Theo thông báo của hãng thông tấn Triều Tiên KCNA, chiều cao quỹ đạo vệ tinh mà CHDCND Triều Tiên dự định phóng vào trung tuần Tháng tư sẽ lên tới 500 km, nghĩa là cao hơn Trạm không gian quốc tế (ISS) 100 km.

Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên năm 2009.
Về kế hoạch phóng vệ tinh nhân tạo mang tên Kwangmyongsong-3 (Quang Minh Tinh – 3) nhờ tên lửa chuyên chở Unha-3 (Ngân Hà-3) đã được Bình Nhưỡng tuyên bố vào giữa tháng 3. Theo dự kiến vệ tinh này sẽ được đưa lên quỹ đạo trong thời gian từ 12-16 tháng 4, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành.

Hãng thông tấn Triều Tiên cho hay vệ tinh nặng 100 kg, thời gian quay theo quỹ đạo đồng bộ với Mặt trời vào khoảng 2 năm. Cũng theo KCNA, Kwangmyongsong-3 sẽ được trang bị videocamera, thu thập các số liệu gửi về Trung tâm điều khiển vệ tinh đặt tại Bình Nhưỡng.

Chủ tịch Uỷ ban công nghệ vũ trụ của CHDCND Triều Tiên nói rằng những số liệu mà vệ tinh thu được sẽ dùng  để dự báo thời tiết cho chính xác và thăm dò những khoáng sản có ích.

Tuy nhiên, sau tuyên bố của Bình Nhưỡng, trên tờ Ria, viện sĩ Viện Hàn lâm Vũ trụ LB Nga mang tên Tsiolkovski là Alexandr Zeleniakov cho rằng có những điều nói cường điệu để che giấu sự thực.

Theo ông Zeleniakov, xét theo thực lực khoa học công nghệ của Triều Tiên thì thiết bị vũ trụ của Triều Tiên chỉ có thể nặng không quá 10 kg. Về trang thiết bị mang theo vệ tinh, theo ý kiến nhiều chuyên gia, chỉ là những máy phát sóng vô tuyến điện, truyền về Trái đất những bài ca cách mạng.

Vì vậy cộng đồng quốc tế nghi ngờ rằng thực chất chương trình vũ trụ của Triều Tiên nhằm nguỵ trang cho việc thử tên lửa đạn đạo mà họ đang theo đuổi.

Tham vọng của Bình Nhưỡng bị các nước Nga, Mỹ, Nhật, Pháp và nhiều nước khác phản ứng. Tổng thư ký LHQ nhiều lần kêu gọi Triều Tiên nên xem xet lại quyết định của mình và hoãn việc phóng tên lửa tầm xa. LHQ kêu gọi Triều Tiên nên tuân thủ nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, trong đó có nghị quyết 1874 (từ năm 2009), cấm việc nghiên cứu và thử nghiệm tên lửa  trong điều kiện bảo vệ an toàn hạt nhân.

Trong khi đó, Triều Tiên nhấn mạnh ý nghĩa hoà bình của chương trình vũ trụ của họ. Đặc biệt, Bình Nhưỡng không ít lần tuyên bố mời các nhà báo và chuyên gia nước ngoài về kỹ thuật vũ trụ đến quan sát việc phóng vệ tinh.

Tuấn Hà