Tại Việt Nam, từ 21/1 đến 20/2, tổng kiểm tra ô tô từ 8 chỗ ngồi trở lên… Yên tâm chút sau hàng loạt tai nạn chết người. Đâu đó vẫn thiếu chiến lược, các quy định xuyên suốt, ràng buộc và khuyến khích cánh tài xế phải tuân thủ và lái xe an toàn.

Ở Đức, nơi lái xe được “chăm sóc” không thể kỹ hơn, có đầy đủ hệ thống pháp lý buộc lái xe “ngoan”.

Cấm vừa lái xe vừa cầm-xem-bấm điện thoại

Phần lớn người Đức coi xe hơi là cuộc sống. Như rượu vang đối với người Pháp và bia hơi với người Việt Nam.

Mỗi chiếc xe trong 46 triệu ô tô ở nước này đều thể hiện cá tính của các chủ nhân. Họ nổi tiếng kỷ luật. Luôn tuân thủ quy định giao thông. Bạn có thể tìm thấy trên youtube hàng ngàn clip những ngã năm hỏng đèn giao thông cũng không có cảnh sát chỉ đường, xe qua lại nườm nượp mà không hề ách tắc như ở Việt Nam ta.

{keywords}
Các xe đi đúng làn đường cho phép 

Ấy là ở phố, còn trên 12.996km Autobahn - đường cao tốc, 62% có tốc độ khuyến cáo 130km/h, sàn 80km/h và trần thì nghe đâu bảo 331 km/h. Tắc đường hàng trăm km trên đó, mọi người luôn để một đường khẩn cho xe cứu hộ.

Tôi nhớ có lần tắc đường ở gần Magdeburg cách đây chừng 4 năm, có xe cấp cứu bị 27 ô tô chiếm dụng làn đường khẩn. Cảnh sát phạt mỗi xe từ 200-2.000 euro (tùy mức độ vi phạm), được “tặng” 2 điểm phạt ở Flensburg và 1 tháng đi tàu điện ngầm. Giới hạn sử dụng rượu bia ở Đức là 50mg trên một lít máu.

Những người có bằng lái xe trong thời gian “thử lái” 2 năm, và thanh niên dưới 21 tuổi thì không được giọt nào. Vi phạm sẽ bị phạt từ 500 euro và tịch thu bằng lái 1 tháng. Tái phạm là 1.000 euro và 2 tháng đi bộ. Nghiêm cấm vừa lái xe vừa cầm-xem-bấm điện thoại...

Tóm lại phần là vì mỗi khoản phạt đều kéo theo hệ lụy sau đó nên lái xe ở Đức khá nghiêm chỉnh và phần là được đào tạo tốt ở trường dạy lái.

Thi cử nghiêm túc đến… phát điên

Việc đào tạo lái xe ở Đức chặt chẽ bậc nhất châu Âu. Bạn phải trải qua đào tạo lý thuyết và thực tế trên mọi loại địa hình. Lái xe chủ động luôn là tiêu chuẩn. Xác định người khác có thể sai luật một cách vô tình hay cố ý để phòng ngừa đối phó. Thi cử nghiêm túc.

Người Việt Nam ở Berlin trượt vài ba lần là thường. Cá nhân tôi bị trượt 2 lần dù đều đã hoàn thành tốt bài thi thực hành trên đường.

{keywords}
 

Lần thứ nhất, xe về đến sân sở giao thông, liếc thấy người sát hạch lấy bút ra đang điền vào tờ biên bản và cười, tôi thở phào mở cửa châm điếu thuốc lá. Vừa châm lửa thì được gọi vào xe. Anh vào ghế lái đi. Xé cái biên bản cũ. Ghi vào một tờ biên bản mới là trượt. Xin chia buồn. Hẹn kỳ thi tới. Mặt tái nhợt, tôi hỏi sao trượt.

Bất cẩn gây tai nạn chết người. Tôi hỏi lại, ở đâu ra, ai chết? Một người đi xe đạp vừa đâm vào cái cửa anh mở ra. Ngã xuống đường và bị xe ngược chiều đâm chết. Sao thế? Không hiểu. Mô tả kỹ hơn: Anh mở cửa xe mà không quay lại nhìn nên không thấy xe đạp đi đến từ ngay sau xe. Và… anh biết hậu quả rồi chứ.

