Ung thư túi mật

    Ung thư túi mật là ung thư xuất phát từ các tế bào ở túi mật.

    Túi mật là cơ quan nhỏ hình quả lê nằm ở hạ sườn phải, bên dưới gan. Nó có chức năng dự trữ dịch mật-một loại dịch tiêu hóa được sản xuất từ gan.

    Ung thư túi mật có nguy hiểm không? Ung thư túi mật là bệnh khá hiếm gặp. Tuy nhiên nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm thì khả năng chữa khỏi bệnh là rất cao. Nhưng đa số ung thư túi mật được phát hiện ở giai đoạn muộn nên điều trị và tiên lượng thường rất xấu.

    Ung thư túi mật là bệnh khó chẩn đoán do bệnh thường không có các triệu chứng đặc hiệu. Ngoài ra vị trí bị che lấp bởi gan tự nhiên của túi mật tạo điều kiện cho ung thư túi mật phát triển mà không bị phát hiện.

    • Các bệnh nhân có tiền sử sỏi mật, đặc biệt là sỏi mật tái phát nhiều lần
    • Bệnh nhân có tiền sử polyp túi mật
    • Người hút thuốc lá
    • Người nghiện rượu
    • Người có người thân trong gia đình bị ung thư túi mật

    Dấu hiệu ung thư túi mật thường gặp bao gồm:

    • Đau bụng: đau thường bắt đầu từ vùng hạ sườn phải sau lan ra khắp bụng

    • Chướng bụng: Bụng chướng do dịch

    • Sốt

    • Giảm cân không rõ nguyên nhân: giảm > 10% trọng lượng cơ thể mà không rõ nguyên nhân

    • Nôn, buồn nôn: có thể nôn ra dịch mật màu vàng, vị đắng

    • Vàng da và củng mạc mắt vàng

    • Bệnh nhân có thể tự sờ thấy khối ở vùng bụng phải

    Ngoài ra khi ung thư túi mật di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể sẽ có các biểu hiện tại cơ quan đó:

    • Di căn phổi: khó thở, ho ra máu, tràn dịch màng phổi…

    • Gan: đau hạ sườn phải, vàng da, …

    • Xương: đau xương, gẫy xương bệnh lý

    • Não: đau đầu, rối loạn ý thức, động kinh, liệt..

    Ung thư túi mật được chia làm 4 giai đoạn phụ thuộc vào tính chất khối u, sự di căn hạch và di căn xa:

    • Ung thư túi mật giai đoạn 1: Khối u khu trú ở túi mật, không di căn hạch và di căn xa

    • Ung thư túi mật giai đoạn 2: Khối u xâm lấn các mô liên kết xung quanh, không di căn hạch và di căn xa

    • Ung thư túi mật giai đoạn 3 A: Khối u xâm lấn vượt qua thành túi mật nhưng chưa tới động mạch và tĩnh mạch gần đó. Không có di căn hạch và di căn xa.

    • Ung thư túi mật giai đoạn 3 B: Khối u di căn hạch vùng nhưng không tới các động mạch và tĩnh mạch gần đó. Không có di căn xa

    Ung thư túi mật giai đoạn cuối: ung thư lan tới động tĩnh mạch gần đó và/hoặc hạch vùng nhưng chưa có di căn xa. Hoặc khối u di căn xa đến các cơ quan khác

    Nguyên nhân ung thư túi mật hiện nay chưa được biết rõ. Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh bao gồm:

    • Sỏi mật: Sỏi mật là yếu tố nguy cơ phổ biến nhất của ung thư túi mật. Sỏi mật cũng là bệnh lý đường tiêu hóa thường gặp nhất ở Mỹ và 75-90% bệnh nhân ung thư túi mật có tiền sử sỏi mật. Tuy nhiên nhỏ hơn 1% bệnh nhân sỏi mật tiến triển thành ung thư túi mật. Hiện nay nguyên nhân một số bệnh nhân sỏi mật xuất hiện ung thư túi mật trong khi đa số bệnh nhân sỏi mật khác thì không vẫn chưa được biết rõ.
    • Polyp túi mật:  các polyp túi mật lớn hơn 1 cm được khuyến cáo cắt bỏ bởi vì có khả năng cao tiến triển thành ung thư.
    • Tuổi: đa số bệnh nhân ung thư túi mật được chẩn đoán lớn hơn 70 tuổi
    • Giới tính: ung thư túi mật xảy ra ở nữ gấp 2 lần ở nam
    • Hút thuốc lá: hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc ung thư đường mật
    • Tiền sử gia đình: Tiền sử gia đình có người thân bị ung thư túi mật là yếu tố nguy cơ của bệnh