Sau 1-2 năm khá im ắng, mới đây giới mê xe mới lại có dịp "sốt xình xịch" với hàng loạt siêu xe, xe sang hàng hiếm dồn dập đổ về nước trong đó có không ít "hàng ngoài". Điều gì đã khiến sóng siêu xe lại nổi tại Việt Nam?
Xem video:
Chỉ trong một thời gian ngắn, có đến 4 chiếc BMW i8, một chiếc Lamborghini Huracan và một chiếc Ferrari F12 Berlinetta được đưa về nước. Tất cả đều là hàng hiếm, giá cả chục tỷ đồng và không chính hãng. Và điều này đã ít nhiều gây sốc.
Trên thực tế, ngoại trừ một vài thương hiệu cực sang và hiếm như Ferrari, Bugatti, hầu hết các thương hiệu xe hơi lớn trên thế giới đều đã có đại diện chính thức tại Việt Nam. Những cái tên sang chảnh Lamborghini, Bentley, Rolls-Royce đã lần lượt rình rang đánh dấu sự có mặt tại thị trường nhỏ nhưng đầy tiềm năng này.
Và với những rào cản nhập khẩu như thông tư 20, trong 1-2 năm trở lại đây, cộng đồng chơi xe thỉnh thoảng mới có dịp trầm trồ với những mẫu xe hàng độc chính hãng giá trên trời như Rolls-Royce bản mặt trời Phương Đông.
Đến nay, nhiều sự thay đổi đã diễn ra khi những mẫu xe mà đại gia thế giới còn không dễ mua như BMW i8 hay Lamborghini Huracan màu độc lần lượt về nước.
Không chỉ thế, những cái tên tiền tỷ kém độc hơn như Maybach S600 cũng có xu hướng tăng. Theo nhà phân phối, Mercedes- Benz Việt Nam, dù có giá tới gần 10 tỷ đồng, Maybach S600 hiện cũng đã có hơn 50 đơn hàng và khách hàng đang xếp hàng để được... chồng tiền mua xe.
Còn theo các con số thống kê, lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh mẽ trong đó có sự đóng góp không nhỏ của phân khúc xe sang.
Lượng xe sang, xe độc nhập khẩu tăng mạnh trong bối cảnh hàng loạt thuế phí liên quan tới ôtô rậm rịch tăng khiến nhiều người đặt câu hỏi về nguyên nhân thực sự của hiện tượng này.
Không ít người cho rằng dân chơi đua nhau tậu xe chạy phí bởi nếu có sự điều chỉnh về cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt dành cho xe hơi, giá xe đặc biệt là các dòng cao cấp sẽ đội giá lên khá nhiều.
Ngược lại, có ý kiến khác nhận định việc nới lỏng tín dụng do ngân hàng hiện đang dư tiền cùng với những dấu hiệu tích cực của thị trường bất động sản và một số lĩnh vực khác trong nền kinh tế mới là động lực để các đại gia mạnh tay chơi xe.
Tuy nhiên, một vấn đề khác mà không nhiều người để ý chính là sự trỗi dậy của các đơn vị nhập khẩu không chính hãng trong thời gian qua.
Từ lặng lẽ tới rầm rộ, nhiều đơn vị nhập khẩu xe hơi đã trở lại và mang về nước không ít mẫu xe hàng hiếm. Trên thực tế, việc nới lỏng thông tư 20 đang hé lại cánh cửa cho xe nhập ngoài và mức giá chính hãng trên trời chính là yếu tố quan trọng khiến khách hàng tìm kiếm những lựa chọn bên ngoài các đại diện chính hãng.
Việc định giá ngất ngưởng lên tới vài chục tỷ đồng cho các dòng xe siêu sang như Lamborghini hay Rolls-Royce khiến những đơn vị phân phối chính hãng gặp khó trong việc bán xe và cũng chẳng dám ồ ạt mang hàng hiếm về nước. Trong khi đó, sự linh hoạt về giá của các đơn vị không chính hãng khiến các đại gia dễ rút ví bạo chi hơn.
Còn theo báo cáo của Ngân hàng Thụy Sĩ (UBS) về những người siêu giàu trên thế giới năm 2014, tại Việt Nam, có tới 210 người sở hữu mức tổng tài sản 20 tỷ USD và khoảng 2.000 người có số tài sản từ 5 triệu USD trở lên đến 30 triệu USD.
Việt Nam cũng được đánh giá là 1 trong 5 nước có nhóm người giàu mới nổi tăng nhanh trên thế giới trong giai đoạn 2014-2020.
Do đó, không quá khó hiểu khi xe giá cả chục tỷ đua nhau về nước trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn bởi xe sang chính là một trong những tiêu chí để thể hiện đẳng cấp của giới khách hàng lắm tiền nhiều của tại Việt Nam.
(Theo Lao động)