- Bộ GD-ĐT cho biết sẽ trình Chính phủ ban hành đề án Dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2017 - 2025 trên cơ sở sửa đổi đề án của giai đoạn 2008 - 2020 (Đề án ngoại ngữ 2020).
Học sinh theo chương trình tiếng Anh 10 năm "tăng đáng kể"
Báo cáo của Bộ GD-ĐT tại hội nghị tổng kết năm học 2016 - 2017 và triển khai công tác năm học 2017 - 2018 cho thấy trong năm qua số học sinh phổ thông học theo chương trình "tiếng Anh 10 năm" là 4.918.488 em, tăng đáng kể so với năm học 2015 - 2016.
Trong đó, số học sinh THPT là 99.855/2.477.175 em (chiếm 4,03%), số học sinh THCS là 1.815.144/5.235.524 em (chiếm 34,7%), số học sinh TH lớp 3, 4, 5 là 2.175.517/4.670.935 em (chiếm 46,7%).
Tiếng Anh tăng cường tiếp tục được triển khai tại một số địa phương và các trường đại học, cao đẳng.
Thống kê của Bộ GD-ĐT tại báo cáo tổng kết năm học 2016 - 2017 |
Bộ đã giao 10 đơn vị nòng cốt về đào tạo giáo viên ngoại ngữ phối hợp với các sở giáo dục và đào tạo triển khai nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ các cấp phổ thông với tổng số chỉ tiêu bồi dưỡng là 5.940 giáo viên; xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên, giảng viên tiếng Anh theo Khung năng lực giáo viên tiếng Anh ETCF.
Bên cạnh đó, đã tiếp tục xây dựng các định dạng đề thi, ngân hàng câu hỏi thi, đề thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo các định dạng đề thi đánh giá năng lực tiếng Anh của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Tiếp tục đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và học ngoại ngữ tại một số trường đại học, hệ thống trang thiết bị đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng giáo viên, giảng viên ngoại ngữ trực tuyến; phát triển mô hình cộng đồng học tập ngoại ngữ tại các đơn vị, đặc biệt là đối với các trường trung cấp, cao đẳng, đại học.
Các địa phương và cơ sở đào tạo tiếp tục triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân; nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh với bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và triển khai phần tự luận trong các bài kiểm tra viết, vận dụng định dạng đề thi tiếng Anh đối với học sinh học chương trình tiếng Anh theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020; phối hợp với tổ chức, cá nhân, giáo viên nước ngoài tham gia dạy ngoại ngữ ở các trường phổ thông (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Bắc Giang...). Hầu hết các cơ sở đào tạo đã xây dựng và công bố chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho từng ngành đào tạo.
Một số địa phương đã tổ chức các hoạt động để nâng cao chất lượng dạy, học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh thông qua việc đánh giá năng lực đầu ra bậc 2 đối với học sinh lớp 9; bậc 3 đối với học sinh lớp 12; thí điểm dạy một số môn khoa học tự nhiên (Toán, Vật lý) bằng tiếng Anh ở một số cơ sở giáo dục phổ thông; tổ chức các cuộc thi hùng biện bằng tiếng Anh để nâng cao chất lượng, phát triển kỹ năng giao tiếp cho học sinh.
Các đại biểu tham dự hội nghị sáng 21/8 ở đầu cầu Hà Nội. Ảnh: Thanh Hùng |
Bộ GD-ĐT nhận định việc triển khai chương trình ngoại ngữ mới ở giáo dục phổ thông còn lúng túng, số lượng học sinh được học theo Chương trình ngoại ngữ mới còn thấp so với mục tiêu của giai đoạn.
Chưa có giải pháp cụ thể trong dạy và học ngoại ngữ ở các vùng miền, địa phương khác nhau dẫn đến việc nâng cao chất lượng giáo viên đạt chuẩn tại tất cả các địa phương trở nên khó khăn.
Bộ GD-ĐT cũng xác nhận hiện tượng nhiều sinh viên trước khi ra trường và thậm chí sau khi tốt nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu về năng lực ngoại ngữ.
Sửa đổi đề án ngoại ngữ 2020
Bộ GD-ĐT xác định 4 giải pháp chính để nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo trong năm học 2017 - 2018.
Trước hết, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 - 2025 (sửa đổi Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020).
Tiếp theo, hoàn thiện các định dạng đề thi theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, ưu tiên các định dạng hỗ trợ thi trên máy tính và thi trực tuyến; từng bước hoàn thiện, phát triển ngân hàng đề thi ngoại ngữ quốc gia. Ban hành quy chế thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Bên cạnh đó, đa dạng hóa các chương trình, sách giáo khoa, học liệu và hình thức đào tạo, bồi dưỡng nhằm đáp ứng mục tiêu đào tạo và nhu cầu học tập ngoại ngữ của học sinh, sinh viên; quan tâm xây dựng và phát triển môi trường thực hành ngoại ngữ thông qua phát triển các cộng đồng học tập ngoại ngữ.
Một giải pháp quan trọng nữa là tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ, đặc biệt là đội ngũ giáo viên ngoại ngữ phổ thông đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình ngoại ngữ hệ 10 năm; rà soát, thống nhất chương trình, tài liệu, học liệu đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với đối tượng, cấp học; chú trọng phương thức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến; thực hiện công tác khảo thí ngoại ngữ đảm bảo minh bạch, khách quan, công bằng.
Song Nguyên