Xã Pa Vệ Sủ có 12 bản, với gần 800 hộ, chủ yếu dân tộc La Hủ sinh sống nằm tít tắp ở huyện biên giới Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Địa hình không bằng phẳng, khí hậu khắc nghiệt khiến những thửa ruộng chỉ có thể canh tác 1 vụ lúa, trảng nương bạc màu bỏ trống ngày càng nhiều. Cuộc sống khó khăn, tỷ lệ nghèo rất cao.

Quyết tâm xây dựng quê hương Pa Vệ Sủ vươn lên, từ đó góp phần cải thiện đời sống cho bà con, chính quyền địa phương đã lựa chọn mô hình trồng dược liệu tán rừng. Thế là, cùng với chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng truyền thống và phát triển chăn nuôi đại gia súc; trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng để hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, xã định hướng, vận động Nhân dân đầu tư trồng sâm. Cùng với đó, tạo điều kiện để các doanh nghiệp vào khảo sát, trồng sâm dưới tán rừng và trong nhà lưới. 

Với nhiều lợi thế về địa hình, thổ nhưỡng và khí hậu cũng như thực hiện kế hoạch của UBND huyện về Đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trên địa bàn xã đã có 4 doanh nghiệp, 4 bản trồng sâm tập trung, còn lại trồng rải rác với diện tích ước 15ha.

Với những phương án, lộ trình cụ thể, sức sống mới từ cây sâm Lai Châu ở Pa Vệ Sủ đang tiếp sức cho các bản làng vùng biên Mường Tè vươn lên.

Kinh tế được cải thiện, hộ giảm giảm, chính quyền xã bắt tay nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

W-pavesu.png
Nghề thủ công, đan lát truyền thống cũng được khuyến khích phát triển, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa của các dân tộc sinh sống trên địa bàn Pa Vệ Sủ.

Lãnh đạo xã Pa Vệ Sủ cho hay, xã tuyên truyền, vận động người dân tích cực hưởng ứng phong trào; hướng dẫn đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, bản văn hóa gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và phong trào xây dựng nông thôn mới. Từ đó, giúp bà con nhận thức đầy đủ về các nội dung, tiêu chuẩn để xây dựng đời sống văn hóa, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn của xã ngày càng đổi mới, đời sống của người dân được nâng cao, công tác giảm nghèo đạt hiệu quả”.

Để phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đạt hiệu quả, xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và hương ước, quy ước của bản. Nêu cao ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như: lễ mừng cơm mới, lễ cúng bản, tết cổ truyền của người La Hủ. Nghề thủ công, đan lát truyền thống cũng được khuyến khích phát triển, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa của các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Từng bước đẩy lùi các hủ tục, mê tín dị đoan. 

Nhờ đó, tới nay Pa Vệ Sủ đã có  699 hộ/797 hộ đạt gia đình văn hóa, 11/12 bản đạt danh hiệu bản văn hóa, 100% đơn vị, nhà trường đạt danh hiệu văn hóa. 

Đây là những "viên gạch" đầu tiên để Pa Vệ Sủ sớm vươn tới đạt được đầy đủ các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới bền vững.