"Đã đến ngắm sông thì hãy thử căng mình và cảm nhận đi." Một ngư dân chính hiệu ở Phú Quốc nói với tôi như thế. Sông không chỉ là sông mà còn mang tâm tình của đảo. Đó là Dương Đông, một dòng sông xanh thuần khiết.
Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.
Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Xin trân trọng giới thiệu bài viết Dòng xanh xứ đảo của tác giả Đinh Thành Trung.
1. Kỷ niệm của dòng sông trên đảo vọng về thật da diết, thiết tha. Các ngư dân kể tôi nghe về con sông này như một miền thương của dân chài, nơi để thả bầu tâm sự sau mỗi chuyến khơi xa. Quá quen với con sóng, ngọn gió và muối biển đọng lại trên người cùng vô vàn cá tôm, người ngư dân lại ra sông Dương Đông tắm. Cả người trung niên và thanh niên trai tráng cùng nhau gột rửa tâm tư trên dòng nước xanh trong ngọt lành, rồi cảm thấy cả thân người và tâm trí như được thanh tẩy.
Dương Đông là thế đó, nó có ý nghĩa lớn hơn một dòng nước. Đó còn là sinh mạng và cả cuộc đời chài lưới gói gọn trong phút giây mỗi khi trú bão, tránh cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Sông Dương Đông gắn với cộng đồng người trên đảo Phú Quốc, gắn với ngôi làng và biết bao câu chuyện từ xa xưa.
2. Một ngày vượt biển đến đảo Phú Quốc, cảm nhận về tình yêu mến với dòng sông lớn nhất trên đảo như một lẽ thường mà lại khác với sông trên đất liền.
Hóa ra sự phân biệt giữa đất liền và đảo cũng chỉ dựa theo ý niệm và cảm xúc mà thôi. Cũng là nước ngọt, mặn và lợ. Chỗ giáp với biển thì sẽ là giao nhau giữa hai dòng nước y như những con sông bên kia. Tôi cũng xa quê với bao nỗi nhớ thân thương, chợt thấy đồng cảm với con người nơi đây. Họ định cư trên đảo từ lâu lắm rồi. Họ mang trong mình nỗi nhớ không thể diễn tả bằng lời, nhưng mỗi người phải tự khỏa lấp đi hằng ngày để lao vào cuộc mưu sinh.
Ngồi trên thuyền và cảm nhận dòng sông trên đảo, một cảm xúc lạ lùng mà thân thương cứ trào dâng mãi trong tôi. Sông ở đảo cũng chảy từ núi về biển như một nét phác đậm màu của mẹ thiên nhiên để tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình. Dòng Dương Đông dài 21,5 km nhưng nếu tính cả những dòng suối len lỏi trong những cánh rừng thì tổng chiều dài đến cả trăm cây số. Cứ nghĩ sông trên đảo có gì khác lạ nhưng cũng giống như trên đất liền mà thôi. Có chăng, chúng ta lớn lên và nhìn đời theo con mắt khác với thời thơ trẻ. Sông chỉ là sông, đơn giản và thân thương như thế. Sông cho nước ngọt mát lành và để lại ký ức và kỷ niệm.
Nếu kể về kỷ niệm với sông thì hầu hết người dân nơi đây đều nhớ về những tháng ngày mưu sinh vất vả lúc bé thơ đến khi trưởng thành. Từ lên rừng đến xuống biển. Từ lênh đênh trên con nước lớn đến vào rừng tìm kiếm lá cây, ai cũng có nhiều nỗi niềm và cả sự bâng khuâng. Có người dành nhiều năm tháng đánh bắt hải sản, có người lại dành phần lớn cuộc đời lên từng hái cây lá làm thuốc. Nhưng dù làm nghề gì, ai cũng đối mặt với sự dữ dội của thiên nhiên. Số phận con người nhiều khi mong manh như sợi chỉ, cứ cố gắng bám vào sông mà sống. Một người bạn kể với tôi, gia đình anh trước kia sống bằng nghề kiếm củi, ngày ngày đi dọc theo dòng, chỉ mong trời thương mà cho nhiều thứ. Mỗi buổi đi rừng, cứ theo mạch nước, theo suối mà đi rồi cũng tìm được đường về sông thôi. Vậy đó, cuộc sống chỉ từ những gì thô sơ nhất mà thiên nhiên ban tặng, lại nghĩ rồi sẽ có lúc con người sẽ từ bỏ tất cả những gì phù phiếm để trở về bản ngã nguyên sơ như dòng chảy kia.
3. Ngắm nhìn dòng Dương Đông, nghĩ về cuộc sống của con người. Từ đất liền rồi ra đảo, cộng đồng người phải dựa vào sự bao dung và ân cần của dòng nước ngọt lành này để sống và tồn tại. Hồi đảo còn hoang vắng, chính dòng sông đã tạo nên làng mạc và nghề chài lưới, rồi thế hệ tiếp nối đến ngày nay.
Đời sống con người khấm khá cũng kéo theo nhiều vấn đề với dòng sông. Đô thị hóa cũng khiến dòng sông biến đổi. Rồi du lịch, dù được coi là một ngành có thể phát triển bền vững nhưng cũng tác động đến môi trường. Đến khi nhìn lại, ta mới giật mình vì sông đang chết dần. Chính con người, lúc mải mê chạy theo vật chất mà quên đi vị ân nhân khi xưa, trả lại sông sự ô nhiễm đến bức tử.
Sông ở đất liền hay sông ngoài đảo cũng thế thôi, đều là món quà của thiên nhiên dành tặng cho con người và mỗi người chúng ta cần có trách nhiệm và ý thức gìn giữ.