Splinter Cell Blacklist tiếp diễn ngay sau những gì đã xảy ra trong Splinter Cell Conviction. Nhận thấy Third Echelon không còn đáp ứng được những nhiệm vụ bảo vệ an ninh nước Mỹ, nữ tổng thống Caldwell đã quyết định đóng cửa tổ chức này. Trong khi đó, Sam Fisher có vẻ như cảm thấy cuộc sống bên con gái Sarah có phần nhàm chán, nên quyết định tham gia Paladin 9, một công ty an ninh tư nhân được thành lập bởi người bạn, người đồng đội lâu niên của anh, Victor Coste.
Mọi chuyện có lẽ sẽ vẫn êm ả như vậy nếu không có cuộc tấn công của những tên khủng bố tự xưng là The Engineers vào căn cứ không quân của Mỹ tại đảo Guam, vụ tấn công mang tên Blacklist Zero. Trong cuộc tấn công này, một tên khủng bố trước khi “lên bảng” đã kịp thả một trái lựu đạn, và Victor Coste bị trọng thương khi cố gắng cứu Sam. Ngay lập tức, những yêu cầu của bọn khủng bố đã được tiết lộ: Quân đội Mỹ phải rút toàn bộ quân khỏi các quốc gia mà họ đang chiếm đóng.
4th Echelon được thành lập, với lãnh đạo không ai khác chính là Sam Fisher. Anh quyết định một lần nữa quay trở lại, trở thành một Splinter Cell, một phần vì Tổ quốc lâm nguy, phần khác muốn tính sổ với gã nào đã liều mạng đụng tới người bạn thân của anh. Ông già gân một làn nữa quay trở lại, đối mặt với một âm mưu cực kỳ hoàn hảo của những tên khủng bố. Rốt cuộc, The Engineers muốn chấm dứt chiến tranh, hay muốn tạo ra một cuộc chiến mới? Điều này bạn sẽ phải tự tìm hiểu.
Ngay trong màn chơi đầu tiên, một điều rất dễ nhận ra chính là cơ chế gameplay của Splinter Cell Blacklist kế thừa rất nhiều điểm mạnh đã làm nên thành công của Splinter Cell Conviction. Từ hệ thống ẩn nấp, đến cả hệ thống mark and execute đã trở thành thương hiệu mô tả sự chính xác và nguy hiểm của Sam Fisher.
Thế nhưng nếu chỉ có ngần đó, Splinter Cell Blacklist sẽ trở thành phiên bản mở rộng của Conviction không hơn không kém. Cốt truyện của Blacklist tuy rằng cuốn hút, nhưng nếu đem so sánh với Conviction, so sánh với những âm mưu, thủ đoạn được lồng ghép cực kỳ tinh vi ngay trong nội bộ Third Echelon mà Sam Fisher phải đối mặt trong phiên bản trước thì rõ ràng chiều sâu về kịch bản của Blacklist vẫn chưa thể so sánh.
Chính vì thế gameplay của Blacklist phải có thứ gì đó mang bản sắc riêng, tạo ra sự cuốn hút riêng. Công bằng mà nói, Ubisoft Toronto đã cố gắng hết sức mình để đáp ứng được kỳ vọng của giới hâm mộ. Chức năng Mark and Execute không chỉ còn đơn thuần là chức năng cho phép Sam cùng lúc tiêu diệt một số lượng địch trong màn chơi nữa. Thay vào đó, chúng ta có cơ chế gameplay mới được phát triển từ Mark and Execute, mang tên Killing in Motion.
Sau khi thuần thục trong việc điều khiển Sam, người chơi sẽ có thể thoải mái hơn rất nhiều trong những màn chơi. Lấy ví dụ, một tên khủng bố vô tình đi lạc vào nơi Sam đang ẩn náu, sau khi sử dụng kỹ thuật cận chiến hạ gục tên này, Mark and Execute sẽ được kích hoạt, khi đó, kết hợp với việc di chuyển hợp lý trên màn chơi, Sam có thể hạ gục toàn bộ những vật cản chỉ trong nháy mắt mà không gây ra báo động. Đó là một trong ba phong cách gameplay chính của game, được gọi là Panther.
