“Nếu Meucci có thể trả 10 USD phí duy trì bằng sáng chế sau năm 1874 thì Bell đã chẳng thế lấy được bằng sáng chế”, lời mở đầu Nghị quyết lần thứ 107 của Quốc hội Mỹ (HRes 269) vào tháng 6/2002 đã chính thức ghi nhận những đóng góp của Antonio Meucci, người được cho là đã phát minh ra điện thoại. Dù vậy, nghị quyết này vẫn bị chỉ trích có sai sót thực tế và không sửa đổi trạng thái của bằng sáng chế về điện thoại đã được cấp cho Alexander Graham Bell.
Giờ đây, khi nhắc về “cha đẻ” của điện thoại, người ta thường biết đến nhiều hơn câu chuyện bằng sáng chế gây tranh cãi vào năm 1876 giữa Alexander Graham Bell và Elisha Grey. Nhưng xét cho cùng, cả 3 nhà phát minh này đều có những đóng góp lớn và mở ra kỷ nguyên viễn thông hiện đại, đặc biệt là sự trỗi dậy của đế chế viễn thông Mỹ trong hơn một thế kỷ.
Sự trỗi dậy của Đế chế viễn thông Mỹ
Khi điện thoại phát triển, AT&T (tiền thân là Bell Telephone) và Western Electric (công ty con của AT&T) đã thống trị thị trường Mỹ. Đến những năm 1900, Western đã vươn xúc tu sang Áo, Bỉ, Canada, Trung Quốc, Đức, Pháp, Ý, Nhật Bản, Hà Lan, Nga và Vương Quốc Anh với 59% thị trường thiết bị toàn cầu vào năm 1913.
Kể từ khi thành lập vào năm 1925 và cho đến khi thoái vốn vào năm 1995, phòng thí nghiệm Bell Labs của AT&T từng được goi là “phòng thí nghiệm công nghiệp vĩ đại nhất thế giới” với các phát minh quan trọng trong thế kỷ 20 như công nghệ tế bào, công tắc kỹ thuật số, sợi quang, laser, bóng bán dẫn, pin mặt trời, truyền thông vệ tinh, cáp dưới biển và hệ điều hành UNIX.
Điều khiến hệ thống viễn thông của Mỹ hình thành một đế chế là mối quan hệ chặt chẽ như một vòng tuần hoàn khép kín từ nghiên cứu - sản xuất - thương mại, tương tự như Bell Labs, Western Electric và AT&T. Mô hình này cũng được ITT (International Telephone and Telegraph) ứng dụng và nhanh chóng trở thành một trong những công ty đa quốc gia lớn nhất thế giới. Đây là công ty mua lại đơn vị sản xuất nước ngoài của AT&T do áp lực từ Cục chống độc quyền vào năm 1925 và đến năm 1972, ITT chiếm 60% xuất khẩu thiết bị viễn thông của Pháp, thống trị ở Anh và độc quyền ở Tây Ban Nha.
Xét về quy mô, Nortel sẽ là cái tên đứng ở vị trí thứ 3 trong danh sách các tập đoàn viễn thông hàng đầu của Mỹ ở vào thời điểm hoàng kim. Ban đầu, Công ty Viễn thông Phương Bắc (tiền thân của Nortel) được Western Electric thành lập để phục vụ thị trường Canada, một phần là do bức tường thuế quan cao mà chính phủ Canada đã dựng lên. Nhưng một lần nữa, do áp lực từ Bộ Tư pháp Mỹ, Western buộc phải bán đứt Northern cho Bell Canada. Sau khi được đổi tên thành Nortel, công ty này đã phát triển nhanh chóng, đặc biệt lúc AT&T dần thoái trào vào đầu những năm 1980.
Bên cạnh những công ty kể trên, Motorola cũng là thương hiệu viễn thông gốc Mỹ được nhiều người biết đến. Có trụ sở tại Schaumburg, Illinois (Mỹ), Motorola đã từng là một trong các công ty hàng đầu, có ảnh hưởng lớn nhất trong ngành công nghiệp viễn thông và sản xuất điện thoại di động, với khẩu hiệu “Hello Moto”.
AT&T, ITT, Nortel và Motorola đã đưa Mỹ lên vị thế số 1, khi 1/3 tổng số thiết bị viễn thông trên thế giới được sản xuất tại quốc gia này, với kim ngạch xuất khẩu là 13,1 tỷ USD và thặng dư thương mại là 3 tỷ USD. Đến năm 1999, Nortel đã trở thành nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau AT&T. Đây cũng là thời điểm Motorola dự định dấn thân vào lĩnh vực truyền thông băng thông rộng, nhưng đó lại là mở đầu cho sự sụp đổ của cả một đế chế viễn thông kéo dài hàng thế kỉ.
Cái chết của những con thiên nga…
Với sự suy tàn của Motorola, điều đáng chú ý là lịch sử của nó đi theo một mô hình tương tự về đổi mới, thống trị và sụp đổ. Đến năm 2020, thị trường Mỹ chỉ còn 4 công ty viễn thông quốc gia tự cạnh tranh lẫn nhau là AT&T, Verizon, T-Mobile, Sprint. Trong đó T-Mobile thuộc Deutsche Telekom AG của Đức, còn Sprint nằm dưới trướng Tập đoàn Softbank Nhật Bản. Hai công ty này đã tiến hành hợp nhất vào giữa năm 2020 và cái tên Sprint chính thức biến mất khỏi thị trường, làm cho miếng bánh viễn thông Mỹ lại bị chia phần bởi các thương hiệu nước ngoài.
