- Những ngày cuối năm, Trường THPT nơi tôi học cách đây hơn 10 năm trở nên nổi tiếng. Cái sự nổi tiếng chẳng trò cũ nào đủ dũng cảm để tự hào. Nhất là khi báo chí khai thác thông tin có thể nói nhiều ở mức không cần thiết.





Đơn phản ánh hành vi thầy hiệu phó "sàm sỡ" học sinh
Nếu nhìn nhận khách quan, ai cũng thấy, vị phó hiệu trưởng ấy chẳng vừa còn cô học sinh này cũng chẳng... ngoan cho lắm! Thế nhưng, mọi thông tin hầu như chỉ dành cho việc khai thác ai sai, ai đúng - một việc về khía cạnh nào đó đã tương đối rõ, chỉ chờ kết luận của cơ quan điều tra.


Hai năm trước, trong một buổi họp lớp, chúng tôi có hỏi thầy Trần Việt Huy, giáo viên dạy toán đã nghỉ hưu, một người thầy được rất nhiều thế hệ học sinh của Trường PTTH Phúc Yên (cũ) yêu mến, rằng “Thầy thấy học trò ngày xưa và bây giờ có khác nhau nhiều không?”.


Thầy cười lớn: “Các em ạ! Nếu không có sự khác biệt giữa các thế hệ thì đó là không tuân theo quy luật của trời đất, theo luật vô thường, luật nhân quả rồi. Với một số người thì trò càng ngày càng hư, nhưng tôi thấy trò càng ngày càng giỏi và làm được những điều thế hệ cha anh chưa làm được. Bởi vậy, người làm thầy cần để trò tung cánh, xã hội mới phát triển được. Còn nếu chỉ nhìn một khía cạnh để nói về tổng thể là sai lầm”.


Buổi họp lớp này cũng có sự tham dự của thầy Huân, với tư cách hiệu phó, mặc dù tôi không biết thầy trẻ có để lời thầy già lọt vào tai hay không.


Nói về lớp trẻ bây giờ, người ta hay ca thán rằng học sinh bây giờ hư quá, mới nứt mắt đã phấn son xanh đỏ, rồi rủ nhau vào nhà nghỉ như không, rồi chuyện nữ sinh đánh nhau, chuyện sex tập thể, tình dục đồng tính... Nói vậy, chẳng lẽ học sinh ngày xưa là ngoan hết sao?


Hay như một cậu bạn cùng lớp thốt lên: “Ngày xưa đi học chẳng có nhiều quán net, nhà nghỉ, nếu không tớ đã...”


Một cô bạn, cũng là giáo viên ở Trường Bến Tre tâm sự: “Trường có đến hàng nghìn học sinh, tránh sao được một tỉ lệ học sinh cá biệt. Đa phần, các trường hợp này có cuộc sống gia đình không hạnh phúc, bố mẹ ly hôn hoặc không quan tâm, dạy dỗ. Cô học sinh nhân vật chính trong câu chuyện này là một thí dụ điển hình. Ngày nay, dạy học cực kỳ áp lực. Trong giờ học, nhiều thầy cô thường xuyên phải “cảnh giác cao độ” trước việc quay lén, ghi âm của học trò rồi sau đó có thể bị tung lên mạng thành hot clip bất cứ lúc nào”.


Không thể quàng mãi “cái khăn mỏ quạ”


Học trò bây giờ vẫn là học trò mà thôi. Nhưng rõ ràng, đã thay đổi nhiều.


Bởi vậy, chính thầy cô là những người đầu tiên cần phải đổi thay chính mình. Giống như nhiều ngành nghề hoặc thất bại hoặc cần bắt nhịp nhanh những công nghệ mới, nghề sư phạm, với đối tượng là học sinh, khi đối tượng có sự thay đổi, người giáo viên cũng cần thích ứng để theo kịp, nắm bắt về cả về tâm lý và nghiệp vụ.


Hãy đừng than phiền quá nhiều, nếu như công bằng mà nói, thế hệ trẻ đã làm được nhiều việc mà thế hệ đàn anh chưa làm được. Và bên cạnh 1 bộ phận người trẻ sống buông thả thì vẫn có rất rất nhiều học sinh đang có một lối sống đẹp, vì xã hội, vì cộng đồng và tích cực trong các hoạt động thiện nguyện.


Biến đổi một học sinh từ trạng thái tiêu cực sang tích cực chính là nhiệm vụ của thầy cô, rất cần cái tâm của người làm thầy, vượt lên trên trách nhiệm giảng dạy thông thường. Người thầy giáo chân chính không thể biện minh cho hành động của mình như “Vì cô ấy đòi yêu tôi!”, vì chính người thầy cần “học” cách xử sự trong tình huống tương tự, khi rất nhiều học sinh...lớn trước tuổi.


Một vấn đề nữa, cần sự phối hợp giữa gia đình là nên thay cấm đoán bằng việc chuẩn bị cho các em kiến thức cơ bản và các kỹ năng trước những tình huống nhạy cảm như quấy rối tình dục và rất nhiều kỹ năng thiết thực khác.

Xin trích 1 phần bài thơ “Trường Phúc Yên thân yêu” của thầy Trần Việt Huy

...Năm tháng cứ thản nhiên lạnh lùng qua nhanh tôi cưỡng làm sao nổi

Tôi đành ngồi im để tận hưởng vui buồn thương nhớ

Trong đêm vắng lặng này tâm hồn tôi vẫn âm vang những khúc đàn muôn điệu

Tôi nhớ về một thời để nhớ

Tôi thấy những ánh mắt long lanh, những đóa hoa hồng nở trên môi con trẻ

Và cứ thế những âm vang bất tận

Những nốt đàn cứ nhảy múa quanh tôi

Những màu sắc lung linh quay vòng như đêm hội hoa đăng không bao giờ dứt

Mười đầu ngón tay chạy trên phím đàn


Những cảm xúc của tôi cứ tự nhiên tuôn trào như dòng chảy tự nhiên vốn vậy

Tôi viết bản trường ca

Tôi chỉ muốn níu lại tuổi trẻ


Thế thôi”.


  • Ngọc Thiên Anh (cựu HS Trường THPT Bến Tre, Vĩnh Phúc)