Sông Hàn như cô gái trẻ tràn đầy nhựa sống, khi thì thướt tha, lúc thì uyển chuyển sắc màu. Bức tranh thiên nhiên của dòng sông giờ được tô điểm thêm bằng những cánh cò trắng ung dung sải cánh.
Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.
Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Xin trân trọng giới thiệu bài viết Sông lành cò đậu... của tác giả Mai Trường An.
Khi dòng sông hạnh phúc Đà Nẵng vốn nổi tiếng với danh xưng “thành phố của những cây cầu”. Ở đây có dòng sông Hàn lững thững xuôi về biển, ngày ngày nâng đỡ những nhịp cầu. Với người dân TP Đà Nẵng, có một bài hát được biết đến với âm điệu sâu lắng cùng lời ca giàu tính ẩn dụ đã đi vào tiềm thức. Đó là ca khúc Sông Hàn tình yêu của tôi do nhạc sĩ An Thuyên sáng tác.
Tìm lại bóng dáng tuổi thơ tôi trong lấp lánh nước sông Hàn/ Có con còng gió lang thang bãi sông vô tình có nhớ/ Tuổi thơ rong chơi ngày ấy, để câu đồng dao lấm bùn…/. Hình tượng bãi sông lấp lánh, dòng nước mênh mông trong góc nhìn của nhạc sĩ An Thuyên năm nào giờ đang được các nhà nghiên cứu đánh giá rất cao. Bởi lẽ, từ khi nước dâng đến lúc nước cạn, bãi sông đóng vai trò quan trọng cho màu xanh của thành phố sau này.
Thời gian qua, khu vực doi đất gần cầu Trần Thị Lý có thêm những điểm nhấn mềm mại mang tên… chim, cò. Giữa lòng phố xá nhộn nhịp, từng đàn cò hàng trăm con đậu trên cành cây ngập nước khắc họa nên vẻ thân thiện, chân quê hiếm có. Khái niệm một thành phố đáng sống được hiểu theo nghĩa cụ thể là mọi đối tượng trong cộng đồng đều cảm thấy vui, hạnh phúc khi sống ở đó.
Ở một địa điểm nhất định, thiên nhiên tồn tại bền vững thì con người mới có thể sống và phát triển lâu dài. Khi cò thích sống ở sông Hàn chứng tỏ môi trường tại đây đang ở mức độ tốt.
Khoảng 20 năm trở lại đây, tốc độ đô thị hoá của thành phố diễn ra nhanh chóng. Các hệ thống bờ kè bê-tông lần lượt mọc lên dọc hai bên sông Hàn. PGS.TS Võ Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, cho rằng bản thân dòng sông Hàn đang tồn tại và phát triển theo hướng “vận theo tự nhiên”. Dựa trên địa hình và địa chất có thể thấy rõ, ngày xưa, đôi bờ sông Hàn có hệ rừng ngập mặn sinh sôi. Tán cây bần, cây đước nhô ra và ngã xuôi theo dòng chảy.
PGS.TS Võ Văn Minh nhấn mạnh: “Cây cối là chỉ thị chất lượng của tự nhiên. Do đó, những loại cây bản địa mới tạo ra giá trị cho môi trường”. Có thể hiểu rằng, nếu môi trường tự nhiên tại khu đất ngập nước ven sông tốt thì các loài cây như đước, bần sẽ lớn nhanh và ngược lại. Chỉ cần quan sát hình dạng, kích thước, mức độ phát triển các cây ngập mặn sẽ biết được chất lượng nước sông Hàn.
Những người làm về công tác giáo dục cho rằng, nhận thức là một quá trình, xuất phát từ nền tảng văn hóa. Lấy sông Hàn làm trung tâm, ngược về hướng Nam thì gặp được núi rừng, xuôi về hướng Bắc sẽ có biển xanh. Đó là các giá trị học tập mà sông Hàn đang có. Dòng sông Hàn chính là “bài giảng thiên nhiên” trực quan, hữu ích nhất dành cho cộng đồng.
Trực tiếp tham gia ghi nhận, kiểm đếm số lượng và nghiên cứu chuyên sâu về cò ở khu vực này, Ths Phạm Tài Minh, nhóm nghiên cứu, giảng dạy Môi trường và Tài nguyên Sinh học – Đại học Đà Nẵng, cho biết đã có các loài như cò ngàng lớn, cò bợ xuất hiện ở đây.
Thời gian đến, có thể có thêm nhiều loài cò tiếp tục bay về khu vực đất ngập nước ven sông Hàn. Dưới góc độ khoa học, hệ sinh thái đất ngập nước có những điều vô cùng đặc biệt. Đây là vùng giao thoa giữa hệ sinh thái dưới nước và hệ sinh thái trên cạn. Chính vùng giao thoa đó giúp cho độ đa dạng sinh học luôn ở mức cao.
