Việc giải tỏa chung cư cũ lâu nay mất khá nhiều thời gian do khó khăn trong lựa chọn chủ đầu tư, cư dân chưa đồng thuận về chính sách bồi thường…
Không chỉ riêng chung cư “ma” 727 Trần Hưng Đạo, quận 5 (Pháp Luật TP.HCM ngày 1-6 đã phản ánh), TP.HCM còn có hàng trăm chung cư cũ đã xuống cấp nghiêm trọng. Đa số các chung cư này được xây dựng trước năm 1975, hạ tầng hư hỏng tới mức không thể sửa chữa. Thế nhưng nhiều năm qua, hàng chục ngàn con người vẫn đang phải sống trong điều kiện như thế…
Biết nguy hiểm nhưng vẫn bám trụ
Cụm chung cư Ngô Gia Tự, phường 2, quận 10 được xây dựng vào năm 1968. Sau gần 50 năm tồn tại, cụm chung cư trở nên xập xệ tới mức “đừng đi mạnh chân quá kẻo vữa trên trần rớt xuống” - một cư dân khuyên chúng tôi.
Tại cụm chung cư này, nhiều mảng tường bong tróc nặng nề, trần, đà nhiều chỗ nứt nẻ lộ cả sắt. Hành lang và tường lúc nào cũng ẩm ướt do hệ thống nước bị rò rỉ. Ở chân cầu thang, rác thải vứt lung tung, bốc mùi nồng nặc. Một số căn hộ bỏ không, cửa mục nát, lũ chuột vô tư chạy tới chạy lui. Mặt sau các lô X, L, U trước đây có lối vào nhưng giờ đã bị khóa chặt.
Anh Trần Đức Nam, ngụ khu L, cho hay phải khóa cửa sau để không cho con nít đi vào khu vực nguy hiểm. “Sống ở đây cực lắm. Mưa to tạt thẳng vào nhà, nhiều người phải dùng bạt che mới đỡ phần nào. Hết mưa là sàn nhà đầy nước đọng, lại phải hì hụi đi lau nhà” - bà Nguyễn Thị Xến (16-17 lô H, chung cư Ngô Gia Tự) nói thêm.
Tại chung cư Vĩnh Hội (quận 4) tình hình cũng không khá gì hơn. Thậm chí có hộ dân dán thông báo cho thuê nhà, nhiều người đến xem rồi không dám thuê. Lý do thì ai cũng hiểu! Bà Võ Thị Bạch Tuyết cho hay chung cư này được xây dựng trước năm 1970, dân số trên 18 tuổi khoảng 1.000 người. Chung cư gồm ba lô A, B, C nối thành hình chữ U. Nhìn bề ngoài nơi đây cũng xuống cấp y hệt chung cư Ngô Gia Tự: Phần tường cũ nát, rêu bám thành mảng loang lổ, dây điện chằng chịt khắp nơi. Hành lang nối lô A và B bị lún sụp nặng, chân cầu thang rác thải vứt lung tung…
Trong khi đó, chung cư 350 Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình (xây năm 1968) rất hoang vắng, chẳng khác gì chung cư “ma” 727 Trần Hưng Đạo. Tại đây, nhiều căn hộ bị bỏ hoang, bên trong đồ đạc cũ mục nát, sàn nhà ứ đọng nước bẩn trông rất nhếch nhác. “Hơn 100 hộ đã di dời khỏi chung cư, chỉ còn 10 hộ trụ lại vì chưa có chỗ ở mới hoặc chưa đồng tình về mức bồi thường. Sắp tới tôi cũng sẽ di dời bởi chung cư này giờ hoang vắng, sống thấy nguy hiểm quá” - bà Luật, giữ xe tại chung cư, cho biết.
Đặc biệt, chung cư 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3 từ lâu đã bị bỏ hoang. Toàn bộ người dân tại đây đã chuyển đi nơi khác nhưng đến nay công trình này vẫn chưa được giải tỏa. Phía trước chung cư này có một tiệm bánh xèo (số 190 Nam Kỳ Khởi Nghĩa) khá lớn. Nhiều người lo ngại lỡ chung cư xảy ra chuyện gì, các thực khách sẽ gặp nguy hiểm.
“Nếu Nhà nước xây mới chung cư, tôi chỉ mong được bố trí tái định cư ngay tại đây với một căn hộ có diện tích tương xứng” - bà Trần Thị Em, 113C chung cư Vĩnh Hội. Ảnh: MINH HUỆ
Một góc của chung cư Ngô Gia Tự. Ảnh: M.HUỆ
|
Chưa tìm được tiếng nói chung
Chủ trương cải tạo, xây mới chung cư cũ để đảm bảo an toàn cho cư dân đã được TP.HCM đề ra từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, bấy lâu nay hiệu quả thực hiện chưa cao. Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND quận 3, xác nhận: Giải tỏa chung cư xuống cấp là một chủ trương lớn, rất cần thiết. Tuy nhiên, quá trình mời gọi đầu tư, quá trình thực hiện chậm hay nhanh còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, liên quan đến nhiều sở, ngành.
“Với chung cư 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, lãnh đạo quận sẽ làm việc với chủ đầu tư (Công ty Xây dựng Thương mại Sài Gòn 5) và các sở, ngành liên quan, đề nghị phải chốt lại thời gian thực hiện. Sau đó, chúng tôi sẽ báo cáo lại cho TP” - ông Bình nói.
Trong khi đó, lãnh đạo UBND quận 10 cho biết: Từ năm 2000 đến nay, quận 10 giải tỏa được 15 lô chung cư cũ với hơn 1.650 căn hộ, đã xây mới tại các khu vực này bốn chung cư với 947 căn. Ngoài kế hoạch tháo dỡ 9/23 lô chung cư cũ có nguy cơ sụp đổ trên địa bàn, quận đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 10 lập kế hoạch sửa chữa các lô chung cư cũ, hư hỏng sau khi có kết quả kiểm định chất lượng.
“Việc giải tỏa chung cư cũ lâu nay mất khá nhiều thời gian do quận gặp khó khăn trong lựa chọn chủ đầu tư, đồng thời giữa cư dân và Nhà nước có những vấn đề chưa đồng thuận; khung chính sách về bồi thường chưa cụ thể... Hiện quận đang cân đối quỹ nhà tái định cư trên địa bàn để phục vụ cho việc di dời, giải tỏa các lô chung cư đã có trong kế hoạch 2015-2020. Quận cũng đã xây dựng kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư theo Nghị định 101/2015, khi được UBND TP phê duyệt, quận sẽ công bố để người dân biết” - đại diện quận 10 cho hay.
Trong khi đó, đa số cư dân được hỏi ý kiến cho hay rất ủng hộ chủ trương xây mới chung cư cũ của TP.HCM nếu được bồi thường, bố trí tái định cư thỏa đáng. Theo họ, Nhà nước cần bố trí tái định cư tại chỗ để gia đình họ không bị thay đổi môi trường sống bấy lâu nay.
“Tôi sống ở đây đã 46 năm, nhà rộng 32m2, đủ cho hai mẹ con. Ở chung cư này tuy cũ nhưng đi qua cầu Ông Lãnh là vào trung tâm Sài Gòn, rất tiện cho việc đi dạy học của con trai. Nếu Nhà nước xây mới chung cư, tôi chỉ mong được bố trí tái định cư ngay tại đây với một căn hộ có diện tích tương xứng” - bà Trần Thị Em, 113C chung cư Vĩnh Hội, bày tỏ.
Theo báo Pháp luật