Vợ tôi là Nguyễn Thị Phương, người cùng làng, cùng xóm ở một vùng quê nghèo thuộc huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Ngày nhỏ, ở đội thiếu niên, tôi hay chơi với anh và chị của Phương, cô kém tôi tới 5-6 tuổi nên tôi không chú ý.

Lớn lên, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc tôi lên đường chống Mỹ cứu nước, 10 năm sau có dịp về thăm gia đình thì Phương đã trở thành cô giáo. Tuy không có tình yêu từ trước nhưng được cái hoàn cảnh hai gia đình như “bánh đúc bày sàng” đã rất hiểu nhau.

Hai bà của mẹ chúng tôi trước khá thân nhau, hay qua lại, có lần cao hứng đã hứa gả con cho nhau.

{keywords}
 

Phương mồ côi bố từ nhỏ, mẹ lại mới qua đời nên mẹ tôi rất thương cô. Phương luôn giữ được bản chất cô gái thôn quê mộc mạc, ngoan hiền và đặc biệt là có tình yêu người lính.

Được hai gia đình và bạn bè vun vén, chúng tôi đã nên vợ, thành chồng.

Hôn nhân của chúng tôi đã trải qua 50 năm. Phương chịu nhiều thiệt thòi vất vả vì sau khi cưới nhau tôi lại phải về đơn vị công tác. Vợ chồng xa nhau, mình vợ tôi nuôi dạy các con, gánh vác việc nhà, việc nước.

Đến khi tôi bị bệnh, sức khỏe giảm sút mới nghỉ hưu Phương lại thêm gánh nặng chăm sóc cho tôi. Tuy vậy, vợ tôi không hề kêu ca, luôn dành cho tôi tình cảm yêu thương, chăm sóc tận tình nên sức khỏe của tôi dần hồi phục.

Với cha mẹ tôi, Phương cũng là nàng dâu hiếu thảo. Tôi phải cảm ơn vợ tôi rất nhiều! Hiểu được như vậy nên tôi luôn yêu thương tôn trọng và chia sẻ với vợ mọi vui buồn trong cuộc sống, không để vợ phải ấm ức điều gì. Tuy vậy, vợ tôi có một nỗi niềm suy tư, buồn không thể nào khỏa lấp đó là sự ân hận, áy náy vì chưa báo đáp được công ơn của mẹ!

Số là vợ tôi mồ côi cha từ rất sớm, khi ấy cô mới 2-3 tuổi nên ký ức về người cha cũng không nhiều, nhưng người mẹ thì rất sâu đậm. Từ ngày bố Phương - người trụ cột, chủ trì việc kiếm tiền nuôi nhà - mất đi để lại người vợ không còn trẻ nhưng chưa già lắm với 5 người con, cuộc sống của gia đình Phương trở nên khó khăn, túng bấn.

Tôi thấy nhà mình đã nghèo nhà Phương còn nghèo hơn vì dù sao nhà tôi còn có cả cha cả mẹ lo liệu, các anh tôi cũng đã lớn, còn nhà Phương chỉ có mình mẹ.

Ngày bé ở nhà, tôi còn nhớ rất rõ hình ảnh của mẹ vợ tôi. Bà trước là người xinh gái nhất nhì trong làng nhưng từ khi chồng chết, cuộc sống lam lũ nên bà xuống sức rất nhanh. Lại thêm hàm răng kém, mới chưa đầy 50 tuổi mà đã có cái hỏng nên móm mém, trông bà già trước tuổi nhiều. Với chiếc váy bạc mầu, cái áo sờn, đầu đội chiếc khăn vuông bằng sợi nhiều mầu đã cũ (gọi là khăn “cắt côn”), bà đi chân trần, bước thấp bước cao trên đường...

Vợ tôi bảo, đó là bà đi mót thóc, mót ngô hoặc vay gạo... chạy bữa cho con. Vợ tôi kể rằng hôm nào mót được thóc, được ngô khoai là mẹ con mừng lắm. Có bát cơm độn hay bắp ngô, củ khoai mẹ cũng chỉ ăn qua quýt còn lại dành cho con. Hôm nào mót được ít hoặc vào “tháng Ba, ngày tám” không phải thời vụ, không có mà mót và đi vay cũng không được thì về nhà mẹ con ôm nhau khóc!

Vì gia đình quá khó khăn, năm 14-15 tuổi Phương phải nghỉ học, đi làm ở lò ngói kiếm tiền phụ mẹ. Bác phụ trách lò ngói trong đội văn nghệ của xã thấy cô nhỏ bé lại hát hay và ngoan nên kết nạp vào đội văn nghệ và thương tình cho làm việc nhẹ đó là cắt ba-via những viên ngói mới đúc ra. Việc tuy nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi phải khéo tay, kiên trì, tỉ mỉ.

