Sự cô đơn làm gia tăng nguy cơ bệnh mạch vành và nhồi máu cơ tim. Ngược lại một đời sống xã hội có nhiều giao tiếp sẽ có lợi cho sức khỏe tim mạch.
Một nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí Heart cho thấy những người sống độc thân hay sống đơn độc có nguy cơ bị các cơn đau tim hoặc tai biến mạch não cao hơn những người có nhiều mối giao tiếp trong xã hội.
Sự cô đơn có thể gây ảnh hưởng đến tim? (Ảnh minh họa) |
Tiến sĩ Nicole Valtorta - Đại học York (Anh) và là tác giả của công trình nghiên cứu cho biết rằng: “Cô đơn có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của cơ thể”. Nhóm của ông đã tìm thấy các tài liệu nghiên cứu khoa học và phân tích số liệu của 23 nghiên cứu liên quan đến 180.000 người khỏe mạnh.
Họ ghi nhận rằng sự cô đơn, một cảm giác mà đôi khi người ta cảm nhận không thấy hạnh phúc trong cuộc sống hôn nhân thường có liên quan đến nguy cơ mắc mạch vành (tăng 29%), tai biến mạch não (tăng 32%). Ngoài ra sự cô đơn còn là yếu tố nguy cơ của stress, lo âu, đái đường.
Theo Tiến sĩ Valtorta thì những người sống cô đơn, bị cô lập thường ít có hoạt động thể chất, chế độ ăn uống không cân bằng và điều độ và họ thường ít khi thăm khám kiểm tra sức khỏe, ngoài ra có nguy cơ cao bị béo phì.
May mắn thay, điều ngược lại có vẻ đúng khi mà chúng ta nuôi dưỡng những mối quan hệ trong gia đình và xã hội.
Để minh họa cho tình yêu hay hôn nhân tan vỡ, khi bạn phải đối mặt với sự cô đơn thì người ta thường dùng hình tượng quả tim rạn nứt làm đôi, trên thực tế nhiều nghiên cứu y học đã chứng minh tình trạng hôn nhân và sức khỏe tim mạch có liên quan mật thiết với nhau. Hạnh phúc gia đình và tình trạng sức khỏe tim mạch của một người là một hàm số đồng biến: gia đình hạnh phúc giúp con tim hoạt động tốt hơn và ngược lại.
Để phá bỏ sự cô đơn, bạn hãy luôn cởi mở, nên có những cuộc gặp gỡ với bạn bè, người thân. Nên tham gia làm tình nguyện, các hoạt động trong thành phố hay bạn bè tổ chức. Hãy nở nụ cười trên môi, điều đó đem lại cho chúng ta tinh thần lạc quan hơn trong cuộc sống!
BS Ái Thủy (Theo Topsante.com)