Tốn kém, không thân thiện môi trường, ít giá trị thực dụng, nhưng siêu xe vẫn tồn tại, vì chúng là những chuẩn mực mà mọi nhà sản xuất xe luôn mơ tới.

Siêu xe - đồ chơi của giới lắm tiền. Chúng là những cỗ máy đốt nhiên liệu, phá hủy môi trường, đi ngược lại với xu hướng thế giới xanh hiện tại. Thế nhưng, hàng triệu người vẫn đam mê, không cách nào quay mặt đi trước những cỗ siêu xe hào nhoáng.

Câu hỏi này được trả lời thỏa đáng tại Triển lãm Geneva International Motor Show, “thánh đường” của các siêu xe. Đây là triển lãm chứng kiến nhiều mẫu xe mang tính lịch sử, từ chiếc LaFerrari huyền thoại cho đến những mẫu xe kỳ quặc, như chiếc Lamborghini mạ vàng và dùng bánh 22 inch.

Tờ The Verge đặt câu hỏi: Nhân loại đang đi quá nhanh? Vì sao người ta lại muốn chế ra những cỗ máy chạy nhanh hơn tốc độ quy định, bạn sẽ chẳng tiết kiệm được bao nhiêu thời gian. Lẽ ra, xe cộ chỉ nên đạt tối đa tốc độ được cho phép, như 80km/h chẳng hạn?

{keywords}

Bugatti Chiron - mẫu xe nhanh nhất thế giới vừa trình làng. Ảnh: The Verge.

Tuy nhiên, con người luôn cố gắng tăng tốc, dù họ chạy trên những khu phố xá đông đúc hay những xa lộ hẻo lánh thẳng tắp. Có điều, “bao nhiêu là quá nhanh?” vẫn là câu hỏi đáng lưu tâm. Tại sao người ta lại muốn mua một chiếc Bugatti Chiron mới nhất, với tốc độ tối đa 420km/h, trong khi quy định chỉ cho phép ở mức trung bình mỗi giờ chạy 90km?

Tại sao người ta lại chế tạo ra những cỗ xe vô nghĩa về mặt thực dụng như vậy?

Thực tế, chiếc Chiron không được đánh giá cao bởi giới yêu xe, nó quá chú tâm vào thông số và chi tiết màu mè, như kim cương đính trên loa. Tuy nhiên, thay đổi kỹ thuật dũng cảm của sản phẩm này gây thích thú những người quan tâm. Nếu chi tiết của Bugatti, như kính chắn gió, động cơ, lốp và tất nhiên cả hành khách đều nguyên vẹn sau một vụ tai nạn ở tốc độ 400 km/h, rõ ràng những bài học về an toàn tại VW Passat sẽ thay đổi. Những công nghệ, chất liệu an toàn học hỏi từ NASA hẳn sẽ đáng với giá tiền hàng triệu USD cho mỗi chiếc xe.

Đó chỉ là những dự đoán, điều khiến siêu xe phát triển rầm rộ là những tầm nhìn đằng sau mỗi sản phẩm. Tuần này, Lamborghini giới thiệu Centenario, “chiến thần sợi carbon” với chất liệu mới cùng động cơ 770 sức ngựa. Chỉ 20 bản coupe và 20 bản convertible được sản xuất, tất cả đều đã được đặt hàng. Với mức giá 1,75 triệu euro, nhiều người sẽ cho rằng mua nó chẳng khác gì một cuộc đốt tiền, và ý kiến đó không hẳn là sai.

Centenario được đặt tên để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Ferruccio Lamborghini, người sáng lập công ty này. Từ một công ty máy kéo, Lamborghini sáng lập công ty siêu xe vì xích mích với gã hàng xóm Enzo Ferrrari. Cả hai đều bắt đầu từ những gara nhỏ bé ngoại ô Bologna, và bất ngờ thay đổi cả thế giới xe hơi.

Vùng Emilia-Romagna, Ý dường như là nơi sản sinh ra những thương hiệu xe hơi với tầm nhìn cao rộng. Anh em nhà Maserati bắt đầu sản xuất xe từ những năm 1900 và nhà máy của họ vẫn đang nằm cùng con đường với đối thủ Ferrari, cạnh bên xưởng của công ty siêu môtô Ducati.

Rõ ràng các thương hiệu này đã truyền cảm hứng cho nhau đến tận ngày nay. Lamborghini giờ thuộc một tập đoàn lớn hơn, và Ferrari vừa được cổ phần hóa, nhưng họ vẫn sẽ là người vẽ ra thế hệ tiếp theo của làng xe.

Khi đến Ý vào năm 1980, Horacio Pagani chỉ là một kỹ sư của Lamborghini. Vài năm sau, ông mở công ty riêng cạnh bên nơi làm việc cũ tại Emilia-Romagna. Thành công đầu tiên của tên tuổi này là siêu xe Zonda, dùng chất liệu sợi carbon. Năm nay, hãng này tung ra thế hệ mới nhất của Huayra, dùng công nghệ khí động lực chủ động, gần như cho chiếc xe thay đổi hình dạng khi đang lái. Các nhà sản xuất khác như Ferrari hay Porsche đã đi theo xu hướng khí động lực từ lâu, nhưng chưa ai phát triển công nghệ này tân tiến được như Huayra.

Tất nhiên không thể bỏ qua Christian von Koenigsegg từ Thụy Điển. Siêu xe Regera trị giá 2 triệu USD đã xuất hiện tại triển lãm năm ngoái. Nó là một chiếc xe lai với động cơ gần 1.500 sức ngựa và chế độ kích hoạt khí động lực riêng. Cỗ máy điên rồ này được xem là đại diện của những giấc mơ hoang dại sẽ truyền cảm hứng cho thế hệ những nhà thiết kế tiếp theo. Thế hệ đó có thể chỉ mới trỗi dậy 5 năm về trước, nhưng biết đâu Regera, Huayra hay Centenario là khởi nguồn của những chiếc xe bay không dùng nhiên liệu đốt của 20 năm nữa.

Cũng như nghệ thuật hay âm nhạc, chúng ta đang sáng tạo những thứ đi trước thời đại. Những cái tên như Horacio hay Christian, thậm chí Elon Musk sẽ không thể xuất hiện nếu gã đàn anh Enzo hay Ferrruccio không tung ra sản phẩm điên rồ. Siêu xe có thể thật quái đản, nhưng chính vì thế mà chúng tràn đầy cảm hứng. Câu chuyện của siêu xe không chỉ dừng lại ở tốc độ, giá tiền hay đẳng cấp. Và lý do để chúng tồn tại hoàn toàn không khó hiểu chút nào.

(Theo Zing)