Từ khi bỏ nhà nước ra ngoài buôn bán mỹ phẩm, vợ tôi bỗng biến thành người chỉ biết tới tiền. Câu nói của cô ấy với gia đình tôi khiến tôi không chịu nổi.

Hai vợ chồng tôi kết hôn năm 2000, đến nay đã được 15 năm. Trước đây cuộc sống hai vợ chồng khá hạnh phúc dù đời sống vật chất giản dị. Nhưng cuối năm 2010, vợ tôi bỏ việc nhà nước ra ngoài mở cửa hàng mĩ phẩm vì cô ấy chê lương nhà nước thấp quá. Ban đầu tôi phản đối dữ dội lắm bởi vị trí của cô ấy dù lương thấp nhưng biết bao người nhòm ngó không được. Cuối cùng cô ấy vẫn quyết tâm làm, tôi không còn cách nào khác ngoài việc im lặng và ủng hộ vợ.

{keywords}

Ảnh minh họa.

Cô ấy vay hơn 200 triệu để nhập hàng và mở một cửa hàng khá rộng trên phố, thời điểm đó sự cạnh tranh chưa khốc liệt gay gắt như bây giờ nên cô ấy làm ăn khá tốt. Trước đây khi làm ở cơ quan nhà nước vợ tôi cũng có quan hệ rộng nên nhiều khách hàng tin tưởng mua sắm. Chỉ trong thời gian ngắn, cô ấy trả hết nợ và bắt đầu tích lũy, điều kiện kinh tế của gia đình cũng tốt dần lên.

Trước đây hồi kinh tế còn đơn giản thì vợ tôi là người chu toàn và quan tâm đến mọi người lắm, nhất là bố mẹ chồng, lễ tết bao giờ cô ấy cũng lo sắm sửa đầy đủ cho bố mẹ dù phải vay tiền. Hai bên họ hàng nội ngoại ai cũng khen. Nhưng bây giờ hàng hóa bận rộn, cô ấy ít quan tâm, gia đình tôi lúc nào cũng quạnh vắng đến 30 Tết mà nhà chả có cái gì.

Vợ tôi thay vì mua quà Tết thì vẫn gửi tiền cho bố mẹ tôi sắm sửa ở quê với lý do bận rộn, mọi người rất thông cảm cho cô ấy. Nhưng bây giờ vợ tôi trở về nhà và tỏ thái độ hách dịch khó chịu, cô ấy rất hay coi thường tôi vì không kiếm được nhiều tiền bằng mình.

Hôm trước hai vợ chồng cãi nhau, khi đề cập đến tiền, cô ấy bảo: “Từ trước đến nay không có tay tôi thì gia đình anh có sống nổi không, từ bố mẹ đến anh chị em anh, cái gì cũng phải gọi tôi. Tôi có phải là osin nhà anh đâu mà cứ lợi dụng người ta mãi thế? Toàn người sức dài vai rộng mà lúc nào cũng đi bám váy một con đàn bà khác mà không biết nhục”.

Sững sờ, tôi đã đi vay tiền để trả lại cho vợ tôi những khoản mà cô đã cho gia đình tôi. Đáp lại, cô chẳng nói câu gì mà bảo: “Đã nghèo lại còn sĩ, xem sống được bao lâu”. Tôi muốn ly dị ngay lập tức nhưng các con tôi cứ khóc lóc xin tôi hãy vì chúng mà nghĩ lại, tôi thấy bối rối quá. Tiền đã làm cho vợ tôi thoái hóa biến chất thế này thì làm sao mà vợ chồng tôi còn hạnh phúc được nữa. Xin cho tôi lời khuyên (Nguyễn)

{keywords}

Ảnh minh họa.


Chia sẻ với băn khoăn của độc giả Nguyễn, chuyên gia tư vấn Nguyễn Minh Anh tư vấn:

Trong hoàn cảnh của anh, đúng là vật chất kinh tế đã làm đảo lộn cuộc sống và hạnh phúc gia đình. Trách hoàn cảnh chủ quan hay khách quan thì giờ mọi việc đã xảy ra. Có thể trước đây vợ anh là một người làm tròn trách nhiệm chứ không hẳn cô ấy đã cảm thấy vui vẻ vì những điều đó. Cho đến bây giờ khi điều kiện kinh tế đã chủ động rồi thì cô ấy thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ của mình. Nhưng dù thế nào đi nữa, thì đó cũng là một điều khó có thể chấp nhận khi cô ấy tỏ ra coi thường và sỉ nhục mọi người.

Chuyện cô ấy lo lắng cho hai bên bố mẹ là chuyện hiếu nghĩa đương nhiên, hơn nữa, đó cũng là sự tự nguyện của cô ấy chứ không ai bắt ép. Vì thế anh cần thẳng thắn nói rõ quan điểm để vợ anh hiểu chuyện.

Trong cuộc sống vợ chồng, điều quan trọng là sự tôn trọng bình đẳng với nhau. Khi cô ấy kiếm tiền thì tôi tin rằng anh ở nhà cũng làm trọn vẹn các công việc gia đình chăm sóc con cái để vợ yên tâm tập trung buôn bán. Mỗi người sẽ có những khả năng riêng của mình nên không thể vì người này kiếm nhiều tiền hơn để rồi coi thường nhau.

Nếu thấy cuộc sống vợ chồng không thể hòa hợp được, anh có thể nghĩ đến chuyện ly dị nhưng anh cần chuẩn bị trước tinh thần và chia sẻ để cho con cái hiểu và không cảm thấy mất mát khi chúng vẫn có bố mẹ yêu thương chăm sóc anh nhé. Chúc anh mọi điều tốt lành.

(Theo Pháp luật Việt Nam)