Côn trùng là một trong những món ăn được khá nhiều người yêu thích, đặc biệt là đối với dân nhậu. Trong thời điểm này, nhiều người vì ở nhà tránh dịch không thể đi đâu mà đã mua các loại côn trùng về để ở nhà vẫn có thể "tẩm bổ". Tuy nhiên, đây là món ăn chưa chắc đã bổ như lời đồn.
Ăn côn trùng để bù đắp “thiệt thòi”
Anh Nguyễn Đình Anh, ngõ 121 phố Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng, Hà Nội thổ lộ: “Đang có dịch sởi nên dịp nghỉ lễ này gia đình tôi đành bấm bụng ở nhà không đến những nơi tập trung đông người vì sợ lây bệnh cho con. Bù lại sự “thiệt thòi” này, tôi quyết định đặt mua bằng được trứng kiến gai đen cho mọi người trong nhà cùng ăn”.
Lý giải về “thú vui” của mình, anh Đình Anh nói: “Năm ngoái tôi được biếu 1 kg trứng kiến gai đen, mới chỉ làm những món đơn giản thôi nhưng bữa ăn có món trứng kiến bao giờ cũng hết đầu tiên. Ăn lạ miệng, có vị ngọt và bùi nên ai cũng thích. Vì vậy, trong dịp nghỉ lễ này tôi bù đắp cho vợ con bằng món trứng kiến nên đã nhờ người bạn ở Cao Bằng tìm mua cho 3kg loại thượng hạng, giá 800.000 đồng/kg bỏ tủ lạnh ăn dần”.
Chị Trà Thị Huyền, phố Mã Mây, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tâm sự: “Nhà tôi ai cũng nghiện món trứng kiến nhưng nó quá đắt nên không phải lúc nào cũng ăn được. Dịp nghỉ lễ này phải ở nhà vì sợ dịch bệnh nên tôi quyết tẩm bổ cho cả nhà bằng món trứng kiến, rất tốt cho sức khỏe. Bé Kem- con trai 4 tuổi của tôi cũng bị nghiện món trứng kiến nấu xôi và món trứng rán trứng kiến”.
Ngoài món trứng kiến, nhiều gia đình lại chọn tẩm bổ bằng bọ xít dịp nghỉ lễ. Anh Lê Công Tuyền, ngõ 6, thôn Lộc, Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội cho biết: “Cách đây 2 năm tôi đi Sơn La công tác được thết đãi món bọ xít mà theo quan niệm ở đây thì gia chủ quý lắm mới mời. Tôi được gắp vào bát một con, nhìn sợ lắm nhưng vì cả mâm khuyến khích nên đành nhắm mắt ăn. Không ngờ béo ngậy, giòn tan trong miệng, sau đó thì không chờ ai gắp hộ mà tự ăn. Bây giờ, cũng đang mùa nhiều bọ xít nên tôi đã nhờ người đặt mua ở Sơn La về chiêu đãi cả nhà dịp nghỉ lễ. Giá bọ xít nhờ mua tận gốc khoảng 500.000 đồng/kg”. “
Nghỉ lễ nhà tôi không đi chơi vì muốn kiêng cho các con. Mẹ tôi nói sẽ ở Cao Bằng xuống mang theo đặc sản trứng kiến và bọ xít. Tôi sẽ tẩm bột rán cho cả nhà ăn trước khi ngâm 30 phút nước muối, sau đó là 30 phút với nước vôi rồi rửa sạch”, chị Hà Thị Bích Liên, phố Vũ Thạnh, quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ.
Trên các diễn đàn, mạng xã hội, các món côn trùng được chào hàng và đang rất hút khách. Chị Lưu Thị Yến, người chuyên bán côn trùng trên Facebook cá nhân cho biết, mùa trứng kiến gai đen kéo dài từ đầu tháng 3 đến tháng 5 âm lịch. Rất nhiều người tranh thủ dịp nghỉ lễ này để thỏa mãn cơn nghiền của mình hoặc tiếp đãi bạn bè. Đang chính vụ nên trứng kiến bán được giá từ 600.000 - 700.000 đồng/kg, hàng về được bao nhiêu là hết bấy nhiêu.
Trứng kiến là một món ăn được coi là đặc sản |
Ngoài ra, chị Yến còn bán các loại côn trùng đang được nhiều người săn lùng với mức giá khá “chát” như bọ xít: 600.000 đồng/kg; bọ cạp và bổ củi đồng giá 5.000 – 10 đồng/con; mối chúa 15.000 - 25.000 đồng/con, rết 25.000 - 30.000 đồng/con, tắc kè 150.000 - 300.000 đồng/con, bìm bịp 300.000 - 500.000 đồng/con... Những món ăn này được chị Yến ca ngợi hết lời về tác dụng của nó như tăng cường sinh lý, giảm đau cơ, xương, cải thiện sức khỏe, xua tan mệt mỏi…
Món ngon, nhưng không lạm dụng
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, chưa có một công trình nghiên cứu đúng nghĩa nào chứng tỏ côn trùng là món ăn bổ dưỡng, tất cả đều từ các kinh nghiệm dân gian truyền lại. Tuy nhiên, có chuyên gia được hỏi cũng cho rằng, món trứng kiến không chỉ là “đặc sản” hảo hạng mà có thể chế biến thành một số loại dược liệu quý và rất tốt cho sức khỏe con người.