Đau khổ. Xót tiền. Thêm 10 giờ lái nữa. Lại đi thi. Chạy thực hành tốt. Lại liếc mắt đã thấy hí hoáy viết biên bản và cái màu bằng lái yêu mến. Tôi cẩn thận nhìn về phía sau xem có xe đạp không, mở cửa và đi ra ngoài châm điếu thuốc lá. Vị sát hạch nhìn một cách âu yếm và gọi: Vào xe đi. Rất tiếc, tôi nghĩ là tôi chưa thể chúc mừng anh được.

Làm tốt hơn ở lần sau nhé. Tôi nói như gào lên, tôi có làm gì sai đâu. Tất cả đúng quy trình. Sao đánh trượt tôi. Ông phân biệt chủng tộc à? Hỏi: Anh muốn nghe nguyên nhân tôi đánh trượt không? Có, tôi trả lời như muốn khóc. Chỉ tay xuống ngã tư: Xe của anh vừa đâm vào cái xe khách dưới kia, gây tại nạn nghiêm trọng khiến 2 người đi bộ chết. Anh quên không kéo phanh tay khi đỗ xe ở dốc. Nó lăn xuống ngã tư... Phát điên. Thi lần 3 mới xong.

Mất bằng lái trong 3 phút

Chuyện khác hay được kể ở các trường lái xe về một chàng trai trẻ vừa đỗ bằng lái, đi về nhà từ sân sở giao thông, chưa đầy 3 phút đã bị tịch thu bằng vì mất 8 điểm như sau: Vượt xe cảnh sát chạy cùng chiều ở làn bên phải (3 điểm), sau đó sợ quá bỏ chạy và vượt tốc độ 15km (1 điểm), vượt luôn đèn đỏ gây tai nạn (3 điểm) và khi vừa chạy trốn cảnh sát vừa điện thoại cho người thâan (1 điểm). Học 3 tháng. Mất bằng lái trong 3 phút. 

Từ năm 2014, tổng điểm phạt tối đa là 8. Từ 4-5 điểm sẽ có nhắc nhở và đến 6-7 điểm thì nhận được cảnh cáo. 8 điểm thì bằng lái xe bị treo. Hệ thống giúp giảm số người thiệt mạng vì tai nạn giao thông từ 21.000/năm xuống khoảng 3.500.

{keywords}
 

Quy định về “tẩy điểm” buộc ta nghiêm túc nhìn nhận và chỉnh sửa, ngoan ngoãn không vi phạm từ 2,5-10 năm để được trừ 1-3 điểm.

Các lỗi tái phạm uống rượu bia vượt quy định cho phép bị cảnh sát tịch thu bằng lái xe 3 tháng và phải qua kiểm tra tâm lý y tế (MPU). Những đối tượng vi phạm về sử dụng chất có cồn và ma túy, chất gây nghiện chiếm 70% tổng số khách hàng MPU.

Năm 2012, có 94.176 người đi kiểm tra MPU thì chỉ gần 50% đạt trong lần thi thứ nhất. MPU thường kéo dài 150-180 phút và gay go nhất là bài kiểm tra tâm lý dài hơn 60 phút.

Quá khứ sặc mùi rượu thiếu trách nhiệm của bạn sẽ được các nhà tâm lý lão luyện bóc trần trụi. Gây ức chế.  Mất kiểm soát. Chỉ cần như vậy là đủ để bạn ra về trắng tay.

Kinh nghiệm của 50% lái xe vượt qua thử thách này là… cứ ngoan ngoãn và hợp tác ắt sẽ có quà.  

Cùng hiến kế giảm thiểu các vụ tai nạn thương tâm, mời bạn đọc trong và ngoài nước có thể chia sẻ kinh nghiệm, câu chuyện thực tế... gửi về địa chỉ banxahoi@vietnamnet.vn. Bài viết phù hợp sẽ được lựa chọn đăng tải. Trân trọng!

Nam Nguyễn

Ô tô đâm 5 xe trên phố Ngọc Khánh: Thai phụ nhảy bật trong tích tắc

Ô tô đâm 5 xe trên phố Ngọc Khánh: Thai phụ nhảy bật trong tích tắc

Thai phụ may mắn sau vụ tai nạn hoảng hồn nhớ lại xe ô tô lao vút như cơn lốc, "càn quét" dọc vỉa hè phố Ngọc Khánh.