Việt Nam là quốc gia đa dạng về tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa. Mỗi một tộc người có một niềm tin, tín ngưỡng và cách bày tỏ đức tin khác nhau.
Sự đoàn kết giữa người khác tôn giáo, giữa các tôn giáo với nhau là truyền thống vốn có của người Việt |
Theo PGS. TS Đỗ Lan Hiền, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ở Việt Nam, tín đồ của tôn giáo này vẫn có thể thực hiện hành vi cúng lễ của các tôn giáo, tín ngưỡng khác. Người Việt có thể đến chùa lễ Phật, đến đền lễ Thánh, đồng thời đến phủ, điện để thờ Mẫu, hầu đồng. Tín đồ tôn giáo vừa có thể tham gia những buổi lễ trọng của tôn giáo mình nhưng vẫn có thể tham gia các lễ hội dân gian, thành kính cúng lễ trước các Thánh, Thần hay tri ân những người hy sinh vì dân, vì nước. Ngoài ra, họ còn cầu Thần, cầu Thánh, cầu cả Phật cho mưa thuận, gió hòa, dân cường, nước thịnh, cho gia đình mạnh khỏe, an khang thịnh vượng, cho con đàn cháu đống, vạn sự như ý…
Tín đồ các tôn giáo ở nước ta thường có nhu cầu tâm linh đa phương, nhiều chiều như thế. Thậm chí, trong một làng, một xã có chuyện thần làng nào làng ấy thờ, thánh làng nào làng ấy cúng, thế nhưng mọi thánh thần đều bình đẳng ngang nhau, “chung sống” cạnh nhau, cùng đồng tôn, không xung đột, mâu thuẫn hay phân kháng. Tín đồ khác đạo vẫn chung tay xây dựng quê hương bản quán. Như vậy, đồng thuận, đoàn kết tôn giáo nêu trên, cụ thể hơn là sự đoàn kết người có tôn giáo và không tôn giáo, giữa người khác tôn giáo, giữa các tôn giáo với nhau và giữa tôn giáo với dân tộc, với Nhà nước là một truyền thống vốn có của người Việt.
Có được truyền thống tốt đẹp đó, trước hết, là bởi sự tôn trọng điểm khác biệt về tư tưởng, về nhân sinh quan, thế giới quan giữa các tôn giáo, giữa người có tôn giáo và không tôn giáo, giữa tôn giáo và dân tộc/nhà nước hay chủ nghĩa xã hội.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng dấn thân theo đường hướng “Đạo pháp - dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”; Giáo hội Công giáo Việt Nam với đường hướng “sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào”; các hội thánh Tin Lành ở Việt Nam đi theo con đường “phụng sự Thiên Chúa, phụng sự Tổ quốc”; các hệ phái Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo đi cùng dân tộc theo tinh thần “Nước vinh, đạo sáng”... Các cá nhân và tổ chức tôn giáo đã góp phần không nhỏ trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiệt liệt hưởng ứng các phong trào thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội, phong trào đền ơn đáp nghĩa và nhiều hoạt động xã hội an sinh, từ thiện khác.
Văn hóa tâm linh là một thành tố trong văn hóa truyền thống của người Việt. Cha ông chúng ta đã từng viện đến truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra “một bọc trăm trứng” với màu sắc huyền bí để giải thích về cội nguồn dân tộc cốt là để khẳng định tinh thần gia tộc, tình nghĩa đồng bào, coi nhau như thể anh em của người Việt vì cùng chung một mẹ Âu Cơ, cùng một bọc mà ra. Cha ông chúng ta cũng từng “huy động” đến cả lực lượng “thần linh” như Thánh Gióng tham gia vào chiến sự khi đất nước lâm nguy phải oằn mình chống giặc ngoại xâm.
Nhiều khi, sức mạnh thần bí đó là động lực tinh thần to lớn gắn kết cộng đồng người Việt thành một khối thống nhất để có thể chiến thắng kẻ thù lớn mạnh hơn mình gấp trăm vạn lần. Như vậy, công năng xã hội và văn hóa của tôn giáo là không chối bỏ được, suy rộng ra, tôn giáo vừa là một bộ phận thiết yếu của thượng tầng xã hội vừa là một bộ phận của phức hợp những yếu tố cũng rất thiết yếu trong đời sống con người dù nó có được sắp xếp theo một trật tự, một logic khác với các trật tự của các quan hệ xã hội.
Nên, trong cuộc tìm kiếm một tập hợp những giá trị hay trật tự mới các quan hệ xã hội hiện nay, chúng ta cần lưu ý đến những giá trị, trật tự của tôn giáo vốn được coi là đã được trải nghiệm, được chấp nhận, được thừa nhận trong tiến trình hình thành và phát triển của lịch sử, văn hóa, văn minh nhân loại.
Trong bối cảnh đa dạng và đa nguyên tôn giáo như hiện nay, cần hóa giải sự phân lập ý thức hệ, tôn trọng điểm khác biệt, tin tưởng, ứng xử công bằng, trân trọng lẫn nhau để có được sự đồng thuận, đoàn kết, hòa hợp dân tộc - tôn giáo.
Đồng thuận, đoàn kết tôn giáo là sự nghiệp của toàn dân tộc và của cả hệ thống chính trị mà hạt nhân lãnh đạo là các tổ chức đảng, được thực hiện bằng nhiều hình thức, trong đó các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Theo đó, Đảng và Nhà nước cần chú trọng đổi mới và hoàn thiện chính sách, pháp luật tôn giáo để bảo đảm quyền tự do tôn giáo của người dân với lợi ích của dân tộc.
Ngân Phương (lược ghi)
Ảnh: Đắc Vịnh