Có lớp học, chỉ lác đác vài người tới lớp. Gần đến Tết Âm lịch, tinh thần học tập đã bắt đầu rã đám.

Đến hẹn lại... bùng

Mặc dù còn gần một tháng nữa mới đến Tết Nguyên Đán, nhưng tại nhiều trường ĐH, lượng sinh viên đến lớp dần trở nên ít đi. Ngọc Tân (SV năm nhất, khoa Marketing, ĐH Thương Mại) bộc bạch: “Bình thường, lớp mình, mọi người đi học tương đối khá đầy đủ. Nhưng độ 2 tuần trở lại đây, sĩ số chỉ dao động khoảng 30 bạn. Có hôm, chỉ được gần 1/3 lớp đi học. Tuy nhiên, nhiều môn thầy cô khá dễ tính, không điểm danh, nên một tuần 6 buổi, các bạn ấy đã vắng mặt một nửa rồi”.
 
Lớp học chưa tới 1/3 sĩ số (Ảnh: Dân tin)

Ngoài lý do bỏ tiết do tâm lý rệu rã, không ít bạn nghỉ học để tranh thủ kiếm tiền vào cuối năm. Công việc chủ yếu là bán quần áo.
Thi Nga (SV năm nhất - ĐH Văn Hóa) nói: "Cuối năm chỗ nào cũng đại hạ giá, nên tuyển SV nhiều lắm. Đủ loại: phát tờ rơi, bán hàng, giao hàng đến các đại lý… Đi làm thêm vừa có tiền, vừa có không khí Tết. Sắp về quê rồi, mình cũng cố phải cố kiếm chút ít để mua quà cho bố mẹ. Với lại, cuối năm rồi, ai cũng thế cả, học không vào đâu".
 
SV đi làm thêm cuối năm (Ảnh: Dân tin)


Hoàng Tuấn (quê Nam Định, ĐH Công Đoàn) cũng tranh thủ làm chân chạy xe ôm đi giao các thùng bánh kẹo, bia hơi đến các cửa hàng. "Ngoài mức lương 1 triệu/nửa ngày và chi phí xăng xe, mình còn được 15 nghìn/thùng nếu họ đăng ký lấy thêm. Nhu cầu hàng hóa của các đại lý rất lớn, nên mình kiếm được cũng khá. Nhưng sáng đi làm đến tận 12 giờ trưa, nên nhiều hôm mệt quá, mình không đến lớp” - Tuấn cho hay.

Ngoài Bắc, sinh viên lười đến trường còn vì trời lạnh cóng. Dù nhà chỉ cách trường 2km, nhưng với T. Công (Khoa Tiếng Anh, ĐH Hà Nội), "con đường dài nhất thế giới là con đường từ giường ngủ tới trường". Mai Hoa (SV năm nhất, ĐH Thương Mại) lại nêu một lý do hài hước: "Ngủ lấy sức... về quê ăn Tết cho năng suất!"

Nháo nhào cuối năm

Cuối năm thường là thời điểm thi cử dồn dập, sinh viên dù nghỉ học ít hay nhiều đều có nguy cơ bỏ lỡ những thông tin quan trọng. Bạn bè trong lớp không kịp nhắc, thành ra nhiều nhân đã bị “dính chưởng”. Hoàng Tuấn vì ham tranh thủ kiếm tiền, nghỉ quá số tín chỉ cho phép, đành ngậm ngùi học lại. Hay Phương Mai (ĐH Công Đoàn) bị mất điểm bài thi cuối kỳ bởi vội vàng bùng tiết chạy sô làm thêm.
Nghỉ học quá nhiều sẽ khiến kiến thức bị hổng và tụt hậu dần. Vì thế, cho dù tranh thủ kiếm tiền mùa cao điểm, bạn hãy nhớ cân bằng để tránh hậu quả đáng tiếc.

Theo Dân tin