- Lòng tự trọng, sự trung thực cứ như những lâu đài trên cát nhỏ bé bị con sóng tiền bạc và danh vọng cuốn phăng không một chút dấu vết

Khi đọc qua thông tin người đẹp Ngọc Trinh lên tiếng bảo vệ sự “đạo, nhái” trong thương hiệu thời trang của mình rằng: “Người khác cũng ăn cắp nhiều hơn cả tôi mà có sao đâu ?”, tôi bỗng giật mình và ngẫm lại lí do vì sao từ bao lâu nay nền công nghiệp thời trang, giải trí của Việt Nam vẫn mãi không thể vươn lên tầm thế giới để được bạn bè quốc tế đánh giá cao và ngưỡng mộ vì những giá trị và bản sắc riêng của mình.

Mà ngược lại, suốt từ bao nhiêu năm nay ngành thời trang quanh đi quẩn lại chuyện cãi nhau qua lại giữa NTK này tố anh kia đạo ý tưởng, rối bùng lên vì những chuyện cãi nhau không đâu, để rồi tất cả mọi người cùng quên đi một việc làm quan trọng nhất của một người nghệ sĩ ấy là: “Sáng tạo và làm đẹp cho cuộc đời này”. 

{keywords}

Ngọc Trinh thừa nhận khi 'đạo nhái' 90% thiết kế.

Đối với nhiều ngành nghề khác thì sự tự trọng, lòng trung thực nhiều khi được pháp luật quy định một cách ngặt nghèo, những hành vi không trung thực đều có thể quy ra để xét xử, và xã hội cứ thế vận hành một cách đều đặn trên những nguyên tắc định sẵn của pháp luật. Nhưng đối với ngành thời trang, làm đẹp ở Việt Nam thì lại hoàn toàn khác. Sự sao chép, ăn cắp trong lĩnh vực này có những ảnh hưởng uy tín, doanh thu nhưng hầu như các "nạn nhân" đều không lên tiếng thực sự mạnh mẽ hay đưa ra pháp luật. Những kẻ ăn cắp, sao chép cứ tự nhiên, ung dung thoải mái trục lợi trên sự sáng tạo của người khác.

Để có được một mẫu thiết kế ưng ý của nhà tạo mẫu nổi tiếng Lanvin của Pháp, họ phải trải qua nhiều công đoạn, từ lên ý tưởng, phác thảo trên giấy, bàn bạc thảo luận, chỉnh sửa chi tiết... Mỗi một công đoạn là phải có một hệ thống làm việc chuyên nghiệp với những chuyên gia sành sỏi trong lĩnh vực thẩm mỹ, thời trang để hiểu được thị hiếu của công chúng thích mặc gì, và mặc thế nào là đẹp, liệu mẫu thời trang này có bị “trùng lặp” với các mẫu ra đời trước đó không?

Ở các nước phát triển, sự “trùng lặp” dù vô tình hay là hữu ý trong lĩnh vực thời trang sẽ là “điểm chết” để báo chí và dư luận tấn công, công kích những nhà tạo mẫu thời trang lớn. Bởi vậy, càng là những nhà tạo mẫu nổi tiếng, thì trách nhiệm trung thực và lòng tự trọng của họ lại càng phải lớn lao và nặng nề.

Cứ như thế, để có được một bộ sưu tập thời trang ra mắt tươm tất, số tiền bỏ ra không nhỏ, kèm theo công sức lao động, neuron thần kinh mất đi cũng vô cùng lớn. Khi một bộ sưu tập thời trang ra đời được báo chí, truyền thông chụp hình quay film, phỏng vấn và phát đi khắp nơi trên thế giới với những lời bình luận tích cực, ấy cũng là lúc cả ekip tạo mẫu thời trang của Lanvin thở phào nhẹ nhõm vì thành quả lao động mồ hôi nước mắt trong nhiều tháng trời đã được đền đáp xứng đáng và hiệu quả.

{keywords}
Một thiết kế Việt (trái) gây tranh cãi vì dính nghi ngờ đạo nhái.

Ở Việt Nam, một số nhà tạo mẫu thiết kế có chút tiếng tăm trong lĩnh vực thời trang đã lợi dụng sự thiếu hụt thông tin của công chúng để sao chép, ăn cắp, đạo ý tưởng của Lanvin cũng nhiều hãng thời trang lớn khác để đem về lắp ghép mỗi nơi một chút rồi cũng như ai, cũng tự tạo ra cả một bộ sưu tập thời trang gắn tên thương hiệu của mình vào.

Những thiết kế này chỉ có thể lòe và lừa bịp được đa số người Việt Nam không am hiểu và không có kiến thức về thời trang, còn với các nhà chuyên môn hay đối tác nước ngoài, sự đạo nhái không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, mà còn thể hiện tầm vóc thấp và sự thiếu ý thức của nhà thiết kế.

Hệ quả của sự đạo nhái khi phổ biến nguy hiểm ở chỗ biến những nhà thiết kế thời trang trẻ mới vào nghề hay đang ngồi trên giảng đường đại học suy nghĩ cất công vắt óc sáng tạo để làm gì, tại sao chúng ta không sao chép, mượn ý tưởng cho nhanh. Đã có bao nhiêu người đạo ý tưởng và đã thành công kiếm nhiều tiền, được xã hội, dư luận tung hô, như thế tại sao chúng ta phải cần có lòng trung thực và lòng tự trọng?

Cứ thế, lòng tự trọng, sự trung thực cứ như những lâu đài trên cát nhỏ bé bị con sóng tiền bạc và danh vọng cuốn phăng không một chút dấu vết. Cá nhân những nhà “đạo nhái thời trang” sẽ rất hân hoan vui mừng vì sự thành công của mình. Còn ngành công nghiệp thời trang của Việt Nam cứ theo đó mà lụi bại dần đi kèm theo đó là bộ mặt và uy tín của cả quốc gia trong con mắt quốc tế ngày càng trở nên kém và xấu đi hơn. 

Độc giả Anh Hoàng