Bất cứ thời kỳ nào thì hình ảnh những người dạy học (thày/cô giáo) luôn mang tính biểu trưng cho giáo dục. Họ không chỉ là người chuyển giao tri thức, hướng dẫn kỹ năng, mà còn đảm nhiệm vai trò hình mẫu về hành vi, đạo đức, và lối sống cho người học. Trong lịch sử nhân loại, những người “thầy” hay “nhà giáo dục” được ghi nhận không chỉ bởi những thành tích đào tạo, mà còn bởi họ là những người định hình khuôn mẫu hành vi hay tấm gương về sự cống hiến. Cũng vì thế, “dạy học” đã trở thành một công việc đặc biệt, luôn được tôn vinh, bất kể đó là xã hội phương Đông hay phương Tây, truyền thống hay hiện đại.

Với nhiệm vụ đào tạo con người, hẳn nhiên sứ mệnh cao cả nhất của các nhà giáo là “khai sáng”.

Với tinh thần khai sáng, nhà giáo giúp người học dần thoát khỏi bản năng tự nhiên, hình thành ý thức tự giác về mình trong quan hệ với các thành viên khác trong cộng đồng. Cũng nhờ giáo dục khai sáng, cá nhân từng bước định hình và ý thức về bản thân, làm chủ bản thân, và có thể làm chủ các tình huống trong cuộc sống.

Công nghệ mở rộng ‘không gian’ cho nhà giáo

Nhân loại đã trải qua nhiều hình thức giáo dục. Trong các xã hội nông nghiệp, đó là hình thức đào tạo trực tiếp giữa một thày và một hoặc một số học trò. Trong các xã hội công nghiệp, các lớp học và hệ thống trường học hiện đại đáp ứng nhu cầu học tập trên quy mô lớn.

Những tiến bộ công nghệ gần đây đã giúp khuếch tán khả năng khai sáng của nhà giáo trên phạm vi không giới hạn. Các hình thức giáo dục cũng ngày càng đa dạng hơn, không chỉ bó hẹp trong không gian trường học.

Tuy nhiên, tiến bộ công nghệ chỉ là những phương tiện hỗ trợ nhà giáo chứ không thể thay thế vai trò của nhà giáo. Công nghệ thông tin và internet có thể mở rộng không gian cho nhà giáo, chứ không thể làm thay vai trò hướng dẫn và tinh thần trách nhiệm của nhà giáo.

Cũng vậy, trí tuệ nhân tạo có thể hứa hẹn những khả năng khôn lường nhưng dứt khoát không thể thay thế những niềm cảm hứng bất tận đến từ các bài giảng của nhà giáo.

Sứ mệnh khai sáng trong kỷ nguyên công nghệ

Giáo dục mãi là hoạt động của con người và vì con người. Sẽ khó có hoạt động sống nào khác của con người lại có thể mang “tính người” hơn hoạt động giáo dục.

Kỷ nguyên công nghệ cũng đặt ra những thách thức cho nhà giáo. Để đảm nhiệm được vai trò khai sáng, mỗi nhà giáo không chỉ phải tự thích ứng với các tiến bộ công nghệ để có thể đáp ứng được nhu cầu luôn thay đổi của người học. Nói cách khác, nếu không tự ý thức và sẵn sàng thích ứng với bối cảnh mới, sứ mệnh khai sáng của các nhà giáo có thể bị lấn át và lu mờ bởi các tiến bộ công nghệ.

Tiến bộ công nghệ cũng sẽ khiến những thày/cô giáo coi nhẹ sứ mệnh khai sáng, quá đề cao các lợi ích vật chất vị kỷ, nhanh chóng lộ diện là những “thợ dạy”. Khi đó, giáo dục đã được đánh đồng với các hoạt động trao đổi hàng hóa đơn thuần khác.

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, điều làm nên sự khác biệt của giáo dục và các nhà giáo chính là “sứ mệnh khai sáng”. Cũng bởi thế, mỗi nhà giáo không chỉ luôn phải tự ý thức về vai trò khai sáng của mình. Hơn thế, một trong những phẩm chất cần có của mỗi nhà giáo - ấy là phải có khả năng vượt qua sự tác động của các yếu tố bối cảnh để có thể duy trì niềm đam mê với sự nghiệp khai sáng.

 TS. Nguyễn Văn Đáng

Tiến sĩ du học nước ngoài về làm hiệu trưởng ngôi trường 'dưới đáy'

Tiến sĩ du học nước ngoài về làm hiệu trưởng ngôi trường 'dưới đáy'

Với bản lý lịch khoa học khá ấn tượng, TS Trương Đình Thăng khiến nhiều người ngỡ ngàng khi biết nơi công tác của anh hiện nay là Trường CĐ Sư phạm Quảng Trị.