Mơ thấy mình đang bay là một trong những trải nghiệm thú vị nhất mà não bộ có thể vẽ ra được. Mọi giấc mơ bay đều sống động và kịch tính đến nỗi, bạn chắc chắn sẽ chưng hửng đầy tiếc nuối khi tỉnh lại và thấy mình đang trên giường.
Một thăm dò ngắn trên Facebook cho thấy hầu hết mọi người đều thích những giấc mơ, trong đó họ có thể bay được:
"Tôi có thể tưởng tượng lồng ngực mình nhẹ bỗng, rồi tôi nhảy lên một cái, ném mình vào không trung không trọng lực, tôi còn có thể bay theo hướng mà mình muốn".
"Tôi thì thấy mình đang bay là là mặt đất, kiểu như nằm trên một chiếc ván trượt, nhưng thực ra chẳng có cái ván trượt nào cả".
"Cảm giác giống như mình là siêu nhân, hoặc một con ma. Chẳng cần phải cố, tôi có thể bay một cách đơn giản như đi bộ".
"Một vài lần tôi có những giấc mơ, trong đó tôi có thể nhảy lên, ngày một cao hơn cho đến khi tôi rời khỏi bầu khí quyển. Tôi có thể nhảy tới bất kỳ khoảng cách nào tùy ý".
Đó chỉ là một số trong vô vàn những lời tâm sự của những người từng trải nghiệm giấc mơ bay. Nhưng tại sao chúng ta lại có thể mơ thấy những giấc mơ kỳ thú này, nó có phải là những tín hiệu ngẫu nhiên phun trào ra từ các nơ-ron thần kinh trong khi bạn ngủ?
Hay những giấc mơ bay còn ẩn chứa điều gì đó, có thể tiết lộ về con người bạn, tính cách và sự hạnh phúc của bạn?
Đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi này là điều vô cùng khó, các nhà khoa học đang làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu giấc mơ cho biết. "Và sẽ còn khó hơn nữa để khiến mọi người mơ được trong cắm đầu vào một máy cộng hưởng từ MRI", tiến sĩ Tadas Stumbrys, một nhà nghiên cứu giấc mơ tại Đại học Vilnius nhấn mạnh.
Từ đầu thế kỷ 19, tiến sĩ Rainer Schönhammer, một nhà tâm lý học người Đức đã biên soạn những giải thích khoa học đầu tiên về giấc mơ bay. Nhiều người trước đó giải thích nó trên khía cạnh sinh lý.
Vào những năm 1860, nhà tâm lý học người Đức Karl Scherner nghĩ rằng chuyển động lên xuống của lồng ngực trong khi ngủ đã tạo ra cảm giác bay bổng trong mơ. Đồng nghiệp của ông J.E. Purkinje thì tin rằng sự thư giãn tự nhiên trong giấc ngủ khiến những người mơ cảm thấy họ đang trôi nổi.
Freudian Paul Federn thì nghĩ rằng sự cương dương trong khi ngủ khiến những người đàn ông có giấc mơ bay. Diedre Barret đồng ý rằng, đó là một cảm giác có thể chống lại lực hấp dẫn.
Mặc dù vậy, tất cả các giải thích này đến giờ không còn được đánh giá cao. Thay vào đó, các nhà khoa học hiện đại bắt đầu xây dựng các lý thuyết giải thích giấc mơ bay, tập trung vào thân não và tai trong, hai khu vực điều khiển sự cân bằng của cơ thể chúng ta.
Tiến sĩ Michael Schredl, một nhà tâm lý học đến từ Viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương ở Mannheim, không phủ nhận những nguyên nhân tâm lý học dẫn đến giấc mơ bay. Nhưng ông cũng không tranh cãi gì vềgiả thuyết vỏ não và ốc tai có thể gây ra nó.
Thay vào đó, Schredl tập trung các nghiên cứu của mình vào việc dự đoán tần suất giấc mơ bay ở các đối tượng khác nhau. Ai sẽ là người dễ bay trong giấc mơ hơn cả? Họ có đặc điểm chung gì?
"Giấc mơ bay một chủ đề hấp dẫn", Schredl cho biết. Trong một loạt các nghiên cứu của mình, ông đã tìm cách kết nối tần suất những giấc mơ bay với những đặc điểm tính cách hoặc lối sống của người mơ thấy nó.
Bằng cách tổng hợp dữ liệu giấc mơ được thu thập từ năm 1956, theo sau đó là hai cuộc khảo sát rộng và sâu của riêng mình, ông đã đi đến được một vài kết luận.
Đầu tiên và cũng dễ hiểu, những người nào càng trải nghiệm nhiều hoạt động bay lên không trung trong đời thực thì càng thường có những giấc mơ bay. Chẳng hạn, những huấn luyện viên bộ môn dù lượn thường báo cáo rằng họ bay trong giấc mơ mà không cần dù.
