Rau ngót không chỉ là một loại rau lành mà còn có nhiều công dụng chữa bệnh cho trẻ nhỏ mẹ nên biết.
Trong các loại rau, rau ngót là loại có nhiều chất bổ dưỡng tốt cho bé yêu. Đây là loai giàu vitamin nhóm B, nhiều đạm, vitamin C và beta carotene. Lượng vi chất này sẽ được chuyển hóa trong cơ thể thành vitamin A giúp mắt bé thêm tinh anh và có sức khỏe tốt. Vitamin C giúp bé tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật. Vitamin nhóm B trong rau ngót giúp bé tăng cường chuyển hóa, đạm cần trong giai đoạn tăng trưởng nhanh.
Ngoài việc cung cấp cho cơ thể nhiều vitamin và muối khoáng, canxi, photpho, vitamin C, rau ngót còn có một lượng chất đạm (protid) đáng kể. Theo Đông y, rau ngót có nhiều công dụng chữa bệnh cho trẻ nhỏ. Dưới đây là một vài tác dụng của rau ngót với trẻ mà mẹ nên biết.
1. Trị đái dầm ở trẻ nhỏ
Rau ngót là bài thuốc công hiệu giúp trị chứng đái dầm ở trẻ nhỏ. Mẹ chỉ cần mua khoảng 40g rau ngót, rửa sạch, giã nát. Sau khi đã giã nát rau ngót, mẹ cho một ít nước đun sôi để nguội vào chỗ rau đã giã. Mẹ khuấy đều, sau đó để lắng và gạn lấy nước uống. Phần nước gạn được, mẹ chia làm hai lần để uống, mỗi lần uống cách nhau khoảng 10 phút. Mẹ có thể sử dụng máy xay sinh tố hoặc cối để giã, tuy nhiên dù dùng bất kỳ dụng cụ nào, mẹ cần phải đảm bảo vệ sinh tránh để bé bị nhiễm bệnh vì vi khuẩn.
2. Chữa tưa lưỡi cho trẻ
Tưa lưỡi là một hiện tượng khó tránh ở trẻ nhỏ nếu mẹ không để ý vệ sinh răng miệng cho bé. Trước đây, theo quan niệm dân gian, khi trẻ bị tưa lưỡi chỉ cần bôi một ít mật ong là khỏi. Tuy nhiên, hiện nay theo khuyến cáo của các bác sỹ nhi khoa, trẻ dưới 1 tuổi mẹ không nên cho con dùng mật ong, tránh gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bé. Các mẹ không cần phải quá lo lắng, bởi rau ngót được được xem là cách trị tưa lưỡi hiệu quả ở trẻ nhỏ.
Trị tưa lưỡi cho bé yêu là một trogn các tác dụng của rau ngót mà các mẹ nên ghi nhớ (Ảnh minh họa) |
Chỉ qua một vài bước sơ chế đơn giản, mẹ có thể tạo ra nước thuốc bổ, rẻ cho bé yêu. Các mẹ hãy rửa sạch rau ngót, sau đó giã nhỏ rồi cho 1 ít nước đã đun sôi để nguội vào lọc lấy nước. Sau khi đã chắt lấy nước, mẹ dùng một chiếc khăn xô sạch thấm nước đó lau lưỡi, lợi miệng cho bé ngày 3-4 lần vào buổi sáng, sau khi ăn và trước khi ngủ. Nếu không muốn dùng đến khăn, mẹ có thể sử dụng chính tay của mình, nhưng cần đảm bảo phải rửa tay sạch sẽ trước khi bôi lên lưỡi bé. Mẹ hãy làm liên tục việc này trong khoảng 4 – 5 ngày sẽ có hiệu quả.
3. Liều thuốc tốt cho trẻ hay bị đổ mồ hôi trộm
Nếu các mẹ để ý, nhiều trẻ có xu hướng ra nhiều mồ hôi đặc biệt ở phía sau gáy vào ban đêm. Nguyên nhận khiến trẻ bị như vậy là do thiếu vitammin D hoặc bố mẹ ủ ấm con quá kỹ khiến trẻ bị nóng. Những dấu hiệu và triệu chứng để xác định trẻ mắc chứng mồ hôi trộm thường gặp là trẻ quấy khóc nhiều vào ban đêm, ngủ không yên giấc, hay giật mình thức giấc nửa đêm. Các mẹ cần hết sức để ý, việc trẻ bị đổ hôi quá nhiều dù thời tiết nóng hay lạnh cũng là một trong những nguyên nhân khiến bé bị viêm đường hô hấp, viêm phổi.
Một trong những bài thuốc hiệu quả giúp mẹ trị chứng đổ mồ hôi trộm ở trẻ nhỏ là rau ngót. Mẹ hãy lấy khoảng 30g rau ngót, 30g bầu đất, 1 quả bầu dục lợn rồi nấu canh cho trẻ ăn. Đây không chỉ là món canh ngon, bổ dưỡng cho trẻ, nó còn là bài thuốc kích thích ăn uống ở những trẻ biếng ăn.
4. Trị táo bón
Trị táo bón là một trong các tác dụng của rau ngót được nhiều người công nhận. Vì bộ máy tiêu hóa của trẻ chưa thực sự hoàn thiện nên việc bị táo bón thường xuyên là hoàn toàn dễ hiểu, đặc biệt là trong thời tiết mùa đông. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ, do chưa hiểu biết đúng nên mỗi lần thấy con táo bón là ‘lo sốt vó’, tìm đủ biện pháp từ đông đến tây y những mong giúp con mau cải thiện tình hình. Trước vấn đề này của trẻ, mẹ không nên vội vàng cho trẻ uống thuốc, mà hãy nghiên cứu các bài thuốc dân gian trị táo bón cho trẻ, trong số đó các mẹ nên thử áp dụng mẹo chữa bệnh với rau ngót.
Mẹ nên nấu canh rau ngót để giải độc và chữa trị cho trẻ. Mẹ có thể tham khảo cách nấu một số món canh rau ngót cho bé như: canh rau ngót nấu bầu dục, canh rau ngót thịt heo,…
5. Chữa chảy máu cam
Dân gian vẫn thường dùng lá rau ngót rửa sạch, giã nát, lọc lấy nước cho trẻ uống, bã đắp vào thóp sẽ có công hiệu.
(Theo Khám phá)