Vụ án tham nhũng Vinashin chưa khép lại sau phiên phúc thẩm tháng 8/2012. Cảnh sát tiếp tục ròng rã hàng ngàn ngày theo dấu, gần ba năm sau đó mới bắt được một con “cá lớn” khác trong vụ án chiếm đoạt gần 18,6 triệu USD (tương đương 400 tỷ đồng) khi đối tượng đang lẩn trốn ở Singapore.
Sau năm năm trốn nã, ngày 7/7/2015 vừa qua, Giang Kim Đạt (SN 1977, quê Thái Thượng, Thái Thụy, Thái Bình, HKTT tại phường Bình An, quận 2, TP.HCM) nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn dương Vinashin (gọi tắt Vinashinlines), thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin - nay là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy) bị bắt.
Đạt là một trong hai đối tượng bị truy nã trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản; Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; Che giấu tội phạm tại công ty này.
Bất ổn xảy ra tại Vinashin được xác định từ cuối năm 2009, khi tập đoàn này nợ gần 19.900 tỷ đồng. Tháng 8/2010, Tổng cục An ninh II (nay là Tổng cục An ninh) xác lập chuyên án điều tra những hành vi sai phạm trong quản lý kinh tế của một số cá nhân tại Vinashin và khởi tố 12 vụ, 39 bị can, bắt tạm giam 30 bị can và truy nã hai đối tượng.
Đối tượng Giang Kim Đạt |
Phần một vụ án đã khép lại sau phiên tòa phúc thẩm cuối tháng 8/2012, với tổng mức án hơn 100 năm tù dành cho các bị cáo, mức bồi thường dân sự lên đến gần 1000 tỷ đồng.
Trước khi bị khởi tố, Đạt đánh hơi sẽ bị bại lộ nên “cao chạy xa bay”. Ngày 23/8/2010, công an ra quyết định khởi tố bị can đối với Đạt, đồng thời ra quyết định truy nã và gửi thông báo truy nã đến Interpol.
Theo CQĐT, quá trình truy bắt, Tổng cục An ninh chỉ đạo Cục An ninh kinh tế tổng hợp phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Interpol áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ truy tìm Đạt nhưng không có kết quả.
Lật lại khối tài sản khổng lồ của người thân trong gia đình Đạt, CQĐT đã phát hiện những giao dịch bất minh lên đến hàng chục triệu USD của ông Giang Văn Hiển (SN 1950, bố Đạt) tại các ngân hàng trong và ngoài nước.
Ngoài ra, CQĐT còn làm rõ Đạt có tới 40 bất động sản đứng tên người thân. Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam bố Đạt để điều tra về tội “chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, “che giấu tội phạm” và phong tỏa tài khoản, kê biên 40 bất động sản trên toàn quốc để thu hồi tài sản cho Nhà nước. Ngày 23/1/2015, cơ quan điều tra bổ sung truy nã quốc tế tội “tham ô tài sản” đối với Đạt.
Quá trình truy xét, CQĐT đã dựng được hành trình trốn chạy của Giang Kim Đạt từ Singapore sang Thái Lan, Trung Quốc và nhiều nước khác, điểm dừng chân lâu nhất là Singapore. Được sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan an ninh Singapore và Interpol, CQĐT phát hiện Đạt sống tại một căn hộ cao cấp trị giá hơn 3 triệu USD ở nước này.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Trần Đại Quang, một cuộc họp khẩn được tiến hành ngay trong đêm. Một tổ công tác đặc biệt của Tổng cục An ninh do Trung tướng Trình Văn Thống trực tiếp chỉ đạo được giao nhiệm vụ ra nước ngoài phối hợp với cảnh sát nước bạn truy bắt Đạt.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Đình Thuận, Cục trưởng Cục An ninh Kinh tế Tổng hợp chia sẻ, một trong yếu tố thành công trong chuyên án bắt giữ Giang Kim Đạt là “nguyên tắc bí mật trong đánh án”.