Hai phong cách gameplay còn lại là Ghost và Assault. Nếu như Ghost tập trung vào những màn hạ gục không gây chết người, hoặc ẩn nấp và lẻn qua những khu vực có nhiều địch, thì người chơi thiên về phong cách gameplay Assault sẽ biến Sam trở thành một Rambo theo nghĩa đen, sử dụng vũ khí và những trang bị của mình để càn lướt toàn bộ những mục tiêu trên bản đồ.
Có thể nói, phiên bản Splinter Cell nào cũng là một tuyệt tác trong việc thiết kế màn chơi. Trong Spinter Cell: Blacklist cũng vậy, mỗi màn chơi sẽ là tập hợp của rất nhiều hướng đi để Sam có thể chạm tay tới thứ anh ta muốn. Dĩ nhiên, mỗi phong cách chơi cũng sẽ yêu cầu sự đầu tư về tư duy khác nhau, và hướng đi an toàn nhất, bí mật nhất luôn mang lại kết quả cao cho người chơi sau mỗi màn, như một cách tặng thưởng cho sự kiên nhẫn của họ.
Chưa dừng lại ở đó, giờ đây Sam Fisher đã trở thành sếp, anh có cả một chiếc máy bay để làm đại bản doanh, xử lý thông tin, tiếp nhận nhiệm vụ cũng như hoàn thành nhiều tác vụ khác. Đây là lúc cơ chế gameplay của Spinter Cell: Blacklist với số tiền có được sau mỗi màn chơi trở nên khác biệt và tạo ra sự cuốn hút riêng.
Kết thúc mỗi màn chơi, cho dù là phần campaign, chơi mạng hay nhiệm vụ phụ, game thủ sẽ nhận được một khoản tiền tương ứng với điểm số mà họ có được. Khoản tiền này sẽ được cùng lúc dùng vào hai việc: Mua sắm và nâng cấp trang thiết bị, vũ khí hay thậm chí là cả bộ quần áo mà Sam sử dụng trong mỗi nhiệm vụ. Bên cạnh đó, việc nâng cấp đại bản doanh Paladin cũng là một điểm game thủ không thể làm ngơ khi chúng mang lại khá nhiều lợi ích như mở khóa một số trang bị mới hay cho phép Sam cùng đồng đội tác chiến hiệu quả hơn.
Nếu như Conviction là cuộc chiến của Sam Fisher chống lại những cá nhân thoái hóa ngay trong lòng Third Echelon, thì ở Splinter Cell: Blacklist, việc trả thù cho Victor Coste chỉ là một phần nhỏ lý do Sam Fisher quyết định quay trở lại phục vụ nước Mỹ. Chính vì thế, bên cạnh 13 nhiệm vụ chính là Sam Fisher phải giải quyết, còn có nhiều nhiệm vụ phụ mà người chơi có thể thưởng thức, một phần để nắm rõ cốt truyện, mặt khác kiếm thêm một khoản trang trải cho công tác phí vốn không hề nhỏ của Sam và đồng đội.
Những nhiệm vụ phụ như thế này có những khác biệt phụ thuộc vào người giao nhiệm vụ. Ví dụ, những nhiệm vụ mà cô nàng Grim giao cho Sam buộc anh phải thể hiện khả năng ẩn nấp thay vì kỹ năng hạ gục kẻ địch, những nhiệm vụ mà chàng hacker trẻ Charlie giao thì giống những màn chống cửa đúng nghĩa đen, trong khi màn chơi do Briggs cung cấp thì buộc bạn phải cùng hợp tác với một người chơi khác.
Đó là chưa kể đến phần chơi mạng khá thú vị của Splinter Cell: Blacklist. Được đặt tên Spy vs. Merc, người chơi sẽ được đặt vào một cuộc chiến giữa những gián điệp nhanh nhẹn với góc nhìn thứ ba, và những tên lính đánh thuê được trang bị giáp trụ tận răng ở góc nhìn thứ nhất. Không ai có lợi thế hơn hẳn trong cuộc chơi này, khiến cho những màn chơi mạng của Blacklist trở nên vô cùng thử thách và cuốn hút.
Theo Trí Thức Trẻ