Họ đã cùng nhau đi qua những tháng năm tuổi trẻ cho đến tuổi xế chiều người chồng không may mắc trọng bệnh. Trong những ngày cuối đời, người vợ hỏi chồng mình "ông có muốn làm gì hay thèm ăn món gì không?". Người chồng liền trả lời "Tôi muốn được ăn đầu cá". Nghe lời ước của chồng, bà vợ rất đỗi ngạc nhiên. Trong phút giây, bà vợ như hiểu ra và nước mắt tuôn trào.
Vì nghèo, thỉnh thoảng ông chồng tự mình đi bắt cá về để cải thiện bữa ăn. Bữa nào bà vợ cũng giành ăn phần đầu, còn các phần khác đều chừa lại. Bà chỉ nghĩ đơn giản: Chồng mình vất vả, bà muốn dành phần ngon nhất cho chồng còn mình chỉ ăn phần xương xẩu. Còn người chồng thấy vợ mỗi lần ăn cá đều chọn phần đầu cá ăn trước nên ông nghĩ vợ thích, theo thói quen sau này đều nhường cho vợ.
Người vợ không hề biết rằng chồng mình chỉ thích ăn đầu cá. Người chồng cũng không hề biết rằng vợ mình ghét nhất là đầu cá. Vậy nên khi nghe điều ước của chồng mình bà đã khóc: "Ông thích ăn đầu cá sao không nói sớm. Báo hại bao năm qua tôi luôn ăn thứ mà tôi không thích chỉ vì muốn nhường phần ngon hơn cho ông mà không biết rằng ông cũng đang nhường thứ mà ông thích cho tôi". Nói đoạn, người chồng rơm rớm nước mắt xin lỗi vợ.
Có phải chúng ta trong cuộc hôn nhân của mình đôi khi cũng ứng xử với bạn đời như vậy không? Chúng ta thường tự suy diễn mà áp đặt, mà cho rằng mình hiểu bạn đời rồi hành động theo cách mình nghĩ là đúng. Trong khi chúng ta có thể làm một việc đơn giản hơn: Nói ra những suy nghĩ và mong muốn của mình mà không cần phải phân tích, suy diễn, không ai phải chịu đựng ai cả.
Mấy hôm trước, trong bài viết "Chuẩn bị ly hôn, vì một câu thì thầm của chồng lúc nửa đêm mà vợ đổi ý" đã được đăng trên chuyên mục, có nhiều độc giả cho rằng đó là truyện ngắn, là tiểu thuyết, một câu chuyện do tác giả sáng tác ra. Nhưng đó là một câu chuyện hoàn toàn có thật.
Người chồng trong câu chuyện vốn là một người đàn ông gần như hoàn hảo. Sau một cơn tai biến, anh ấy không thể đi làm, không thể nói năng mạch lạc rõ ràng, không thể hoạt động như một người khỏe mạnh bình thường. Anh ấy thất vọng về bản thân, cảm thấy mình trở nên vô dụng.
Anh bắt đầu tỏ ra khó chịu, nói những lời khó nghe, từ chối ngủ chung, thậm chí nói rằng mình đã chán ghét vợ. Thật ra anh ấy yêu vợ, thương vợ, không muốn vợ phải khổ vì mình nên đã cố tình cư xử như thế để vợ mệt mỏi mà buông bỏ hôn nhân, tìm cho mình một người đàn ông khác tốt hơn.
Người vợ tất nhiên không thể biết trong lòng chồng mình thật sự đang nghĩ gì. Chị chỉ thấy anh ngày càng cáu bẳn, lạnh lùng, xa cách khiến chị tủi thân. Lẽ ra chị hoàn toàn có thể cùng anh đi qua những năm tháng khó khăn này, nhưng chị chịu khổ để làm gì nếu như ngay cả việc mình tình nguyện chịu khổ chồng cũng không cho phép. Chị quyết định ly hôn.
Nhưng kết quả cuối cùng, họ không ly hôn. Vì người chồng không thể giấu nổi lòng mình rằng anh yêu vợ và anh làm thế chỉ vì muốn vợ không phải chịu khổ vì mình. Và người vợ đã có lý do để không từ bỏ người đàn ông mình yêu thương.
Cuộc sống này nhiều khi rất đơn giản, nhưng chúng ta vì lý do này hoặc lý do khác nhiều khi đã cố vẽ ra những bước ngoặt, những gấp khúc cho cuộc đời mình. Để rồi vì thương nhau nhưng lại không hiểu lòng nhau mới dẫn tới nhiều nỗi đau thương, mất mát và hối tiếc. Hối tiếc nhất là khi chúng ta biết được sự thật thì đôi khi đã bỏ lỡ cả một quãng đời tươi đẹp và quá muộn màng để làm lại cùng nhau.
Vậy nên, vợ chồng đôi khi cũng phải học cách sống chung, học cách hiểu nhau, học cách bày tỏ nỗi lòng. Chuyện không cần nói thì không nói, chuyện cần nói nhất định phải nói ra.
Đến bản thân mình nhiều khi còn không hiểu nổi mình, thì làm sao có thể tường tận hết tâm tư người khác. Đừng bao giờ tin rằng yêu nhiều thì sẽ hiểu. Có những chuyện nếu mình không nói, đối phương sẽ không bao giờ hiểu được đâu.
Theo Dân trí