Mỗi buổi chiều, những người đánh cá chèo ghe men theo doi đất dưới chân cầu Trần Thị Lý. Chốc lát, vài con cá được bắt lên ghe. Với người đánh cá, dòng sông đã cho họ nguồn thu nhập. Nước sông Hàn cứ nhẹ nhàng trôi, mang theo niềm vui, những câu chuyện thú vị xuôi về biển.
Những giá trị ẩn chứa dưới lòng sông Dòng sông Hàn trong ký ức tuổi thơ của nhạc sĩ An Thuyên là những ngày tháng rong chơi vô tư, hồn nhiên. Có lẽ trong giai đoạn đó, cách nhìn không gian và cuộc sống ven sông của người nhạc sĩ chỉ thông qua “lăng kính” thích rồi yêu. Tuy nhiên, xã hội ngày càng đổi mới thì con người luôn dành một góc nhỏ cho việc tìm tòi, khám phá.
Có thể thấy, du lịch song hành cùng sông Hàn vẫn theo quy luật vận theo tự nhiên. “Nơi nào có cảnh quan tốt, không gian mang nhiều nét đẹp, ấn tượng thì việc làm du lịch mới dễ dàng. Trên khu vực đất ngập nước này, không phải chúng ta bắt tay làm để nơi đó thành điểm du lịch mà khi phục hồi được giá trị của tự nhiên thì tự khắc du lịch sẽ hình thành”, PGS.TS Võ Văn Minh nói.
Du lịch là một nền kinh tế kết nối. Con người tác động tích cực vào du lịch đóng vai trò chủ chốt khi phát triển ngành kinh tế quan trọng này, nhất là đối với TP Đà Nẵng. Với giá trị của dòng sông Hàn nói chung, bài toán tăng số lượng du khách đến mà vẫn giữ được nét đẹp nơi đây là điều vô cùng khó. Thay vào đó, những tour du lịch theo dạng học tập, khám phá mới là cách đi đúng hướng bảo vệ môi trường.
Hiện tại, từ khu vực cầu Trần Thị Lý ngược về đầu nguồn con sông vẫn còn hệ sinh thái đất ngập nước. Đó là tiềm năng rất quan trọng. Bảo tồn được đất ngập nước mở ra cơ hội phát triển nhiều thứ khác như nền móng các đô thị ven sông, đồng thời làm giảm áp lực nước vào mùa mưa lũ. Chính hệ thống cây ngập mặn tạo ra tính nhẹ nhàng cho vùng đệm.
Lâu nay, chúng ta thường đối xử với thiên nhiên theo cách nhìn đơn lẻ, cá nhân. Khi mở rộng ra, bức tranh thiên nhiên lại lộ ra nhiều “vết xước” không đáng có. Thí dụ, vòng tròn tuần hoàn về việc xử lý nước thải sinh hoạt ở TP Đà Nẵng có phần góp sức của dòng sông Hàn.
Nếu xem những bể chứa nước thải tập trung, hồ điều tiết là giai đoạn xử lý đầu tiên thì sông Hàn là nơi xử lý thứ hai, trước khi dòng nước sạch về lại tự nhiên. Mực nước biển dâng cao qua từng năm là thách thức rất lớn cho các dòng sông. Sông Hàn cũng không nằm ngoài việc bị ảnh hưởng. Trong tổng thể, doi đất ngập nước ven sông đóng vai trò như một “liều thuốc quý” tạo điều kiện bảo tồn cả dòng sông ký ức của An Thuyên.
Cách Ths Phạm Tài Minh và các cộng sự tiếp cận với chim, cò là từ khoảng cách xa, đảm bảo tính riêng tư, tự do sinh sống cho từng cá thể trong đàn. Việc phối hợp nhiếp ảnh động vật với công tác quản lý dòng sông giúp cho mục tiêu chung sớm thành hiện thực. “Một con người khi đã yêu thành phố, yêu dòng sông thơ mộng thì bằng mọi cách, họ luôn bảo vệ lấy giá trị đó”, PGS.TS Võ Văn Minh nói.
Với tầm nhìn giúp sông Hàn luôn là chính mình, PGS.TS Võ Văn Minh đề xuất hướng đến hai góc độ là pháp lý và nguyên lý khoa học. Góc độ pháp lý được hiểu ở việc cộng đồng quản lý như thế nào. Dựa trên các quy định pháp luật như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học…
Song song đó, nguyên lý khoa học nằm ở chỗ tránh làm theo cảm tính, không bài bản các thông số khoa học. Thay vào đó, nghiêm túc đánh giá mọi dữ liệu nghiên cứu về sông, về nguồn đất, cây cối, động vật… để bảo vệ thành công hình ảnh nên thơ cho sông Hàn trong tương lai.
Mai Trường An
Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.
Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TPHCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TPHCM nhận giải.
Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html