Thống kê những giấc mơ từ thập niên 1950 cũng cho thấy rằng sau khi máy bay được phát minh, tần suất của những giấc mơ bay cũng bắt đầu tăng lên. Điều này phù hợp với giả thuyết cho rằng trải nghiệm trong giấc mơ của chúng ta thực ra chỉ là sự phối trộn kỳ lạ của những trải nghiệm ngoài đời thực khi còn thức.
Để tìm hiểu sâu hơn về những giả thuyết này, Schredl đã truy cập vào một ngân hàng giấc mơ chứa hơn 6.000 mục ghi chép, thuộc về một người đàn ông ẩn danh viết nhật ký từ năm 1984. Kết quả cho thấy rằng người đàn ông này từng có một chuyến bay xuyên Đại Tây Dương, từ đó ông ấy mơ thấy mình đang bay trên máy bay nhiều hơn.
Mặc dù vậy, tần suất của các giấc mơ bay kỳ lạ và sáng tạo hơn thì không bị ảnh hưởng. Người đàn ông này báo cáo ông ấy mơ thấy mình bay bằng cách trèo lên nóc nhà, sử dụng một vài quả bóng tung hứng có ma thuật, đi xe đạp rồi bay lên. Ông ấy từng bay qua biên giới để xuất cảnh bất hợp pháp, và một lần là để gây ấn tượng với một cô gái, dĩ nhiên, ông ấy đã thành công.
Vậy thì trải nghiệm đi máy bay dường như không quan trọng lắm. Schredl nghĩ rằng cảm xúc hạnh phúc có ảnh hưởng lớn hơn đến các giấc mơ bay. Ông đã thực hiện một nghiên cứu rộng hơn cho thấy, những người nào càng có nhiều trạng thái cảm xúc tích cực hơn khi tỉnh thì càng có xu hướng bay được trong giấc ngủ.
Đối với những người săn tìm trạng thái mơ Lucid (biết mình đang mơ và điều khiển được giấc mơ), khả năng bay không liên quan đến thể chất hay tính cách của họ, mà đó là một quyết định có chủ ý. Người biết mình đang mơ có thể chủ động bay trong giấc mơ của mình.
Trong một nghiên cứu năm 2014 được công bố trên Tạp chí Tâm lý học Hoa Kỳ, Stumbrys và các đồng nghiệp (bao gồm cả Schredl) đã khảo sát 684 người gặp giấc mơ Lucid, hỏi rằng điều gì họ hay làm nhất trong thế giới mơ của mình. Kết quả cho thấy một phần ba số người nói rằng họ sẽ bay.
Bay là thứ mà mọi người thích làm hơn cả trong một giấc mơ Lucid, xếp trên nhiều hoạt động tiêu khiển khác như làm tình, đánh trận, chơi thể thao, dùng vũ khí sát thương...
Ở một mức độ nhất định, những người trải nghiệm giấc mơ Lucid có thể lập kế hoạch cho các hoạt động trong mơ từ khi họ còn thức. Một nửa trong số họ dự định trước rằng mình sẽ bay, thậm chí họ còn muốn chọn phong cách bay cho mình.
"Trong những giấc mơ Lucid, những kỳ vọng thực sự định hình giấc mơ của bạn", Stumbrys nói. "Vì vậy, nếu bạn hoạch định giấc mơ bằng cách vẽ ra hình tượng của mình như một siêu nhân, thì ý tưởng đó sẽ xuất hiện trong đầu bạn và đó là cách bạn có thể bay".
Tuy nhiên, Stumbrys cẩn thận chỉ ra rằng mối quan hệ giữa những giấc mơ Lucid và giấc mơ bay không nhất thiết phải là mối quan hệ nhân quả. Có thể những người mơ Lucid thích bay, vì vậy, họ tận dụng khả năng của mình để làm điều đó trong mơ.
Mặt khác, có thể chính việc thấy mình đang bay là thứ đã kích hoạt giấc mơ Lucid: bởi nếu bạn phát hiện ra mình đang bay, bạn cũng biết rằng mình đang ở trong một giấc mơ từ đó có thể điều khiển nó.
Stumbrys cũng từng có một giấc mơ Lucid thời trẻ, đó cũng chính là giấc mơ tạo cảm hứng cho ông trở thành một nhà nghiên cứu giấc mơ nghiệp chuyên. Trong giấc mơ ấy, Stumbrys thấy mình có thể bay ra ngoài cửa sổ.
Vào khoảng khắc mà ông ấy đứng trên bệ cửa, Stumbrys nhận ra nỗi sợ độ cao của mình ngoài đời thực cũng len lỏi cả vào giấc mơ. Đến tận bây giờ, Stumbrys vẫn hay mơ những giấc mơ như vậy. Nhưng thay vì sợ hãi, ông ấy sẽ thưởng thức chúng.
"Cảm giác khi ấy thật sự tuyệt vời", Stumbrys nói. "Nếu không có kế hoạch nào khác, thường thì tôi sẽ bay [ra khỏi bậu cửa số đó]".
Theo GenK