- Vẫn còn nhiều tồn tại và bất cập từ việc quản lý đến sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tại Việt Nam. Đó là ý kiến được nhiều chuyên gia khẳng định tại Diễn đàn Phát triển Nông nghiệp sáng tạo gắn với bảo vệ môi trường diễn ra tại Hà Nội cuối tuần qua.

Khẳng định thuốc BVTV có vai trò quan trọng trong việc giữ vững năng suất, đảm bảo an ninh lương thực, song PGS. TS. Nguyễn Kim Vân, Hội Khoa học Kỹ thuật Bảo vệ thực vật Việt Nam cũng khẳng định, thuốc BVTV là con dao 2 lưỡi, dễ dẫn đến những hậu quả tai hại làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và môi trường.

{keywords}
Nhiều vấn đề bất cập trong việc sử dụng thuốc BVTV tại Việt Nam.

Theo đó, PGS Nguyễn Kim Vân cho rằng, việc quản lý và sử dụng thuốc BVTV tại Việt Nam hiện nay vẫn còn tồn tại rất nhiều vấn đề.

Đầu tiên là việc lượng thuốc BVTV tại Việt Nam đang tăng quá nhanh. Theo PGS Vân, danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng đến năm 2013 đã lên tới 1.643 hoạt chất, trong khi, các nước trong khu vực chỉ có khoảng từ 400 đến 600 loại hoạt chất, như Trung Quốc 630 loại, Thái Lan, Malaysia 400-600 loại.

Trong khi đó, ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường Tổng Cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, nếu như trước năm 1985 khối lượng hóa chất BVTV dùng hàng năm khoảng 6.500 - 9.000 tấn thì trong 03 năm gần đây, hàng nămViệt Nam nhập và sử dụng từ 70.000 - 100.000 tấn, tăng gấp hơn 10 lần.

Điều đáng nói, theo PGS Đỗ Kim Vân, hầu hết thuốc BVTV tại Việt Nam đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Từ năm 2006 đến nay, Việt Nam nhập khẩu bình quân trên 70.000 tấn thành phẩm hàng năm với trị giá từ 210 - 774 triệu USD. Trên 90% thuốc BVTV được nhập khẩu từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, còn có một lượng lớn thuốc BVTV nhập lậu chưa kiểm soát được.

Qua những con số trên có thể thấy, Việt Nam là một trong số những nước có lượng tiêu thụ thuốc bảo vệ thực vật rất lớn”, ông Hồ Kiên Trung khẳng định.

Một tồn tại khác, theo PGS Đỗ Kim Vân là các loại thuốc BVTV mà Việt Nam đang sử dụng có độ độc còn cao, nhiều loại thuốc đã lạc hậu.

Nhiều loại thuốc cũ đã hạn chế hoặc cấm sử dụng như Wofatox, Monitor, Kelthan… song nhiều nơi nông dân vẫn sử dụng để trồng rau”, PGS Vân cho hay.

Tình trạng thuốc giả, nhái và thuốc nhập lậu tràn lan trên thị trường cũng là một vấn đề “nhức nhối” trong vấn đề quản lý và sử dụng thuốc BVTV.

Theo số liệu của thanh tra Cục BVTV, hàng năm lực lượng này đã phát hiện và xử phạt gần 3.000 trường hợp vi phạm về kinh doanh, sản xuất thuốc BVTV bất hợp pháp với số tiền khoảng 4 tỷ đồng/năm, trong đó có đến 40% số vi phạm về sản xuất thuốc bất hợp pháp, kinh doanh thuốc cấm, thuốc giả, thuốc BVTV không đạt chất lượng và các vi phạm về nhãn mác, thuốc không rõ nguồn gốc…

Quá lạm dụng thuốc BVTV cũng là một vấn đề lớn trong việc sử dụng và quản lý thuốc BVTV trong ngành nông nghiệp.

Thực tế ở nước ta những năm qua cho thấy không ít hiện tượng một số người làm sản xuất nông nghiệp vì sợ mất năng suất và lợi nhuận thu được đã lạm dụng thuốc BVTV hoặc sử dụng thuốc BVTV sai quy định…”, PGS Vân khẳng định.

Theo một con số được đưa ra bởi các chuyên gia quốc tế hồi tháng 9 vừa qua, có tới 80% thuốc bảo vệ thực vật tại VN đang được sử dụng không đúng cách, không cần thiết và rất lãng phí.

“Quả bom” thuốc BVTV tồn lưu

Theo ông Hồ Kiên Trung, với lượng thuốc BVTV sử dụng rất lớn, ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu gây ra tại Việt Nam đang trở nên ngày một nghiêm trọng hơn.

{keywords}
Thói quen xả thải bừa bãi của người sử dụng thuốc BVTV đang khiến môi trường bị ô nhiễm.

Theo ông Trung, kết quả điều tra, thống kê về các điểm tồn lưu hóa chất BVTV từ năm 2007 đến năm 2009 đã phát hiện 1.153 khu vực gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn 35 tỉnh, thành phố.

Trong số này, có khoảng 864 khu vực môi trường đất bị ô nhiễm do hóa chất BVTV tồn lưu trên địa bàn 17 tỉnh, thành phố và 289 kho hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên địa bàn 35 tỉnh, thành phố.

Trong đó, 189 khu vực bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng và ô nhiễm nghiêm trọng, 87 khu vực bị ô nhiễm và 588 khu vực đất có ô nhiễm hóa chất BVTV tồn lưu nhưng vẫn chưa đánh giá chi tiết mức độ ô nhiễm.

Kết quả điều tra mới đây nhất của các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đã phát hiện thêm 409 khu vực bị ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu. Hầu hết nằm ở địa bàn các tỉnh miền Bắc và miền Trung.

Bổ sung ý kiến của ông Trung, PGS Đỗ Kim Vân phân dẫn một nghiên cứu của Viện Môi trường nông nghiệp Việt Nam cho thấy lượng thuốc BVTV còn bám lại trên vỏ bao bì bình quân chiếm 1,85% tỷ trọng bao bì.

Như vậy căn cứ vào số lượng thuốc BVTV sử dụng hàng năm thì môi trường Nông nghiệp Việt Nam có khoảng từ 150 - 200 tấn thuốc từ bao bì thải loại vào đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường”, TS Vân nói.

Trong khi đó, người dân hoàn toàn không có ý thức xử lý lượng thuốc BVTV còn tồn lại trên vỏ bao bì. Có tới hơn 65% những người dân được hỏi khẳng định họ vứt vỏ bao bì ngay tại nơi pha thuốc.

Thói quen xả thải bừa bãi các vỏ chai lọ, bao bì thuốc BVTV là nguồn tiềm ẩn nguy hiểm gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường đất ở các vùng nông thôn”, PGS Vân nói.

Lê Văn