“Việc anh em ra nước ngoài công tác luôn được giữ bí mật tuyệt đối, ngay cả vợ, con cũng không biết các thành viên của tổ công tác đi đâu, làm gì. Sau những chuyến công tác, không ít anh em trinh sát cũng phải “giải trình” với vợ con. Nhưng cũng may, những người vợ ấy thường hiểu công việc của chồng nên không “truy xét” tới nơi”, Tướng Thuận chia sẻ.
Quá trình truy bắt Đạt, sự bất đồng về ngôn ngữ, điều kiện tác nghiệp hạn chế cũng như việc xác minh các mối quan hệ của đối tượng ở nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn.
Trong những ngày đó, lúc nào các trinh sát luôn “thủ” sẵn trong ba lô mấy gói mì tôm, phở ăn liền. Nhiều hôm rong ruổi ở nước bạn đã quá trưa, bụng đói cồn cào, bên cạnh là tiệm cơm nhưng cũng không dám rời vị trí để bước chân vào, đành phải quay đi bẻ mì tôm ăn sống lót dạ rồi làm mấy hớp nước lọc qua bữa. Chuyện ăn tạm bợ cho qua ngày đối với các trinh sát trong các chuyên án lâu ngày đã thành quen.
Ngày 7/7/2015, sau hơn 5 năm trốn truy nã, Đạt bị bắt. Tại CQĐT, bước đầu, Đạt thừa nhận hành vi phạm tội “Tham ô tài sản”. Trong thời gian làm việc ở Vinashinlines (từ tháng 5/2006 đến tháng 6/2008), Đạt đảm nhiệm quyền Trưởng phòng Kinh doanh, chức năng tham mưu cho Tổng giám đốc (Trần Văn Liêm) kinh doanh mua bán tàu, khai thác tàu của công ty.
Từ đó, Đạt đã thông đồng cấu kết với nước ngoài gửi giá ăn chia hoa hồng. Theo đó, Đạt đòi hoa hồng 1% giá trị hợp đồng mua tàu và tiền chênh lệch khi cho thuê tàu từ 1 đến 2 giá. CQĐT xác định Đạt trực tiếp tham gia quá trình đàm phán giá cả, điều khoản hợp đồng mua 7 tàu cũ (chưa tính tàu Hoa Sen).
Tổng số tiền Đạt hưởng lợi từ các giao dịch mua 7 tàu lên đến 1 triệu USD. Cùng với đó, Đạt đàm phán, ký kết hợp đồng cho thuê 9 tàu; thỏa thuận với các đối tác nước ngoài giảm giá thuê để hưởng chênh lệch, với tổng số tiền khoảng 17,6 triệu USD.
Nhận thức số tiền được hưởng chênh lệch trên là thu nhập bất chính, vi phạm pháp luật và để tránh cơ quan chức năng phát hiện nên Đạt không tự đứng ra mở tài khoản nhận tiền mà thông qua người thân trong gia đình mở tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau.
Sau khi tiền về, Đạt báo cho bố đi rút và chuyển sang sổ tiết kiệm đứng tên người thân. Về số tiền 18,6 triệu USD, sau khi rút, ông Hiển đã đưa cho Đạt chi tiêu cá nhân, mua bất động sản và gần 10 xe ô tô đứng tên người thân.
Ngoài căn hộ trị giá 3,6 triệu USD tại Singapore do Đạt đứng tên mua, trước đó Đạt mua căn hộ khác tại đảo Sentosa, Singapore và đã bán.
Đây là vụ án tham ô, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng gây thất thoát số tiền lớn của Nhà nước. Gần 20 triệu USD và một số tài sản khác đã được thu hồi. Việc bắt giữ Đạt còn giúp lực lượng công an làm rõ thêm những vấn đề liên quan và tiếp tục điều tra, truy bắt các nghi can còn lại.
Ngoài Giang Kim Đạt vừa bị bắt, đối tượng trốn nã còn lại trong đại án Vinashin là Hồ Ngọc Tùng.
(Theo Phapluat VN)