Sau khi trả lời phỏng vấn một số phóng viên, Hoàng ViruSs thả những ngón tay khá điệu nghệ trên chiếc đàn dương cầm đặt trong phòng anh. Khó có thể nghĩ Hoàng ViruSs - streamer, YouTuber, gamer nổi tiếng - lại từng học piano chuyên nghiệp. Người mới gặp Hoàng cũng sẽ bất ngờ về khả năng nói chuyện của anh, về kiến thức của anh cả về cuộc sống lẫn công việc kinh doanh.
Căn hộ chung cư khang trang nơi anh sống cũng là nơi làm việc của Hoàng và nhân viên trong nhiều năm nay. Bên cạnh là một streamer có tiếng, anh còn soạn nhạc, sản xuất TVC, quản lý những kênh nổi tiếng, mở quán cà phê,... Sau 7 năm làm game thủ chuyên nghiệp, streamer đời đầu tại Việt Nam, Hoàng ViruSs đã trở thành cái tên đình đám trong lĩnh vực của anh, đồng thời lấn sân sang lĩnh vực giải trí.
Hoàng ViruSs cũng là đại sứ của Facebook Gaming tại Việt Nam, từng đạt 3 giải thưởng dành cho nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng này trong một cuộc thi tại Bangkok, Thái Lan, năm ngoái.
Dưới đây là phần chia sẻ của Hoàng ViruSs với ICTnews và một số nhà báo khác.
Một ngày không làm việc không chịu được
Ngoài chơi game, anh còn tham gia các hoạt động ở mảng giải trí và công nghệ đúng không?
Đúng rồi ạ. Cũng nhiều người hỏi tại sao có những streamer khác lại không giống như em hoặc đi theo con đường của em. Điều này là do mỗi người có 1 định hướng đi ban đầu và cách làm việc khác nhau.
Em thì hơi khác với nhiều bạn khác là em không có sở thích đi đá bóng, đi du lịch hay đi chơi gì đâu. Em có thể ngồi làm việc liên tục, một ngày không làm việc là em không chịu được. Em không thể nào ngồi yên mà không làm cái gì. Em có được ngày hôm nay thì đều trong sự tính toán của em hết. Em có thể viết một kế hoạch rất rõ ràng là mình sẽ làm gì.
Còn quay trở lại những cái em làm trong mảng giải trí, công nghệ khác của em, em nhìn thấy cái hay là điều này giúp em mang nghề streaming đến với nhiều người hơn và giúp họ biết streamer là ai.
Ví dụ như giải thưởng We Choice hay những giải thưởng em nhận được từ Facebook Gaming trong Đông Nam Á hay vừa rồi em được đại diện là một trong bốn thành viên được tham gia TVC game của thế giới và em là đại diện duy nhất của toàn châu Á,...
Những thành công đấy em phải tự động cố gắng và đưa ra sức ảnh hưởng của em.
Em còn tham gia những sự kiện về công nghệ thông tin, sự kiện giải trí, phim ảnh. Em tham gia thì mọi người mới biết đến em và nói rằng “À, streamer đây”. Thật ra lượng người xem theo dõi streamer không khác gì ca sĩ, nghệ sĩ cả, thậm chí bọn em còn đông hơn vì bọn em tương tác hàng ngày cho mọi người cảm giác gần gũi.
Em cảm thấy rất vui vì các bạn fan streamer thoải mái lắm, ôm rồi chụp ảnh các kiểu. Mọi người có cách tương tác rất gần gũi. Bọn em được lợi thế chỗ đấy.
Nghề nào cũng có khó khăn, phải điềm tĩnh
Yếu tố nào quyết định để trở thành một streamer thành công?
Streamer là một ngành em rất thích bởi nó là tập hợp của các ngành khác. Để làm một streamer cần trau dồi cả về mặt kiến thức, cả về mặt kinh nghiệm và không ngừng nỗ lực chăm chỉ.
Chỉ cần một ngày, một tháng mọi người không livestream thôi thì những người xem quen thuộc của mình sẽ không tìm được kênh giải trí, người ta sẽ qua kênh khác.
Có một điều thú vị là khi trở thành livestreamer, mình sẽ trở thành một phần cuộc sống của người khác và người ta sẽ chờ đợi mình nói chuyện hoặc tương tác với mình một cách tự nhiên thoải mái. Cũng nhờ cộng đồng Facebook mà em gặp được nhiều bạn mới ở ngoài đời thực nữa.
