LỜI TÒA SOẠN:

Sống ở bất cứ môi trường nào, chúng ta cũng có những người hàng xóm và có những câu chuyện bi hài khó nói. Báo VietNamNet mở diễn đàn Chuyện hàng xóm. Mời quý độc giả chia sẻ những câu chuyện của mình qua địa chỉ mail: bandoisong@vietnamnet.vn

Vợ chồng tôi lập nghiệp xa quê, mua nhà trong khu tập thể của cơ quan. Khi có con nhỏ, bà nội chỉ lên trông giúp vài tháng. Chúng tôi phải tự thân vận động, lúc thuê người trông con, lúc thay nhau vừa trông con vừa đi làm ca kíp.

Tuy nhiên, mỗi tháng có vài ngày, hai vợ chồng bị trùng ca. Tôi đành nhốt con ở nhà. Con ngủ dậy không thấy mẹ, khóc lóc ầm ĩ. Những lần ấy, bác hàng xóm lại chạy sang dắt con sang nhà bác xem TV đợi bố mẹ.

Thỉnh thoảng cơ quan họp buổi sáng, tôi lại nhờ bác ấy trông con giúp.

hang xom.jpg
Hàng xóm đã giúp đỡ gia đình tôi nhiều việc. Ảnh minh họa: iStock

Căn nhà của vợ chồng tôi là nhà cấp 4. Trước đây, vợ chồng tôi phải tích góp, vay mượn khắp nơi mới mua được căn nhà này cùng một vài vật dụng cần thiết. Những thứ xa xỉ quá, chúng tôi không dám mua.

Tôi toàn phải ngồi giặt quần áo cả tiếng liền, rồi mang qua sân nhà bác hàng xóm phơi nhờ. Những hôm trời nắng to, sân nhà bác ấy luôn rộn ràng bởi các gia đình hàng xóm xung quanh sang phơi nhờ chiếu, vỏ chăn, màn. 

Trận mưa lịch sử năm 2008 khiến nhiều điểm ở Hà Nội bị ngập nặng. Khu tôi ở cũng thuộc vùng trũng, nước tứ phía đổ về. Nhà tôi bị ngập sâu hơn 1m. Nhà bác hàng xóm lúc ấy là căn duy nhất trong ngõ xây 2 tầng.

Thế là mấy nhà xung quanh chạy sang nhà bác gửi đồ. Tủ lạnh, máy giặt được các anh hì hục bê lên tầng 2. Xóm tôi phải "di cư", đến ở nhờ nhà người quen suốt một tuần, chờ nước rút mới quay về dọn dẹp.

Năm 2020, nhà tôi xây nhà. Ngõ chật hẹp, vợ chồng tôi lại sang xin phép bác hàng xóm cho để nhờ vật liệu xây dựng trong sân nhà bác. Tôi còn xin gửi cả một số đồ đạc sang kho và bếp nhà bác ấy. Bác vui vẻ đồng ý.

Ngày phá dỡ nhà cũ, đào móng xây nhà mới, thợ làm vỡ đường nước sạch của nhà bác. Bác chạy sang báo chúng tôi biết để khắc phục, không hề tỏ ra khó chịu. Suốt nửa năm xây nhà, gây bao phiền toái, bác cũng không một lời kêu ca.

Bác phải chịu đựng bụi xi măng, cát sỏi vương vãi, sân vườn ngổn ngang vật liệu xây dựng. Đôi khi rảnh rỗi, bác còn giúp thợ vài việc vặt.

Nhờ vả bác hàng xóm nhiều như vậy, nhưng tôi chỉ biết nói lời cảm ơn và thỉnh thoảng biếu bác chút quà quê đơn sơ như quả bưởi, mớ rau, túi chè xanh.

Sau khi có căn nhà khang trang, tôi trồng cây kín khu vực ban công tầng 2, tầng 3 để căn nhà mát mẻ, xanh tươi và có hoa nở 4 mùa. Để cây lên xanh tốt, mỗi ngày tôi đều tưới nước, thậm chí có ngày tưới vài lần.

Lần nào tưới cây, tôi cũng để nước tràn qua ống thoát nhỏ xuống lối đi, có khi còn rơi xuống đầu bác hàng xóm. Bác nhắc tôi vài lần, tôi mới để ý, chuyển bớt cây ra phía sau và chèn giẻ lau ở ống thoát nước để nước không rơi xuống lối đi.

Là hàng xóm, tôi nghĩ không thể tránh được có lúc xảy ra va chạm xích mích, nhưng chúng ta nên tế nhị góp ý và tránh chấp vặt, thù hằn nhau. Vì hàng xóm láng giềng là người thân cận nhất để giúp đỡ khi ta gặp khó khăn hoạn nạn.

Những khi nhà hết sạch tiền, tôi vẫn "vay nóng" hàng xóm. Gia đình nào trong ngõ có việc, hàng xóm xung quanh đều hỗ trợ nhiệt tình. Với tôi, hàng xóm là những người sống tình nghĩa, luôn giúp đỡ nhau trong cuộc sống đời thường.