TIN LIÊN QUAN |
---|
Người chết cũng bị… bức tử?
Người dân thôn Tây Minh Khai (xóm 2, thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên) đang hoang mang và bức xúc về hiện tượng, nhiều ngôi mộ an táng tại nghĩa trang làng từ 5 – 6 năm nhưng vẫn không phân hủy được để họ làm thủ tục cải táng cho người thân.
Đường vào nghĩa trang thôn Tây Minh Khai. |
Không ít gia đình lo lắng về mặt tâm linh, kiêng kỵ việc “đào lên, lấp lại” nên phải dùng biện pháp… róc những bộ phận chưa phân hủy để cải táng cho người thân.
Anh Đinh Văn Ngọc, một người dân trú tại thôn Tây Minh Khai xác nhận: “Rất nhiều trường hợp các gia đình tiến hành cải táng cho người chết, nhưng vì cốt vẫn chưa phân hủy hết, họ phải lấp lại!”. Chính gia đình anh Ngọc cũng gặp phải trường hợp như vậy.
“Trường hợp gia đình ông giáo Sáng, ông Bính… khi tiến hành sang cát, vẫn còn nguyên hiện trạng như lúc đã mất, thậm chí vẫn còn nguyên râu, tóc…” – ông Tứ, một người dân sống gần nghĩa trang thôn Tây Minh Khai, kể lại.
Nghĩa trang làng Khoai nằm lọt thỏm giữa bốn bên là các nhà máy CN. |
“Ban đầu, nhiều gia đình nghĩ rằng đó là “mộ kết”, gia đình có phước lớn. Thế nhưng, quá nhiều trường hợp lặp lại hiện tượng trên khiến người dân hoang mang. Hiện tượng này xảy ra khoảng 6 – 7 năm nay. 10 ngôi mộ thì có tới 7 – 8 trường hợp người chết không hoặc chưa phân hủy hết!” – anh Kiêu cho hay.
Cũng theo anh Kiêu, trước đó, chưa bao giờ người dân làng Khoai gặp phải hiện tượng “oái oăm” như thế. Trong khi đó, tại nghĩa trang xóm Đông Minh Khai (cùng thuộc làng Khoai), người chết chỉ chon 2 – 3 năm đã hoàn toàn phân hủy sạch sẽ, chưa xảy ra hiện tượng mộ “kết giả” như nghĩa trang Tây Minh Khai.
Trước hiện tượng trên, nhiều gia đình khi có người thân mất, đã chọn phương án hỏa táng để “an toàn”.
Bán tín bán nghi!?
Trước hiện tượng trên, người dân làng Khoai cho rằng, nguyên nhân là do ảnh hưởng bởi ô nhiễm nguồn nước thải từ nhiều nhà máy xung quanh nghĩa trang, đã xả trực tiếp vào nghĩa trang. Các hóa chất độc hại đã khiến người chết không phân hủy được.
Cửa đường ống xả thải từ nhà máy may Nguyễn Hoàng đổ thẳng ra phía rảnh nước của nghĩa trang làng Khoai. |
Con đường mòn chạy vào nghĩa trang dài chừng 300 mét. Có lẽ, đây là điểm khô ráo, sạch sẽ nhất ở nghĩa trang.
Song song với con đường là rãnh nước thải ngả màu đen kịt, và sủi ngầu bọt. Anh Kiêu cho hay, vào những ngày nắng nóng, mùi hôi thối bốc lên từ rãnh nước thải không thể chịu được. Hai đường ống xả thải từ công ty may Nguyễn Hoàng vẫn trực tiếp xả nước thải ra rãnh nước.
Trưởng thôn xóm Tây Minh Khai, anh Nguyễn Đức Thăng xác nhận: “Hiện tượng trên xảy ra từ 6, 7 năm nay. Nhiều người dân khi có người thân mất đã không dám địa táng, mà mang sang mãi Hà Nội để làm dịch vụ hỏa táng.”.
Rãnh nước nằm men theo bờ tường của nhà máy may Nguyễn Hoàng. |
Trước kia, nghĩa trang làng Khoai nằm giữa khu cánh đồng, địa hình cùng cao bằng mặt ruộng. Từ khi các nhà máy xây dựng quanh nghĩa trang, đã làm mặt bằng nền móng cao hơn khiến nghĩa trang làng Khoai trở thành khu đất thấp nhất, lại bị bao bọc bốn xung quanh tường xây nên không có đường thoát nước. Vì thế, chỉ cần một cơn mưa nhỏ, nghĩa trang đã biến thành một cái… ao tù.
Ông Nguyễn Đình Phong, trưởng ban địa chính – tài nguyên môi trường (UBND thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm) cho hay: UBND thị trấn Như Quỳnh đã biết được thông tin nói trên. Ông Phong còn cho biết, vì nghĩa trang ở địa hình thấp, trũng như vậy nên chẳng may, nếu vào ngày mưa, gia đình nào có người chết sẽ rất khó khăn để tìm đất chôn cất người chết.
Trao đổi với VietNamNet, bà Vũ Thị Vòng (Trưởng phòng TN-MT huyện Văn Lâm) cho biết: Phòng chưa thể kết luận được nguyên nhân chính xác có phải do ô nhiễm nguồn nước thải của các DN xây dựng nhà máy xung quanh nghĩa trang hay không, vì kết luận đó phải có bằng chứng, có kết quả nghiên cứu các mẫu chất thải lấy từ khu vực nghĩa trang làng Khoai.
Bà Vòng cũng thừa nhận: hiện tại, cơ quan chuyên ngành cấp huyện như phòng chưa đủ nhân lực và năng lực để có thể tiến hành lấy các mẫu về để nghiên cứu, phân tích. Phải có một cơ quan, tổ chức chuyên môn làm công tác này, lúc đó mới có thể kết luận được nguyên nhân từ đâu.
Trong lúc chính cơ quan quản lý nhà nước theo lĩnh vực cũng chưa dám “lên tiếng”, người dân làng Khoai vẫn ngậm ngùi về hiện tượng không ai muốn xảy đến đối với dân làng mình.
Tuy nhiên, nguyên cớ của sự việc trên, người ta cũng chỉ dám phỏng đoán. “Chúng tôi cũng chỉ biết ý kiến lên UBND thị trấn. Còn chính xác, những chất thải hóa chất đó là gì, thì phải do các cơ quan chuyên môn họ kết luận. Nhưng, nếu cứ kéo dài mãi như thế này, thì cả người sống, người chết ở làng Khoai đều khổ!” – ông Tứ ngậm ngùi.
- Kiên Trung