Tấn Beo kể giờ đi đến đâu cũng nghe khán giả phàn nàn, chê bai diễn viên diễn dung tục, nhảm nhí. Anh bảo lỗi này ngoài nghệ sĩ, nhà đài cũng nên chịu trách nhiệm phần nào.
Từ một “thằng hề”, nhờ nét duyên sẵn có và sự ham học, Tấn Beo dần trở thành một diễn viên hài nổi tiếng nhờ các tiểu phẩm có giá trị giáo dục.
NSND Ngọc Giàu nói về đàn em: “Tấn Beo là một diễn viên biết cách chắt chiu tiếng cười có ý nghĩa, đem lại cho sân khấu kịch những mảng miếng mang giá trị giáo dục sâu sắc. Tấn Beo không dừng lại ở việc ăn sẵn cái duyên hài đã có mà biết khai thác để tạo nét riêng”.
Những năm gần đây, anh đã dần chuyển sang lĩnh vực phim ảnh. Những tưởng Tấn Beo sẽ từ bỏ hài kịch nhưng anh bảo chỉ đang tạm thời “ẩn náu”, chờ thời cơ thích hợp quay lại. Cuộc trò chuyện giữa nghệ sĩ với phóng viên Zing.vn kéo dài hơn dự định, bởi Tấn Beo mang theo nỗi lòng đau đáu mà suốt nhiều năm qua, anh luôn im lặng.
Đau lòng khi cả làng hài bị chửi
Tấn Bèo thừa nhận thực trạng làng hài miền Nam đang có những dấu hiệu đáng buồn. Nam diễn viên cho rằng game show mọc lên như nấm nhưng format lại na ná nhau dẫn đến việc bị trùng lặp ý tưởng, kịch bản thiếu đầu tư và nghệ sĩ xuất hiện đại trà đã làm mất tính hấp dẫn vốn có của truyền hình thực tế.
Tuy nhiên, Tấn Beo khẳng định yếu tố quan trọng nhất của một diễn viên hài phải nằm ở tiểu phẩm. “Diễn hài dứt khoát phải có kịch bản hay, sau đó cộng hưởng với nhiều yếu tố như sự duyên dáng của nghệ sĩ, sự tung hứng ăn ý của đồng nghiệp mới cùng nhau làm nên một tiết mục, tiểu phẩm hay”, nam diễn viên Thám tử Hên-ry tâm sự.
Cũng theo Tấn Beo, ca sĩ phải có bài hát, diễn viên phải có tiểu phẩm ghi dấu ấn với người hâm mộ. Nhưng theo anh nhận định các nghệ sĩ trẻ hiện nay thường “xài” bản năng, sự duyên dáng đang có nên lâu dần nét duyên bị bào mòn, “vốn tự có” không còn nữa nên xảy ra tình trạng nói nhảm.
Nghệ sĩ sinh năm 1970 cho biết dù nghệ sĩ có duyên thế nào, thông minh ra sao cũng cần có kịch bản hay để phát triển tình tiết lên mức cao trào nhưng vẫn kiểm soát được nội dung.
“Nếu cứ nói tự phát, một lúc nào đó hết vốn liếng sẽ dễ làm khán giả hụt hẫng và bội thực. Đừng nên nghĩ mình diễn hay, nói gì người xem cũng cười, đến khi hết chuyện để nói lại mang đời tư của đồng nghiệp làm tiếng cười mua vui. Như vậy sẽ hại chính mình”, Tấn Beo nói thêm.
Một thực tế đáng buồn khác là hiện nay, các diễn viên trẻ thường thích thể hiện, như ngầm khẳng định họ mới là ngôi sao và “dập” đồng nghiệp. Tấn Beo cho rằng điều này là tối kỵ trong nghề bởi vô tình sẽ “giết” kịch bản, bạn diễn và chính mình.
