Ngay từ trong bụng mẹ, con đã không
có cha. Tuổi thơ con có lẽ đã thiếu đi một mảnh ghép. Lớn hơn một chút, mẹ có
chồng. Nhưng... đó không phải là cha, con gọi là bố.
Đây là bài
dự thi cuộc thi "Nếu em có quyền được thay đổi hoàn cảnh hiện nay của trẻ em
Việt Nam, em muốn thay đổi cái gì vì lợi ích tốt đẹp nhất cho trẻ em Việt Nam?".
Tác giả: Võ Hoàng Diễm Phúc, 10 Hóa, Trường THPT Chuyên Lương Văn Chánh. TP Tuy
Hòa, tỉnh Phúc Yên.
Bố ngày ngày chở con đi học
trên chiếc xe số, nhưng không thể và không bao giờ bồng con hay dắt tay con đi
trên bãi biển. Vì sao ư? Vì bố không phải là cha.
Nay, 16 tuổi. Một cái
tuổi đã có thể xem là biết suy nghĩ, 16 năm qua, con có hạnh phúc không? Nếu có
chăng là một phép nhiệm màu, con ước chi rằng tất cả trẻ em Việt Nam hay cả trên
thế giới có một gia đình, mái ấm thực sự hạnh phúc.
Ảnh minh họa
Lớn lên trong hoàn cảnh đó, con cũng có thể hiểu được phần nào. Và con cũng thật may mắn là còn có mẹ, ngoại và cả bố nữa. Ở trường, con là một cô bé lí lắc, nhiều chuyền cười đùa, vui vẻ. Ở nhà, con tỏ ra khó chịu và cực kì cáu gắt. Còn tối đến, nằm trên giường, con cảm thấy lạnh. Chính con đã tự tạo ra một lớp vỏ bọc cho mình, một mặt nạ vô hình để không ai có thể nhận ra cảm xúc của mình. Chẳng dễ chịu gì khi phải giấu kín một điều gì đó, ấy vậy mà, con đã sống như thế nào trong hơn 15 năm qua nhỉ?
Đi đâu đó, ta có thể bắt gặp những đứa trẻ bán vé số dạo, đánh giày, bán báo, hay cả ăn xin. Ta nghĩ gì? Cho chúng vài đồng chăng hay rằng bọn trẻ con hôi thối, rằng chúng chỉ giả bộ để vét vài đồng bạc cắc. Cuộc sống đã đổi thay, niềm tin đã giảm. Con người đã không mấy tin tưởng vào những điều mà mình trông thấy. Nhưng cũng thật tội nghiệp, có bao giờ , họ dừng lại trong giây lát và tự hỏi rằng tại sao chúng lại làm như thế? Tại sao chúng không đi học? Tại sao và tại sao?
Vì đơn giản, chúng nghèo, chúng không có gia đình. Và cũng có những đứa trẻ giống như con. Thật giỏi để che giấu cảm xúc của mình. Tất cả những đứa trẻ không có được hạnh phúc gia đình đều đáng thương cả. "Người với người sống để thương nhau", liệu nó có còn tồn tại?
Gia đình là nơi duy nhất có thể nuôi dưỡng tâm hồn của con người, nhất là của những trẻ em. Vậy tại sao người lớn lại không vun đắp mà lại làm rạn nứt? Người lớn liệu có suy nghĩ cho những đứa con thân yêu của mình hay cũng chỉ vì bản thân. Điều gì tốt đẹp nhất cho trẻ em ư? Đó trên hết là sự xuất phát từ tình thương, từ sự quan tâm. Họ, những người lớn, đã có tuổi thơ nhưng tại sao họ lại nỡ bóp nát những khoảnh khắc, kỉ niệm đẹp đẽ của những đứa trẻ vô tội. Họ đã quá vô tâm khi tạo một vết sẹo trên trái tim, trong tiềm thức, trong sự suy nghĩ. Buồn. Rất buồn. Đau đớn thay. Khi chính con viết những dòng tâm sự này, con sợ mẹ ạ. Sợ mẹ buồn lắm. Lòng con bấy lâu nay đã nặng, nặng lắm rồi. Mẹ muốn đọc, muốn xem con viết những gì nhưng con không thể. Con bắt đầu run sợ. Con xin lỗi mẹ.
Có những hôm con lạc vào giấc mơ. Nơi đó có con, mẹ, em và bố là cha, mẹ ạ. Con đã thật vui vẻ và hạnh phúc. Và một ngôi sao băng chợt xuất hiện . Chắp tay con cầu nguyện, mong cho khoảng thời gian này ngừng trôi, mong cho con ấm mãi trong tình thương này thì hay biết mấy nhỉ? Nhưng rồi. Giật mình con lại thấy lạnh. Vẫn ở trên giường. Trời đang sáng. Con là đứa trẻ không cha, mãi mãi là như vậy! Con muốn sao cho không còn bất kì đứa trẻ nào như con, không chỉ hạnh phúc trong giấc mơ mà là cả hiện thực.
Còn quá nhiều những hoàn cảnh đau đớn, không gia đình, thiếu hạnh phúc. Ít nhất ra con muốn được thấy những nụ cười thật tươi, những tuổi thơ đầy mơ mộng và đẹp đẽ của trẻ em.
Cuộc thi Viết về Quyền trẻ em Việt Nam |
Chủ đề: "Nếu em có quyền được thay đổi hoàn cảnh hiện
nay của trẻ em Việt Nam, em muốn thay đổi cái gì vì lợi ích tốt đẹp nhất cho trẻ
em Việt Nam?". Điều kiện dự thi: Cuộc thi dành cho trẻ em Việt Nam tuổi từ 12 đến 18 tuổi Bài dự thi gửi về: Đại sứ quán Thụy Điển - Số 2 Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội Hoặc Tòa soạn Báo VietNamNet - Số 4 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội Hoặc email: quyentreem@vietnamnet.vn Hạn nộp bài dự thi: 15/5/2011 Giải thưởng: 1 giải nhất; 2 giải nhì; 3 giải ba; 5 giải khuyến khích. Ngoài ra mỗi em được tặng một bộ truyện của nữ nhà văn nổi tiếng viết chuyện cho trẻ em của Thuỵ Điển, bà Astrid Lingren và quà lưu niệm của Báo VietNamNet. Ngày trao thưởng: 1/6/2011 |