Có bài học nào sâu sắc với mình khi mình trở thành streamer không?
Bài học đầu tiên của em khi thành streamer đó là sự điềm tĩnh. Nghề nào cũng có những khó khăn nhất định, và nhiều người không hiểu rõ về bản chất của streamer. Nhiều người hỏi em, “Ông này không làm gì ngoài chơi game à?” em chỉ nói, “Đây là công việc của em”.
Sự nổi tiếng buộc mình phải sống tốt hơn
Nếu anh có nhiều lượng người theo dõi như vậy, lại là các bạn trẻ nữa, thì anh có bị áp lực là phải sống tốt hơn hay là phải làm gương cho các bạn?
Em không nghĩ đây là áp lực, ngược lại với em đó là động lực để em trở thành một con người tốt hơn. Vì biết rất nhiều bạn follow mình trên cộng đồng nên em cố gắng trở thành một người chỉn chu, có một cuộc sống ngăn nắp, khoẻ khoắn lành mạnh, và luôn chú ý đến việc sử dụng ngôn từ khi nói chuyện với mọi người. Nhờ vậy mà em luôn hoàn thiện bản thân và đây cũng chính là điều em thích.
Chắc hẳn anh sẽ nhận được nhiều câu hỏi từ các bạn trẻ rằng có nên chơi game không, thậm chí là bỏ học chơi game không, vì có bạn được giải cả triệu USD, thì anh sẽ nói như thế nào?
Thực ra ai cũng thích chơi game vì vừa được chơi, được phát triển, được nổi tiếng. Nhưng như em đã nói ban đầu, ngành này ai cũng có thể tham gia, ai cũng có thể trở thành streamer được nên sức cạnh tranh rất lớn.
Nếu như các bạn cảm thấy mình có thể tham gia trở thành streamer thì hãy thử trong khoảng thời gian 1-2 tháng để trải nghiệm một cách nghiêm túc nhất.
Ví dụ như cách ViruSs chơi game hay làm streaming, ViruSs khác các bạn là các bạn chỉ có chơi thôi, còn ViruSs sẽ có sổ tay ghi lại kinh nghiệm: trận này em thua là vì sao và cần rút kinh nghiệm chuyện gì, và em sẽ tiến bộ rất nhanh.
Nếu các bạn tham gia và thử trong vòng hai tháng như vậy nếu cảm thấy không có tố chất thì em khuyên là các bạn nên bỏ đi vì các bạn không phù hợp với công việc này. Chỉ đơn giản là các bạn không phù hợp với công việc đấy chứ không phải là vì các bạn chưa đủ cố gắng.
Các bạn đều đồng ý và bọn em bắt đầu có được những phải hồi rất tích cực như “anh ơi em cũng bắt đầu trở thành game thủ rồi”. Cũng có rất nhiều bạn đã làm việc cho VR Studio của em, ban đầu muốn trở thành streamer nhưng về sau các bạn thấy hợp hơn với mảng nội dung, hay video editor, phát triển cộng đồng thì các bạn chuyển sang.
Em thấy rất vui bởi vì các bạn nhờ stream game mà có được kiến thức, kỹ năng làm các công việc hiện tại.
ViruSs có thể chia sẻ những cái mất mà ViruSs đã đánh đổi khi theo đuổi sự nghiệp này?
Thật ra nghề nào cũng có những giới hạn. Streamer phải ngồi ở nhà làm việc liên tục trên máy tính, nên phải chú ý việc ăn uống điều độ, phải tập thể dục thường xuyên hơn. Streamer sẽ không thể có cuộc sống giống như người bình thường, ngược lại ViruSs thấy đó không phải là mất mát mà một điều tốt, nó khiến ViruSs sống có trách nhiệm với công việc của mình hơn.
Hạn chế duy nhất mà ViruSs thấy ở nghề này đó là cuộc sống riêng tư bị nhiều người tò mò, đồn đoán.
Tình cảm của người hâm mộ có “ảo” cũng không sao
Là một streamer, ViruSs phải xử lý cảm xúc tiêu cực của mình như thế nào khi streaming?
Mỗi một khoảnh khắc mang lại một giá trị khác nhau. Mục đích chính của các kênh stream là mang lại sự vui vẻ nhưng thật ra ViruSs mê streaming đến mức những lúc buồn, vui ViruSs đều chia sẻ trên kênh stream cùng với mọi người.
Nếu như người xem cùng chia sẻ nỗi buồn của mình thì họ sẽ cảm thấy ViruSs rất trân trọng họ vì những khoảnh khắc đó ViruSs cũng chia sẻ với người xem.
