phù hợp với điều kiện, đặc thù của địa phương.
Đồng thời, các ngành chức năng thành viên BCĐ đã triển khai công tác kiểm tra, giám sát toàn diện việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Thông qua việc kiểm tra, giám sát tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhằm đánh giá công tác quản lý về an toàn thực phẩm các cấp, các ngành có liên quan theo phân công, phân cấp;
Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng có liên quan, tăng cường phối hợp công tác liên ngành để bảo đảm các đoàn kiểm tra đủ mạnh nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật, tránh sự chồng chéo hoặc bỏ sót đối tượng kiểm tra và nâng cao hiệu lực quản lý nhất là trong các đợt cao điểm như: Tết Dương lịch, tết Nguyên Đán, Tháng hành động vì ATTP... và các cuộc truy xuất nguồn gốc thực phẩm không an toàn.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý ATTP
Trong 6 tháng cuối năm 2023, các cấp các ngành sẽ: Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và Chuyển đổi số trong công tác quản lý ATTP; tiếp tục tham mưu và sớm triển khai xây dựng phần mềm hệ thống thông tin về an toàn thực phẩm đảm bảo đồng bộ, liên thông, kết nối vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia theo Đề án 06 của Trung ương;
Tham mưu kiện toàn tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại địa phương đảm bảo theo đúng tinh thần chỉ đạo của các Bộ, ngành, Trung ương; tăng cường công tác thông tin truyền thông, tập trung tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm;
Biểu dương các doanh nghiệp, các tổ chức, đơn vị có thành tích tốt trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP;
Tăng cường phối hợp liên ngành trong kiểm tra, giám sát đặc biệt trong dịp Tết Trung thu và Tết Nguyên đán năm 2024, các địa phương tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành đủ năng lực, thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ.
Trong đó các đoàn của cấp huyện phải làm việc với Ban Chỉ đạo xã, phường để nắm bắt thông tin, kết quả triển khai thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của cấp xã theo hướng dẫn của tỉnh. Khi phát hiện các hành vi vi phạm ngoài xử lý vi phạm hành chính phải thực hiện các biện pháp xử phạt bổ xung phù hợp và có giám sát việc khắc phục của cơ sở vi phạm.