Thói quen hoài nghi và phản xạ kiểm tra lại những điều
người khác nói do vùng giữa trên vỏ não chịu trách nhiệm. Các nhà khoa học vừa phát hiện vùng não này bị
suy giảm do tuổi tác…
Khi tuổi tác tăng lên, niềm tin cũng tăng lên và người ta mất dần tính hoài nghi, tính phản biện và rất dễ bị lừa. |
Theo thống kê năm 2009, 12% số người Mỹ trên 60 tuổi bị những người thân trong gia đình và cả những người không quen biết lừa tiền. Sự thiệt hại không nhỏ, lên tới 2,9 tỷ đôla. Những nhà nghiên cứu Trường ĐH Iowa quyết định tìm hiểu vì sao những người già không tự bảo vệ trước những vụ lừa, đôi khi quá dễ dàng như vậy.
Họ đã chụp và nghiên cứu sự thay đổi của vỏ não theo tuổi tác và phát hiện trong các nếp gấp ở vùng vỏ não giữa, phía trước trán có những thay đổi rõ rệt khi tuổi tác lớn lên dần, bắt đầu từ khoảng 60 trở đi. Từ 300 người tình nguyện, các nhà khoa học chọn ra 2 nhóm: nhóm 1 gồm 18 người có phần vỏ giữa não thất thuỳ trán bị suy giảm và nhóm 2 gồm 21 người bị suy giảm ở sát vùng này.
Thành viên trong cả hai nhóm (cũng như những người vỏ não không hề suy giảm) được chiếu cho xem những đoạn phim quảng cáo, trong đó có những nội dung bịp bợm lộ liễu và những hàng hoá tự xưng là “chất lượng Mỹ” mà người mua không cần biết chúng sản xuất ở đâu. Sau đó mỗi người tham gia thí nghiệm phải đánh giá mức độ tin tưởng của mình đối với những lời quảng cáo và liệu mình có thực sự muốn mua những mặt hàng đó hay không.
Các nhà nghiên cứu đã tường trình kết quả của họ trên Tạp chí Frontiers in Neuroscience, với kết luận là những người mà phần vỏ não giữa các não thất bị suy giảm có khuynh hướng tin vào những lời quảng cáo bịp bợm mạnh hơn 2 lần so với những người đối chứng. Thậm chí dù có vạch trần những thủ pháp xảo trá của những lời quảng cáo cũng không ngăn cản được họ mua những mặt hàng đã phóng đại những ưu điểm một cách quá đáng.
Các tác giả của công trình nghiên cứu thừa nhận là thống kê của họ không đủ để đi đến những kết luận nhất quán, song kết quả gián tiếp khẳng định những đặc trưng về tính cách và hành vi của người già.
Khi tuổi tác tăng dần thì tính toàn vẹn về cấu tạo và sự phối hợp các chức năng của các phần giữa não thất trên vỏ não bị huỷ hoại nhanh chóng, khả năng thực hiện các thao tác nhận thức phức tạp bị giảm sút rất mạnh. Cho nên, dù người già đã qua nhiều trải nghiệm trong cuộc đời, kinh nghiệm sống phong phú – như mọi người thường nghĩ - họ lại dường như bắt đầu trở lại tuổi thơ, dễ tin như trẻ con. Nguyên nhân chỉ có thể là hậu quả của sự thay đổi của não theo tuổi tác.
Bảo Châu