Một bộ phận trong giới nghệ sĩ, truyền thông và công chúng trẻ đã đầu độc môi
trường văn hóa showbiz Việt hiện nay.
Giọng hát Việt - chương trình giải trí truyền hình gây nhiều ồn ào nhất trong
làng showbiz Việt.
Bức xúc trước thực trạng showbiz Việt hiện nay, một cuộc tọa đàm mang chủ đề:
“Showbiz: Vấn đề nghệ thuật và văn hóa cho đại chúng” đã được tổ chức vào sáng
25/10 tại TPHCM.
Nở rộ những “vụ mùa” tai tiếng
Showbiz là ngành kinh doanh giải trí và nghệ thuật trở thành công cụ của thương
mại. Ranh giới giữa nghệ thuật và phi nghệ thuật bị xóa nhòa khi nhiều người sẵn
sàng làm hỏng thẩm mỹ của công chúng, đánh đổi giá trị bản thân để được nổi
tiếng.
Dễ thấy “cánh đồng” showbiz Việt đang nở rộ những “vụ mùa” tai tiếng, điển hình
là xu hướng nói xấu đồng nghiệp. Trên các mặt báo chưa bao giờ rầm rộ và đầy rẫy
những vụ ca sĩ tố giác ông bầu, doanh nhân tố giác nghệ sĩ, nghệ sĩ “vạch mặt”
lẫn nhau xoay quanh vấn đề tình, tiền… như gần đây. Hàng loạt phát ngôn gây sốc,
đá xéo, phanh phui, bới móc… đồng nghiệp không những làm cho hình ảnh nghệ sĩ
méo mó trước công chúng mà còn làm cho cái tình nghệ sĩ bỗng trở nên nhạt nhòa,
bạc bẽo.
Thực tế đó khiến các bạn trẻ có mặt tại buổi tọa đàm đặt câu hỏi: Phải chăng 10
năm trước hay lâu hơn nữa, nghệ sĩ sống với nhau có tình, có nghĩa hơn hay chính
vì môi trường showbiz ngày càng cạnh tranh khốc liệt đã nảy sinh những cách ứng
xử “tệ bạc” như vậy? Nhạc sĩ Dương Thụ bày tỏ: “Thời của tôi chưa có khái niệm
showbiz. Vì thế, những ứng xử xuất phát từ showbiz những xì-căng-đan trong giới
cũng không trở thành trào lưu như hiện nay”.
Một “vườn” xì-căng-đan có cơ hội xanh tốt, um tùm như thế không phải chỉ có lỗi
riêng của nghệ sĩ. Ở Việt Nam, vì sao nghệ sĩ “sống khỏe” nhờ xì-căng-đan? Nhạc
sĩ Dương Thụ phân tích: “Một bộ phận báo chí luôn chạy theo những tin tức giật
gân, câu khách để tô hồng, lăng xê hay bôi đen, tung hô quá mức. Những sự cố “lộ
hàng”, những chuyện tình cảm tay ba, những phát ngôn độc, sốc hay mọi “nhất cử
nhất động” của giới nghệ sĩ đều được báo chí theo sát và khai thác triệt để trên
mặt báo”.
Hơn nữa, sự bùng nổ của các chương trình truyền hình, cuộc thi tìm kiếm tài
năng… đã khiến những nghệ sĩ trẻ dễ dàng “một bước thành sao”. Hào quang sân
khấu cùng với sự tung hô, vuốt ve của báo chí đã khiến họ mắc bệnh “ngôi sao”,
ảo tưởng về bản thân, về giá trị thực của mình, để rồi hành xử thiếu văn hóa như
hành động vô lễ, phát ngôn gây sốc, ăn nói bỗ bã, chê bai tùy tiện.
Truyền thông, công chúng góp phần
“Truyền thông đồng lõa trong việc tạo nên những cơn sốt xì-căng-đan; sự tung hô,
xưng tụng, lăng xê quá mức đã tạo cơ hội cho nghệ sĩ vin vào đó mà ngạo nghễ với
cái danh ảo và vô tình dựng lên những thần tượng “dỏm” trong lòng công chúng.
Truyền thông đã và đang xây dựng một hình ảnh showbiz trong công chúng rất tệ
hại” - nhạc sĩ Dương Thụ khẳng định.
Song, nhiều ý kiến cũng phân tích chính công chúng với sự dung túng, thái độ dễ
dãi đã đầu độc giới showbiz. Vì sao có những thí sinh không tài năng, giọng hát
chưa thật sự xuất sắc vẫn băng băng tiến vào vòng trong? Vì sao có những bài hát
được cho là “thảm họa” vẫn ngang nhiên có mặt trong bảng xếp hạng ca khúc của
năm? Vì sao những nghệ sĩ “lộ hàng”, phát ngôn gây sốc lại đắt sô ngay sau đó?
Theo nhạc sĩ Dương Thụ, chính công chúng, mà đặc biệt là công chúng mạng với đa
số là giới trẻ, đã tiếp nhận không chọn lọc giữa nghệ thuật và phi nghệ thuật mà
không cương quyết quay lưng, ngoảnh mặt với những hành vi phản nghệ thuật, ứng
xử thiếu văn hóa. Có thể nói, cùng với truyền thông, sự dễ dãi của công chúng
không những khiến nghệ sĩ “chết chìm” trong sự ảo tưởng mà còn khiến nghệ thuật
đi sai đường.
Cơ quan quản lý không thể ngoài cuộc Trong thời đại truyền thông mở cửa, sự lan truyền chóng mặt của mạng xã hội cùng với hàng loạt chương trình truyền hình thực tế, game show, cuộc thi âm nhạc đang phủ sóng truyền hình quốc gia như The Voice, Vietnam Idol, Vietnam’s next top model… là những vụ ồn ào, xì-căng-đan trong giới showbiz liên tiếp xảy ra. Chưa bao giờ vấn đề văn hóa của giới showbiz lại nhức nhối như hiện nay, nhất là văn hóa ứng xử của giới nghệ sĩ với nghệ thuật, với nghề nghiệp, với đồng nghiệp và với công chúng… Vậy ai là người được hưởng lợi từ những xì-căng-đan trong
giới showbiz? Nghệ sĩ, báo chí, nhà sản xuất, nhà quảng cáo…? Câu hỏi đó không
quan trọng bằng ai là người chịu thiệt thòi nhất. Nhiều ý kiến cho rằng những ồn
ào, tai tiếng đã làm xuống cấp văn hóa đại chúng, văn hóa ứng xử. Để giải bài
toán nguy cấp của showbiz không chỉ có giới nghệ sĩ, truyền thông, công chúng mà
còn cả các ngành chức năng, cơ quan quản lý vào cuộc. |