ThS Nguyễn Viết Hải (Viện Di truyền nông nghiệp) đánh giá, món ăn côn trùng có giá trị dinh dưỡng cao bởi có nhiều axit amin, không cholesterol, hàm lượng các loại vi chất cũng rất cao. Ngoài ra, chúng được xem là nguồn thực phẩm sạch, không để lại dư lượng và không mang các dịch bệnh cho con người...
Đầu bếp Nguyễn Văn Trình, chuỗi nhà hàng Aota tại Hà Nội cho rằng: “Trứng kiến phải lấy được loại làm tổ trên cây mới đảm bảo giá trị dinh dưỡng. Trứng kiến có thể chế biến thành các món như: Xôi trứng kiến, trứng rán trứng kiến, bánh trứng kiến, trứng kiến chiên bơ, xào cay, cuốn lá lốt... rất ngon miệng".
TS Nguyễn Thị Vân Thái (Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương) cho biết, các thử nghiệm lâm sàng trên người cho thấy bệnh nhân sử dụng rượu ngâm trứng kiến gai đen có cải thiện về sức khỏe, thần kinh, tăng cường chức năng sinh lý, tốt cho cơ, xương, khớp, giảm stress. Tuy nhiên, không phải loại trứng kiến nào cũng có thể dùng làm thực phẩm. “Trứng kiến thực chất là ấu trùng kiến, vì thế tỷ lệ đạm rất cao, nhiều chất bổ, tuy nhiên một số người có thể bị dị ứng. Cũng có loại trứng kiến độc khi ăn vào sẽ gây hại đến sức khỏe của con người. Vì thế, trước khi ăn đặc sản, cần tìm hiểu rõ nguồn gốc để tránh rước họa vào thân”, TS Nguyễn Thị Vân Thái khuyến cáo.
Một số chuyên gia y tế được hỏi cũng khuyến cáo rằng, nếu muốn tăng cường sức khỏe, cải thiện tinh thần thì còn rất nhiều món ăn bổ dưỡng khác không nhất thiết phải ăn côn trùng, bởi giá cả đắt đỏ lại không rõ nguồn gốc, có thể chứa mầm độc trong đó.
Đã xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc do ăn côn trùng
Tháng 4- 5/2013, tại Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm do ăn ấu trùng ve sầu nhiễm nấm làm 22 người mắc, 19 người phải nhập viện với biểu hiện nôn ói, chân tay co giật, trong đó có 5 người bị rất nặng phải chuyển cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM.
Trước đó, tại TP Biên Hòa, Đồng Nai cũng đã xảy ra sự cố tương tự do ăn nhộng ve vào ngày 22/5/2013. Nạn nhân là ông Nguyễn Ngọc Tuấn (60 tuổi) và ông Trương Lý (67 tuổi) đều ngụ TP Biên Hòa. Ăn xong, ông Lý và ông Tuấn được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cấp cứu trong tình trạng co giật, hôn mê sâu, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não... Sau khi xét nghiệm, kết hợp với sự hỗ trợ chuyên môn của Bệnh viện Trưng Vương và Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ chẩn đoán ông Lý và ông Tuấn bị nặng là do ăn nhộng ve nhiễm nấm độc.
Ngày 8/12/2012, Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận 3 trường hợp bệnh nhân ở Lai Châu phải nhập viện vì ngộ độc do ăn bọ xít. Bệnh nhân nhập viện có những biểu hiện kích thích thần kinh, nói lảm nhảm và có nguy cơ để lại di chứng thần kinh sau này. Các đây 10 năm vào tối 4/2/2004, Trung tâm Y tế Quế Sơn (Quảng Nam) tiếp nhận cùng lúc 3 bệnh nhân (đều ở thôn 2, xã Quế Lộc), gồm ông Trần Xuân Diệu (70 tuổi), bà Đoàn Thị Thắng (72 tuổi, vợ ông Diệu) và cháu nội của ông bà là Trần Hữu Hiếu (15 tuổi), trong tình trạng huyết áp tăng, tim đập nhanh, loạn thần, khó thở và co giật mạnh. Ông Diệu và bà Thắng bị loạn thần rất nặng, nói năng lộn xộn, không thể giao tiếp bình thường được. Nguyên nhân được xác định là họ đã nhặt được một số con ấu trùng ve và đem chiên giòn để ăn. Khoảng 2h sau khi ăn xong, cả 3 người đều cảm thấy khó thở, choáng và nôn mửa...
Về các sự cố này, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có khuyến cáo nêu rõ: Trên thực tế có nhiều loại nhộng của các loài côn trùng (bọ cạp, đuông dừa, dế, ve…) dùng để làm thức ăn. Tuy nhiên, khi các loài côn trùng này sống trong môi trường đất có nguy cơ nhiễm và bị nấm ký sinh nên dễ gây ngộ độc cấp tính nặng cho người sử dụng dù đã qua chế biến.
(Theo GiadinhNet)