Có khi nào bạn nghi ngờ tình cảm người xem dành cho mình bởi vì nó “ảo” không?
Hiện tại thì “ảo” hay không, không quan trọng. Thực tế, lần nào mình và các bạn gặp nhau cũng vẫn vui vẻ, không có sự lợi dụng hay gây ảnh hưởng gì tới cuộc sống của mình hết. Mình nghĩ rằng dù có ảo thì cũng không quan trọng vì họ trao cho mình được nhiều thứ hơn là mình trao cho họ.
Thành công không đến dễ dàng
Trong quãng đường 7 năm làm streamer, giai đoạn nào anh bắt đầu có nhiều người xem?
ViruSs may mắn hơn mọi người vì có lượng người xem cao bất ngờ trong buổi livestream đầu tiên.
Hôm đó bạn em đang stream thì ViruSs chỉ tình cờ stream hộ một lúc cho bạn khi bạn nghỉ giải lao và số lượng người xem tự nhiên tăng vọt. Bản chất streaming như chơi game cho người bạn đứng sau xem.
Nhưng cũng có những giai đoạn khó khăn, chuyện gia đình, tình cảm... nên em cũng dừng stream một tháng và sau đó quay trở lại thì lượng người xem không như mong muốn.
Sau đó em mới nhận ra là với ngành stream, mọi người đang có quan nghiệm khá sai, đó là khi bắt đầu stream đừng quan trọng con số. Ngày hôm nay 1 người, ngày hôm sau 2 người, tăng lên là 50% rồi. Không thể mới ngồi xuống stream là 100, 1.000 người xem được.
Ngày hôm nay 2 người, mai 3 người, nghĩa là con số đã tăng là mừng rồi, nghĩa là mình đang làm tốt và mình sẽ cần phải làm tốt hơn.
Phải biết cân bằng để đi đường dài
Làm việc trên Facebook Gaming thì nội dung của anh phải hơi chỉn chu hoặc hơi chính chuyên không hay là anh có thể nói thoải mái?
Như tất cả mọi người trên mạng xã hội, mọi người đều phải tuân theo Tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook, không sử dụng ngôn ngữ kích động thù địch hoặc bôi nhọ người khác. Những điều này theo em nghĩ không chỉ streamer mà bất kỳ ai trên mạng xã hội cũng nên nắm rõ.
Đặc biệt, đối với bản thân em, với tư cách là một đại sứ cho Facebook Gaming và có rất nhiều fan, em luôn có ý thức về việc sử dụng ngôn ngữ của mình khi giao tiếp. Điều này cũng là lý do em được lựa chọn cho nhiều sự kiện, chương trình hoặc có cơ hội xuất hiện trên báo chí.
Em nói cho mọi người 1 câu dễ hình dung nhất đó là: “Tính giải trí càng cao thì đường đi càng ngắn hạn” còn nếu mình biết cân bằng, tính giải trí thấp đi một chút thì chúng ta sẽ được đi một con đường dài hạn hơn.
Mỗi Streamer có nhiều phong cách khác nhau, anh có thể chia ra những cái mà đang thấy và anh đang theo phong cách nào?
Streamer là người đưa đưa ra một nội dung hoặc chơi game sau đấy stream lên mạng cho cộng đồng cùng xem và tham gia vào quá trình này. Có 3 phong cách chính. Thứ nhất là streamer là game thủ giỏi, thì người xem sẽ không xem streamer đó vì nội dung mà người ta xem cách streamer đó chơi game để học hỏi.
Thứ hai là streamer về dạng giải trí, cái này giống như 1 kênh giải trí hài thôi vì nó mang đến tiếng cười nên mang tính giải trí cao. Bọn em hay dùng từ cá nhân là “tấu hài”.
Em thì thuộc dạng streamer thứ ba, là những người stream để tư vấn, chia sẻ câu chuyện cá nhân và đặc biệt họ chia sẻ những thành công của họ. Đấy là lý do tại sao một số streamer đời đầu như em hay (nghe nói) là Pew Pew thì bọn em thường chia sẻ những thành tựu và những thời gian mà bọn em trải qua. Bây giờ bọn em không thể hài như trước nhưng bọn em vẫn cố gắng đưa yếu tố hài, đặc biệt bọn em thường đưa bài học gì đó vào buổi livestream đó.