Anh nói đứng trên sân khấu, những mảng miếng được “quăng – bắt” đúng nhịp sẽ giúp cả 2 cùng tỏa sáng thay vì đố kỵ chỉ để mình được nổi bật.
Tấn Beo tâm sự thêm giờ ra đường, anh thường nghe đám đông bàn luận tiêu cực về làng hài. Anh cười chua chát nói: “Họ bảo giờ xem hài chỉ toàn thấy nhảm và tục tĩu. Mà tôi có làm gì đâu, nhiều nghệ sĩ tên tuổi khác còn không tham gia game show nữa vậy mà cũng bị vạ lây vì người ta chửi cả làng hài”.
Game show hiện nay mọc lên như nấm nhưng Tấn Beo chỉ xuất hiện lác đác ở một vài chương trình. Người viết hỏi anh vì sợ bị chửi diễn hài nhảm nên từ chối hay sao, nam diễn viên bảo anh không “ngán” nhưng lại lo sợ khán giả bỏ rơi mình.
“Tôi sợ khán giả trông chờ ở mình nhưng mình lại làm họ hụt hẫng. Tôi không muốn phải đánh đổi sự tin yêu của người xem chỉ vì miếng cơm manh áo. Có thể, tôi không ở nhà mặt tiền, không đi xe sang nhưng lương tâm mình thanh thản”, Tấn Beo nở nụ cười thoải mái.
Anh tâm sự thêm tất nhiên nghệ sĩ nào cũng hãnh diện vì được các nhà sản xuất đánh tiếng mời tham gia game show, bởi điều đó cho thấy mình cũng đắt show và được nhiều người yêu quý. Thế nên, Tấn Beo thông cảm cho lứa diễn viên trẻ vì kế sinh nhai phải làm theo yêu cầu của nhà sản xuất.
Đối mặt với câu hỏi khi phát ngôn như thế, liệu có phải Tấn Beo đang hết thời, anh thẳng thắn trả lời: “Nghệ thuật không có nấc thang cuối cùng. Tôi chỉ mới đi nửa chặng hành trình. Mà thậm chí, khi anh lên đến đỉnh rồi, anh còn biết đi đâu ngoài việc đi xuống? Tạm thời tôi đang ẩn náu, đợi đến khi giá trị thật được đặt về đúng chỗ, lúc đó tôi mới xuất hiện”.
Hài phải có tính thẩm mỹ và giáo dục
Tấn Beo chua chát bảo chính trong sự bão hòa của game show, người ta mới đặt câu hỏi đâu rồi những kịch bản có ý nghĩa, phản ánh thực trạng cuộc sống bằng sự hóm hỉnh, nhân văn như Táo quân hay Trong nhà ngoài phố.
Anh tin khán giả không lãng quên những tiếng cười thâm thúy, không dễ dãi với những tiếng cười dung tục. Chỉ là, những người làm chương trình đang chạy theo rating. Vẫn còn nhiều nghệ sĩ rất sung sức, muốn chiêu đãi người xem những tiểu phẩm chất lượng thật sự.
Tấn Beo nói mỗi khi viết kịch bản, anh phải đi sâu vào cuộc sống, lấy chất liệu từ đời thật để câu chuyện của mình thuyết phục đám đông. “Tôi nghĩ cái khó nhất của hài là làm thế nào để truyền tải tính thẩm mỹ, giáo dục vào trong từng câu nói mà không mất đi sự dí dỏm, hài hước.
Những tiểu phẩm của tôi xưa nay vẫn định hướng giá trị thuần phong mỹ tục. Tôi muốn khán giả cười sảng khoái nhưng vẫn đọng lại trong họ bài học về cách đối nhân xử thế”, anh nhấn mạnh.
Thế nên, các tiểu phẩm hài của Tấn Beo như Lên chùa bán nhang, Năm Nổ về làng, Tấn Beo thi làm ca sĩ… dù thời gian qua bao lâu vẫn được khán giả xem đi xem lại vì mang giá trị giáo dục.
Theo Zing