Công việc không vất vả nhưng lán xếp ngói làm trên nền bãi tha ma cũ, hàng ngày chân trần chạy đi chạy lại hơi độc và ẩm thấp ngấm vào chân nên sau một thời gian thì đau nhức, mẹ phải dùng lá lốt và ngải cứu xông, cho mủ trắng thoát ra Phương mới đỡ. Dù thế, vợ tôi vẫn chăm chỉ làm việc để có thể đỡ đần cho mẹ.

Tuy vậy, trong lòng cô vẫn khao khát được đi học để thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà vẫn không đủ ăn! 

Thế là hai năm sau dành dụm được ít tiền và anh trai đã lớn đi bộ đội, nhà bớt khó khăn cô xin mẹ cho đi học tiếp, rồi vào ngành sư phạm, trở thành giáo viên. Khi Phương vừa ra trường thì mẹ mắc bệnh hiểm nghèo, chẳng bao lâu thì bà qua đời.

Vợ tôi tâm sự, những ngày mẹ nằm trên giường bệnh lại đúng vào thời điểm cô ôn thi. Khi ra trường rồi thì lại ở xa và bận dạy học nên không có điều kiện chăm sóc mẹ, điều đó khiến cô vô cùng ân hận. Thỉnh thoảng có lần về chứng kiến những cơn đau khiến mẹ quằn quại mà cô tưởng đứt từng khúc ruột.

Đã có lần tranh thủ về thăm mẹ, thương mẹ nên cô ở nhà luôn, may mà ông anh cả đến trường thăm em biết được phải tức tốc về đốc Phương lên ngay không sẽ bị phòng giáo dục kỷ luật. Thế rồi mẹ cũng không qua khỏi. Mẹ mất đi vợ tôi cô đơn hụt hẫng, chỉ biết lấy công việc làm vui. Giữa lúc ấy thì chúng tôi gặp nhau nên duyên chồng vợ, Phương đã dành hết tình cảm cho tôi.

Mỗi lần tâm sự - nhất là những dịp giỗ mẹ - vợ tôi thường nghẹn ngào nhắc đến sự vất vả của mẹ và ân hận là chưa báo đáp được công ơn của người. Đồng cảm và chia sẻ với vợ mình, tôi viết bài thơ “Giỗ mẹ”.

Đây là tấm lòng, là nén tâm nhang của vợ chồng tôi dâng lên người mẹ đã một đời vất vả hy sinh vì con cái. Không chỉ vợ tôi mà chú bác anh chị em và các cháu của Phương đều rất thích bài thơ này vì nói được hoàn cảnh và tâm trạng của cô và mẹ. Bài thơ như sau:

GIỖ MẸ

(Con gái và con rể kính dâng mẹ)

Con về giỗ mẹ hôm nay

Bồi hồi nhớ lại những ngày xa xôi

Cảnh nhà mẹ góa, con côi

Cô đơn, đói khổ ai người cậy trông

Con thơ tay bế, tay bồng

Cạn khô nước mắt thờ chồng, nuôi con!

Mẹ xưa cũng đẹp, cũng giòn

Mà nên héo hắt gầy mòn xác ve

Quanh năm chân đất, nón mê

Áo sờn, váy bạc đi về ngược xuôi

Bước cao, bước thấp ngậm ngùi

Tong tong, tả tả một đời âu lo

Cháo rau đỡ bữa cho qua

Nuôi con khôn lớn để mà cậy trông!...

Chúng con tạc dạ ghi lòng

Công cha, nghĩa mẹ những mong đạp (đáp) đền

Ông trời sao chẳng đoái thương

Mẹ già đổ bệnh liệt giường chờ con

Con thì xa cách núi non

Không về chăm sóc sớm hôm bên người!

Giờ đây mẹ đã “xa” rồi

Lòng con thổn thức ngậm ngùi nhớ thương

Mẹ ơi! Trong cõi vô thường

Chứng lòng con: Nén tâm hương dâng Người!

Lê Huy Toàn

Giọt nước mắt cô đơn của mẹ ngày nhập viện

Giọt nước mắt cô đơn của mẹ ngày nhập viện

Nỗi buồn có một đứa con ốm đau, bệnh tật triền miên suốt bao năm như tôi khiến một khối khổ đau sâu sắc đè nặng trong lòng mẹ, chẳng nước mắt nào cho đủ.