Ngành stream sẽ bùng nổ trong tương lai
Khái niệm streamer hiện tại so với vài năm trước đây khác nhau và thay đổi thế nào? Anh có bao giờ anh cảm thấy khó khăn đi trên con đường streamer và hoài nghi với chính lựa chọn của mình không?
Ngành streamer streaming này Việt Nam bắt đầu song song với thế giới. Thế giới có lợi thế hơn rất nhiều vì châu Âu chẳng hạn, có nền tảng về phần cứng hay CLB game đẹp hơn, có hệ sinh thái,... còn Việt Nam thì chỉ mới bắt đầu.
Vì vậy, khó khăn của bọn em là rất nhiều vì không có trường lớp nào dạy bọn em hết. Bọn em phải tự ném đá dò đường, bản thân em phải tự chỉnh đốn lại bản thân, chỉnh đốn lại từ ngữ, tự trau dồi kiến thức như đọc sách về MC, sử dụng ngôn từ thế nào, tốc độ làm sao để mọi người nghe thoải mái.
Ví dụ như trước khi ngồi livestream, em phải lướt Facebook để xem ngày hôm nay có những chuyện gì, xu hướng gì hoặc các bạn đang trao đổi về vấn đề gì mình cũng có thể tham gia vào những câu chuyện đấy.
Nghề streaming rất đơn giản nhưng cũng rất khó. Ai cũng có thể trở thành một streamer chỉ cần đầu tư một bộ máy, một webcam để livestream nhưng nếu không nghiêm túc về công việc này thì khó mà thành công và có chỗ đứng trong cộng đồng.
ViruSs có thể chia sự phát triển của ngành streaming thành những giai đoạn nào? Và tại sao gần đây lại nổi lên?
Ngành này ở Việt Nam và thế giới phát triển song song với nhau. Giai đoạn 5 năm đổ về trước, có thể gọi là buổi sơ khai, các streamer đều phải tự làm hết các công việc, tự nghiên cứu marketing, tự đăng bài lên Facebook, tự dựng video, tự làm fanpage... Nhưng cái hay là em biết người xem cần gì, nên những hoạt động của bọn em rất sát thực.
Còn các streamer bây giờ có người dựng video, có người làm nội dung, nhưng họ phải hiểu người xem và họ phải chia sẻ điều đó với người làm cùng, như vậy họ có thể tiết kiệm rất nhiều thời gian, họ dành được nhiều thời gian cho người xem hơn.
Đối với góc nhìn của em thì streaming ở VN bây giờ mới chỉ bắt đầu thôi. Lý do là vì công việc nào cũng có hệ sinh thái tuần hoàn như nhà phát hành game, hay giải đấu, hay game thủ thì hiện tại các cái đi kèm cũng đang phát triển. Bây giờ bọn em cũng đang phải chờ những cái khác đi kèm phát triển nữa thì hệ sinh thái mới có thể phát triển mạnh được.
Cái hay ở chỗ là vì có rất nhiều người tham gia nên tính cạnh tranh rất rõ ràng. Nên là chắc chắn các kênh, cách tổ chức sẽ được đầu tư nhiều hơn. Có sự đầu tư chuyên nghiệp và bọn em sẽ chuyên nghiệp hơn, cả về nội dung thông tin truyền tải. Và biết đâu nó sẽ trở thành 1 kênh mà mọi người sẽ xem hàng ngày như kênh truyền hình. Đó là em nghĩ bây giờ chỉ mới bắt đầu, còn yên tâm sau này sẽ bùng nổ nữa.
Streaming không chỉ về game, sẽ là về giải đấu, về dạy học, về hướng dẫn như hướng dẫn nấu ăn, vẽ, chơi piano… rất nhiều thứ, có thể bùng nổ trong tương lai.
Những bạn chơi game giỏi & stream giỏi thì sau này sẽ phát triển nghề nghiệp tương lai thế nào?
Nếu sau này không làm được game thủ nữa thì có thể làm trợ lý huấn luyện viên hoặc là nhà phân tích chiến thuật hoặc thậm chí là huấn luận viên luôn, liên quan đến chiến thuật. Hoặc làm bình luận viên, nghiên cứu viên… rất nhiều công việc khác nhau hoặc thậm chí đổi ngành.
Rất nhiều streamer đã chuyển sang buôn bán, kinh doanh, làm dự án khác.... đều thành công vì họ đã có danh tiếng nhất định và khả năng ăn nói, sự gần gũi với mọi người nhờ streaming.
Xin cám ơn anh về buổi trò chuyện hôm nay.