Thật khó có thể hình dung được nguyên nhân tại sao những đế chế viễn thông quy mô của Mỹ lại có thể sụp đổ một cách chóng vánh đến vậy. Nhất là khi xu hướng viễn thông không dây với kết nối 5G đang trở nên phổ biến, sự tụt hậu của Mỹ trong lĩnh vực này khiến những quyết định lịch sử từng gây tranh cãi lại một lần nữa hiện ra trước mắt dư luận.
Trước khi Motorola rời bỏ thị trường, Lucent Technologies – công ty được thành lập vào năm 1995 bởi chính AT&T sau khi bị Bộ Tư pháp chèn ép và buộc phải chia tách thành 7 công ty khu vực (RBOC). Năm 1999, Lucent là công ty thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, đạt doanh thu 38,3 tỷ USD, lợi nhuận 4,8 tỷ USD và sử dụng 153.000 công nhân, đồng thời kiểm soát nhiều bằng sáng chế hơn bất kỳ công ty nào khác. Tuy vậy, thương hiệu này đã nhanh chóng sụp đổ chỉ sau một khoảng thời gian ngắn.
Câu chuyện của Nortel cũng tương tự. Trong phần lớn cuộc hành trình, Nortel chủ yếu phục vụ thị trường Canada có quy mô khiêm tốn. Mãi cho đến khi tòa án ra lệnh mở cửa thị trường Mỹ vào những năm 1980, doanh số bán hàng tại đây của Nortel mới thành công. Đạo luật Viễn thông năm 1996 đã giúp Nortel tăng gấp đôi doanh thu từ 1997-2000, nhưng giống như Lucent, Nortel bị ảnh hưởng bởi “sự gia tăng nhanh chóng của nguồn nhân lực, dẫn đến tăng chi phí và bị ăn cắp công nghệ” khiến định giá 136 tỷ USD vào năm 1999 chỉ còn 14 tỷ USD trong năm 2002, cuối cùng là phá sản vào năm 2008.
Ai bức tử ngành viễn thông Mỹ?
Từng có một thời kỳ huy hoàng kéo dài không có đối thủ nào cạnh tranh được, các công ty viễn thông Mỹ đang quay dần lại điểm xuất phát ban đầu và bị o bế ngay chính thị trường quốc nội. Trong khi những thương hiệu khác từ Thụy Điển, Canada, Hàn Quốc, Trung Quốc chực chỉ thị trường, các công ty viễn thông Mỹ chỉ còn cách co mình dưới sự bảo hộ thương mại. Nguồn cơn từ đâu?
Nhiều quan điểm cho rằng các công ty viễn thông Mỹ thất bại hoặc bị mua lại là do quản lý yếu kém. Nếu vận hành tốt hơn, câu chuyện sẽ có thể diễn ra theo hướng khác. Theo Tim Dempsey, cựu CEO của Nortel từng nhận định: “văn hóa dựa trên nỗi sợ và hệ thống quản lý đã tạo ra môi trường cho phép đưa ra những quyết định kém cỏi là điều không thể tránh khỏi. Nhưng thực tế, đây chỉ là lời tự an ủi vụng về, bởi không phải ngẫu nhiên những công ty này, ví dụ như Nortel, có thể trở thành một trong những hãng viễn thông hàng đầu thế giới.
Một quan điểm khác lại nhận định, những công ty này được tạo thành từ Bellheads (mạng viễn thông tập trung truyền thống), không phải là Netheads (nhóm ủng hộ nền tảng Internet đối lập với Bellheads) của Thung lũng Silicon, những người đang thay đổi thế giới bằng công nghệ Internet. Có điều, họ không thua các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon và thua chính những công ty Bellheads của châu Âu và Trung Quốc.
Nguyên nhân chính gây ra sự sụp đổ của các công ty viễn thông Mỹ là do các yếu tố quản lý và văn hóa, là tác động của những thách thức gây ra bởi sự áp đặt hệ thống kinh tế Anh-Mỹ, là thất bại mang tính hệ thống từ chính sách phân tách doanh nghiệp nhằm chống độc quyền và chính sách đối ngoại của chính phủ Mỹ.
Tất nhiên, sự bành trướng theo lộ trình trong chính sách công nghiệp nước ngoài của Trung Quốc, cũng khiến các hãng viễn thông Mỹ trở nên đuối sức trước sự cạnh tranh mang tính áp đảo từ đối thủ. Không những vậy, chính các biện pháp kiểm soát xuất khẩu – điều vẫn được áp dụng dưới thời chính quyền ông Trump và tân Tổng thống Biden –đã vô tình chặn đứng cơ hội phát triển của các công ty viễn thông Mỹ. Từ đây, các công ty viễn thông Mỹ dần trở nên tụt hậu và thậm chí không còn có cơ hội để tự xoay mình…
Điệp Lưu